Những con số báo động
Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2012, Facebook đã gặp khó khăn lớn. Tăng trưởng doanh thu chậm lại, chi phí tăng cao và tụt dần lại phía sau các đối thủ cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng trên điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác. Nhưng chỉ trong vòng hai năm, công ty đã xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục. Trong ba tháng đầu năm 2014, doanh số bán hàng của Facebook đã tăng 72% so với năm trước và lợi nhuận tăng ba lần sau khi đại tu lại với phương châm “di động là trên hết” (mobile first). Lần chuyển đổi thành công này đã trở thành một giai thoại trong “truyền thuyết Facebook” và chứng minh cho vị thế thống trị của công ty trong thế giới mạng xã hội.
Mười năm sau, công ty, nay có tên mới là Meta, lại đứng trước ngã ba đường tương tự: Đại tu để sống còn! Meta đã gây sốc cho trung tâm tài chính Wall Street vào ngày Thứ Tư, 9 Tháng Hai khi công bố lợi nhuận hàng quý giảm, mức tăng trưởng người dùng không dương mà âm, và triển vọng doanh thu đầu năm 2022 chẳng có gì sáng sủa! Ngày 9 Tháng Hai 2022 là ngày giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử Facebook với vị trí một công ty đại chúng lừng lẫy.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg tưởng rằng “sự kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)” (combination of virtual and augmented reality technologies) mà ông gọi là metaverse sẽ là cú đổi mới sẽ giúp xoay chuyển mọi thứ, giống như cú xoay sang thiết bị di động ở lần đại tu thứ nhất. Thậm chí Zuckerberg còn gọi metaverse là “Người thừa kế của internet di động” (the successor to the mobile internet). Nhưng có một điểm khác biệt lớn giữa hiện tại và mười năm trước:
Trong khi công nghệ di động đã trưởng thành và phát triển mạnh khi Facebook thực hiện cú đại tu lần thứ nhất, thì cú đại tu lần này đặt cược vào metaverse (về cơ bản là một thế giới ảo nơi mọi người có thể nhập vai tương tác với bạn bè và người lạ thông qua hình đại diện kỹ thuật số) thì nó vẫn chưa sẵn sàng mà còn là… của tương lai nhiều năm nữa! Hàng trăm triệu điện thoại thông minh đã được bán ra vào năm 2012 khi Facebook tập trung vào thiết bị di động, một lợi thế rất lớn cho cú đại tu ngoạn mục. Ngược lại, ước tính chỉ có khoảng 9.4 triệu tai nghe (headset) VR (một phương tiện để vào metaverse) xuất xưởng vào năm 2021 (theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC), trong đó tai nghe Oculus của Meta chiếm đa số.
Công nghệ VR và AR cũng chỉ mới ở trong giai đoạn phát triển ban đầu. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Meta lại bị đe dọa trên nhiều mặt. Cơ sở người dùng (user base) của nó đang đình trệ (và già đi). Hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi cũng bị thách thức bởi bản nâng cấp “giết quảng cáo” của hệ điều hành iOS 14.5 do gã khổng lồ công nghệ Apple thực hiện. Và một loạt vụ bê bối cũng đặt công ty dưới kính hiển vi của các cơ quan quản lý, trong đó có cả việc “soi chiếu kỹ” các thương vụ mua lại (thâu tóm) của Meta để bù đắp tăng trưởng (Facebook đã kịp mua lại một số công ty nhỏ khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực metaverse để giảm cạnh tranh).
Metaverse, “giấc mơ vàng” quá sớm của Zuckerberg
Khi những vấn đề chồng chất trong thế giới thực, Zuckerberg vẫn đánh cược là có thể tạo ra một cú đại tu mới nhờ thế giới ảo. Nhưng ông cũng thừa nhận có “một số điều không chắc chắn” chờ phía trước. Trả lời câu hỏi “Facebook chuyển sang metaverse có sớm quá không?
Zuckerberg giải thích: “Chúng tôi làm thế là có định hướng rõ ràng, nhưng lộ trình phải đi vẫn chưa được xác định hoàn hảo”. Lời thú nhận này báo hiệu một tương lai bấp bênh với những trở ngại nghiêm trọng không dễ vượt qua. Con đường đến vũ trụ metaverse không chỉ “chưa được xác định hoàn hảo” mà còn có rất nhiều rào cản và cực kỳ tốn kém. Theo báo cáo thu nhập vừa công bố, năm ngoái, bộ phận AR và VR của Meta đã tiêu tốn $10 tỷ!
Rachel Jones, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData nhận định: “Meta đang hy sinh mô hình kinh doanh cốt lõi của mình cho ‘giấc mộng vàng’ metaverse. Đặt cược lớn vào metaverse không hề sai (công nghệ này rất lớn và cung cấp vô số cơ hội) nhưng sẽ mất ít nhất mười năm nữa để cuộc chơi chính thức bắt đầu và cho nhiều lợi nhuận”. Ngoài ra, còn mất nhiều năm để phổ cập VR.
Khi Facebook thâu tóm Oculus vào năm 2014, công ty tin rằng tai nghe này sẽ trở thành một “nền tảng giao tiếp mới”, nhưng nền tảng này chỉ đạt được tiến bộ rất ít so với sự phổ cập nhanh chóng của các thiết bị di động. “Trên thực tế, dù Facebook đã thu hút được sự chú ý đến metaverse trong năm ngoái, nhưng một số đối thủ cạnh tranh dường như có vị trí tốt hơn để đi trước trong quá trình chuyển sang metaverse” – Angelo Zino, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại CFRA Research nhận định. Ông chỉ ra các sản phẩm phần cứng hiện phổ biến hơn của Apple, các sản phẩm phần mềm phổ biến hơn của Roblox hoặc cơ sở người dùng trẻ hơn (với khả năng tiếp cận metaverse nhanh hơn) của hai mạng xã hội mini TikTok và Snap. Ngược lại, Facebook thường được coi là nơi để giữ liên lạc giữa những người dùng lớn tuổi, những người ít có cơ hội và đam mê với công nghệ VR và AR.
Bị iOS 14.5 giết quảng cáo và TikTok lấy người dùng
Một số nhà phê bình cho rằng việc Facebook đổi tên thành Meta và dốc toàn lực vào metaverse từ mùa Thu năm ngoái đã khiến công ty phân tâm khỏi những “con chủ bài” kiếm tiền chính. Nếu đúng như vậy, phản ứng của các nhà đầu tư trong tuần này đã chứng tỏ họ không hề hài lòng với chiến lược kinh doanh của Zuckerberg. Những thay đổi trong bản cập nhật iOS 14.5 của Apple đã thổi bay mảng kinh doanh quảng cáo hùng mạnh của Meta, vì nó làm cho Facebook khó theo dõi người dùng hơn để “tập kích” quảng cáo đúng đối tượng và quảng cáo sẽ khó hơn.
Giám đốc tài chính Dave Wehner ước tính Meta sẽ bị thiệt hại $10 tỷ từ những thay đổi của iOS trong năm 2022. Nhưng có một xu hướng tác hại hơn trong dài hạn nếu cứ tiếp tục như thế. Đó là Facebook không có được người dùng mới do sự cạnh tranh gay gắt từ các ứng dụng đối thủ như TikTok, rất phổ biến hơn ở giới trẻ. Với gần ba tỷ người đang sử dụng TikTok, Facebook phải đối mặt với thách thức là không còn người dùng mới nữa, người cũ thì chia tay!
Zino nói: “Cơ sở người dùng trì trệ là mối đe dọa lớn đối với các nhà quảng cáo và họ sẽ bỏ Meta. Meta dự kiến chỉ tăng doanh thu từ 3% đến 11% trong ba tháng đầu năm 2022, so với mức tăng trưởng 48% trong quý đầu năm 2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nó đang mất thị phần quảng cáo (hoạt động kinh doanh quảng cáo của Meta vẫn chiếm hơn 99,5% tổng doanh thu).
Tuần này, Meta tiết lộ với các nhà đầu tư rằng họ đang đặt cược lớn vào Instagram Reels, phiên bản giống TikTok và xem đây là “động lực thúc đẩy doanh thu”. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Meta cho biết định dạng này đã được chứng minh là khó kiếm tiền hơn các sản phẩm khác. Nếu có, chỉ thu hút được những người dùng lớn tuổi thay vì những người trẻ đang xem và tương tác với các video ngắn trên TikTok và Snapchat.
Nếu như trước đây, Meta sẽ bù trừ tăng trưởng bằng cách mua lại, như đã làm với Instagram vào năm 2012 (công ty cũng cố gắng mua lại Snapchat vào năm 2013 nhưng thất bại). Năm 2021, Meta vẫn có doanh thu ròng $40 tỷ, nhưng, không giống năm 2012, nhiều đôi mắt đang theo dõi công ty và các nhà quản lý chắc chắn sẽ thách thức bất kỳ thương vụ thâu tóm “bom tấn” mới nào của Meta (hiện Meta vẫn đang vất vả với vụ kiện chống độc quyền do mua lại Instagram và WhatsApp, dù thương vụ hoàn thành đã nhiều năm).