Công nghiệp xe hơi Đức: Tại sao những thương hiệu khổng lồ thất bại với xe điện?

Mẫu xe điện ID.5 của VW trong nhà máy lắp ráp ở Zwickau (ảnh: Jens Schlueter/Getty Images)

Khó có thể tưởng tượng một ngành công nghiệp khổng lồ với kinh nghiệm đầy mình như công nghiệp xe hơi Đức lại đại bại trước những dự án xe điện quy mô. Tờ báo Đức DER SPIEGEL ngày 27 Tháng Ba 2024 thậm chí viết rằng “phải chăng đây là hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp xe hơi huyền thoại của Đức?”

Chưa chinh phục được người tiêu dùng

Dự án hiện đại hóa công nghiệp xe hơi của chính phủ liên bang Đức có nguy cơ thất bại. Người dân Đức không những không hưởng ứng mà các nhà sản xuất cũng chưa đưa ra được những sản phẩm hấp dẫn, trong khi những điều kiện trong khuôn khổ chính trị vẫn chưa được tối ưu hóa. Mua xe hơi điện vẫn là chọn lựa của những người có mức lương khá.

Hiện tại, không có nhà sản xuất Đức nào cung cấp xe hơi điện trên thị trường có giá dưới 25,000 euro và hầu hết các mức giá đều trên 30,000 euro. E-up!, một sản phẩm xe điện nhỏ gọn bán chạy nhất trong nhiều năm, đã bị Volkswagen đưa ra khỏi thị trường vào năm 2023, bởi đơn giản nó không sinh lời. VW không có kế hoạch đưa các loại xe điện rẻ hơn trở lại thị trường cho đến năm 2026. Trong khi đó, Mercedes và đối tác Trung Quốc Geely tiếp tục bổ sung các tính năng bổ sung cho E-Smart, khiến dòng xe này càng trở nên đắt hơn.

Trong hầu hết trường hợp, mua một chiếc xe hơi điện sẽ đắt hơn vài nghìn euro so với một chiếc động cơ đốt tương đương. Thêm vào đó là môi trường kinh tế khiến sự thay đổi có vẻ kém hấp dẫn: Suy thoái kinh tế, lạm phát và giá điện biến động mạnh (thuộc hàng cao nhất ở châu Âu vào năm 2023). Hiệp hội Công nghiệp Xe hơi Đức (VDA) dự kiến doanh số bán xe điện sẽ giảm 14% trong năm nay.

Chính phủ liên bang Đức đã hủy khoản trợ cấp 4,500 euro cho việc mua xe hơi điện vào giữa Tháng Mười Hai 2023 – một quyết định bất ngờ khiến người tiêu dùng bất an và khiến các nhà sản xuất xe hơi choáng váng. Đồng thời, một chương trình trợ cấp trị giá 200 triệu euro – được công bố vào Tháng Sáu 2023, nhằm thúc đẩy xây dựng các điểm sạc tư nhân được gọi là hộp treo tường, bên cạnh các hệ thống năng lượng mặt trời và bộ lưu trữ điện liên quan – cũng đã bị hủy.

Những dự án xe điện của Đức đang bị nhiều yếu tố chính trị hóa gây cản trở (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Yếu tố chính trị hóa trong công nghiệp xe điện

Ngoài việc mất đi sức hấp dẫn, sự lộn xộn ý kiến trong chính phủ Đức hiện tại cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sự phổ biến của xe hơi điện. Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – chủ trương thân thiện với doanh nghiệp – vẫn đang cân nhắc sử dụng nhiên liệu tổng hợp như một giải pháp thay thế cho xe hơi điện. Chính phủ Đức ngày càng khiến người mua xe hơi bối rối. Hậu quả là mục tiêu có 15 triệu xe hơi điện trên đường phố Đức vào năm 2030 trở nên bất khả thi. Cho đến nay, con số này chỉ bằng một phần mười kế hoạch trên.

Với việc các nhà sản xuất như VW đang vật lộn để loại bỏ số xe hơi điện tồn kho và các nhà sản xuất mới gia nhập thị trường cùng lúc, một cuộc chiến giảm giá chưa từng có đã nổ ra vào đầu năm 2024. Trong quý đầu tiên, các nhà bán lẻ đã đưa ra các đợt giảm giá 15%, 20% và đôi khi còn nhiều hơn. Những người sở hữu xe hơi điện giờ chứng kiến giá trị chiếc xe của họ sụt giảm. Việc cho thuê trở nên kém hấp dẫn vì lãi suất cao và xe điện đang mất giá trị nhanh hơn dự kiến. Các công ty cho thuê xe hơi như Sixt đang loại bỏ hàng loạt xe điện khỏi phạm vi cung cấp của họ trước những rủi ro tài chính dường như quá cao.

Đảng Thay thế cho nước Đức (Alternative for Germany – AfD) đang tiến hành một cuộc chiến văn hóa chống xe hơi điện. Trong khi đó, những kẻ cực đoan cánh tả đã đốt một tháp truyền tải ngay bên ngoài Berlin vào ngày 5 Tháng Ba, khiến nhà máy Tesla ở đó phải đóng cửa trong vài ngày. Trong bản tuyên bố, các nhà hoạt động cho rằng hành động này nhằm phản đối những “kẻ phát xít công nghệ” như Elon Musk.

Điều cực kỳ mỉa mai là tất cả đang diễn ra trong bối cảnh hầu hết các nhà hoạch định chính sách giao thông vận tải và giới điều hành ngành xe hơi trên thế giới đều thấy rõ rằng thời của xe hơi điện đang đến và đến rất nhanh. Câu hỏi đặt ra là liệu Đức và các nhà sản xuất xe hơi của nước này có tham gia vào quá trình chuyển đổi và giúp định hình nó hay không. Có vẻ như Đức không còn nắm quyền quyết định trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Tốc độ và công nghệ bây giờ được xác định bởi những nhân tố bên ngoài nước Đức; và không nằm trong tay giới trùm công nghiệp xe hơi Đức. Tại Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, gần 1/4 tổng số xe hơi mới được bán là xe chạy hoàn toàn bằng điện. Để tồn tại trong nước, nước Đức cần có xe điện cạnh tranh; trong khi đó, cuộc cạnh tranh không còn bị thống trị bởi VW, BMW hay Mercedes mà là Tesla từ Hoa Kỳ và BYD từ Trung Quốc.

EU chia năm xẻ bảy về chính sách xe điện

Ông chủ của Mercedes-Benz, Ola Källenius, từng nhấn mạnh xu hướng của xe hơi chạy hoàn toàn bằng điện, bây giờ có vẻ không đồng tình với quyết định của EU về việc loại bỏ dần động cơ đốt trong vào năm 2035. Ola Källenius lấp lửng rằng Mercedes-Benz vẫn tiếp tục sản xuất xe xăng và chưa biết lúc nào ngưng hoàn toàn. Tại Brussels, việc chuyển sang sử dụng xe điện không còn là ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, từng ủng hộ việc loại bỏ dần động cơ đốt, hiện coi việc xem xét lại vấn đề này vào năm 2026 là “rất quan trọng”.

Trong khi đó, Manfred Weber, lãnh đạo Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP – nhóm nghị viện đại diện cho các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu trong Nghị viện châu Âu), mong muốn “đảo ngược” lệnh cấm động cơ đốt trong. Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Đức và đồng minh của họ, Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), cũng muốn đưa yêu cầu này trở thành một phần trong cương lĩnh cho cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu vào mùa xuân này. Cùng lúc, đảng cực hữu AfD kêu gọi “bãi bỏ tất cả các luật bảo vệ khí hậu” sau cuộc bầu cử châu Âu ngày 9 Tháng Sáu. AfD đang vận động chống lại cái mà họ gọi là “con đường sai lầm hướng tới phương tiện di chuyển bằng điện”.

Sự bát nháo chính trị liên quan xe điện còn thể hiện ở chỗ, trong khi CDU và CSU ở Đức khản tiếng chống xe điện thì các đảng “chị em” của CDU và CSU từ một số nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển, đang tuân thủ lệnh cấm động cơ đốt trong. Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu của Ý Giorgia Meloni thậm chí còn muốn lôi kéo cả BYD của Trung Quốc và Tesla của Mỹ đến Ý, quê hương của Fiat và Ferrari.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong buổi họp báo trước lễ động thổ nhà máy sản xuất pin xe điện Northvolt tại Hedwigenkoog ngày 25 Tháng Ba 2024 (ảnh: Gregor Fischer/Getty Images)

Ngành công nghiệp xe hơi ở Đức tạo ra 780,000 việc làm và đầu tư hàng năm hơn 45 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển. Cú sốc điện đã tấn công toàn bộ nước Đức. Trong vài năm tới, Volkswagen phải tiết kiệm 10 tỷ euro. Nhà cung cấp linh kiện xe hơi Bosch đã công bố kế hoạch cắt giảm 3,500 việc làm, Continental 7,000 và tại ZF Friedrichshafen, người ta đồn đoán về việc cắt giảm ít nhất 12,000 việc làm. BMW vẫn dòm trước ngó sau và không vội nhào vào xe điện: Nhà sản xuất này cho đến nay vẫn chưa vận hành bất kỳ nhà máy sản xuất xe hơi nào chạy hoàn toàn bằng điện và thậm chí có khả năng tăng cường sản xuất động cơ đốt trong.

Phần mình, người mua xe Đức muốn gì? Theo một khảo sát với hơn 1,000 người dùng được thực hiện bởi Carwow, một thị trường trực tuyến dành cho xe hơi mới, phần lớn ý kiến cho biết họ sẵn sàng thực hiện chuyển đổi (từ xe xăng sang xe điện). Tuy nhiên, những người mua tiềm năng không hài lòng với nhiều loại xe hơi điện đang có ngoài thị trường; đặc biệt vấn đề giá cả.

Philipp Sayler von Amende, người sáng lập Carwow, nói: “Khách hàng đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều người muốn chuyển sang sử dụng điện, nhưng họ muốn đợi cho đến khi công nghệ phát triển hòan chỉnh và xe rẻ hơn”. Một diễn biến đặc biệt đáng báo động đối với các nhà sản xuất xe hơi Đức:

Những người quan tâm đến xe hơi điện bắt đầu có xu hướng mua xe thương hiệu nước ngoài. Một nửa số người được khảo sát cho biết họ đang xem xét một thương hiệu Trung Quốc. Hãng BYD của Trung Quốc đang tấn công rất mạnh vào châu Âu nói chung. Mới đây, BYD đã thành công trong việc loại bỏ Volkswagen khỏi vai trò nhà tài trợ cho Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 tại Đức (UEFA Euro 2024, từ ngày 14 Tháng Sáu đến 14 Tháng Bảy 2024).

BYD là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc và là nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới. Từ năm 2023, BYD bắt đầu qua mặt VW (công ty từng dẫn đầu thị trường Trung Quốc trong nhiều thập niên). Trong quý IV-2023, BYD lần đầu tiên vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Cả BYD và Tesla đều bắt đầu phát triển xe điện vào năm 2003 nhưng BYD có lợi thế cạnh tranh: Họ khởi nghiệp là nhà sản xuất pin vào năm 1995 và hiện vẫn sản xuất pin cho xe hơi điện tốt hơn và rẻ hơn so với các đối thủ phương Tây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: