Cười người hôm trước, hôm sau người cười

(minh họa: Unsplash)

Cuộc đời không phải ai cũng vui khi người khác hạnh phúc, ngược lại thấy ai thất bại, đau khổ, có người còn cười khoái chí.

“Giàu bị ghét, nghèo bị khinh, thông minh bị diệt”. Nói chung, dù bạn giàu hay nghèo, thông minh hay khù khờ, thành công hay thất bại cũng có người cười cợt, chế giễu. Dù nhiều người không thừa nhận, nhưng cảm giác thích thú khi thấy người khác thất bại là hiện tượng tâm lý khá phổ biến.

Các chuyên gia tâm lý học gọi đây là hiện tượng “schadenfreude”, ghép từ schaden (tổn hại, thiệt hại) và freude (niềm vui) trong tiếng Đức. Nó diễn tả niềm vui, sự thích thú hay đơn giản là cảm giác dễ chịu của một người trước rắc rối hoặc thất bại của người khác.

Đã có những cuộc nghiên cứu hẳn hoi về vấn đề này, chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều từng trải qua hiệu ứng tâm lý này, chỉ có điều nó ít lộ ra bên ngoài mà thôi. Lý do đơn giản, đây là một dạng cảm xúc không được đạo đức xã hội tán thành, nên khó để lộ ra hoặc thừa nhận. Theo Psychology Today.

Trong một nghiên cứu công bố năm 2014 do nhóm chuyên gia của University of Adelaide (Australia) và Indianna University of Northwest Indiana thực hiện, một tình huống giả định được đặt ra: Bạn nhìn thấy một doanh nhân giàu có, ngồi trên chiếc xe sang trọng lao vút trên phố. Bỗng, bạn nghe tiếng còi, chiếc xe bị cảnh sát thổi còi, xử phạt do chạy quá tốc độ.

Nếu trong tình huống này, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đồng cảm, lo lắng hay có chút thích thú, hài lòng? Dù chọn đáp án nào đi chăng nữa, bạn cũng không sai hoặc không đúng, vì đó là điều bình thường của con người.

Một thái độ đồng cảm có thể hữu ích hơn nhiều so với tiếng cười chế diễu. (minh họa: Unsplash)

Tuy nhiên, theo các tác giả của nghiên cứu, trong hầu hết trường hợp “schadenfreude” vô hại nhưng nếu không có sự kiểm soát bản thân chặt chẽ, rất có thể nó sẽ phát triển thành dạng thức độc hại.

Tiến sĩ Mark Travers, nhà tâm lý học tại Cornell University, khẳng định “schadenfreude” có thể mang lại cảm giác thoải mái nhưng sự thái quá của nó có thể biến bạn thành một người độc ác, độc hại.

Để đánh giá mức độ của hội chứng “schadenfreude” đối với bản thân, năm 2018 các nhà khoa học của Florida State University nghiên cứu và công bố một thang đo 12 cấp độ với mức độ độc hại tăng dần. Theo đó, cấp độ từ một đến sáu được cho là “bình thường”, cấp độ từ bảy đến 12 được cho là “độc hại” và cần điều chỉnh.

Hãy tự hỏi và trả lời từng câu hỏi để xem bạn đang ở cấp độ nào.

1.Tôi thích xem những đoạn video có cảnh người vấp ngã.

2.Tôi thích những bộ phim hài vui nhộn trong đó các nhân vật bị tổn thương.

3.Tôi cười ai đó bị ngã trước khi giúp họ đứng dậy.

4.Tôi thích đọc những câu chuyện về “khoảnh khắc xấu hổ nhất”.

5.Thật buồn cười khi một người bước đập mặt cửa kính đang đóng kín.

6.Tôi nghĩ thật buồn cười khi thấy một người tự lừa dối mình.

7.Tôi thích thú khi người khác bị điểm thấp.

8.Tôi thích quan sát người khác trong ngày tồi tệ của họ.

9.Tôi thích nhìn thấy máy tính của ai đó bị hỏng.

10.Tôi thích nhìn thấy ai đó thành công bị sa thải.

11.Tôi vui mừng trước thất bại của người khác.

12.Tôi cười khi ai đó lỡ chuyến xe buýt.

Tiến sĩ Mark Travers cảnh báo, dù có thể được coi là vô hại, nhưng mọi người không nên dễ dãi với bản thân và thả lỏng cho “schadenfreude” phát triển.

Một thái độ đồng cảm có thể hữu ích hơn nhiều. Thay vì thấy người khác gặp nạn, thất bại, hay bế tắc, bạn có thể nghĩ ngay “Ồ, may quá, không phải mình” nhưng cũng đừng nên cười chế giễu hay tỏ ra thích thú, bởi vì “cười người hôm trước, hôm sau người cười.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: