Một nghiên cứu cho thấy nhiều người Mỹ bối rối, thất vọng vì văn hóa tiền boa (tip) mới.
Nói một cách dễ hiểu, tình trạng tiền tip (boa) ở Mỹ hiện nay là một mớ hỗn độn và gây khó chịu nhiều hơn là thể hiện một hành vi văn hoá hàm nghĩa “cảm ơn vì đã được phục vụ”.
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào cuối tuần trước bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew và được thực hiện từ ngày 7-27 Tháng Tám với 11,945 người trưởng thành, người Mỹ đang bị chia rẽ về việc khi nào nên để lại tiền tip và để lại bao nhiêu cho các loại dịch vụ.
Đa số không thích các “biến tướng văn hoá” gần đây như “phí dịch vụ bổ sung” và “tiền boa được gợi ý trước”. Drew DeSilver, tác giả chính của nghiên cứu cho biết việc thiếu sự đồng thuận không có gì đáng ngạc nhiên do tính chất đặc biệt của chế độ tiền boa ở Hoa Kỳ. “Tiền boa là một trong những thứ không được quy định rõ ràng trong xã hội Mỹ. Không có một chế độ boa nào được chấp nhận rộng rãi mà mạnh ai nấy làm và không có giới hạn. Nó khác với đèn tín hiệu giao thông, nơi tất cả mọi người đều biết màu đỏ có nghĩa là dừng lại”.
Nếu bạn thấy khó chịu khi hầu như ở mọi nơi, từ quán cà phê đến điểm bán đồ ăn mang đi, đều có “phí dịch vụ bổ sung” thì bạn không đơn độc.
Người tiêu dùng có thể cảm nhận được xu hướng “lạm phát tiền boa” với số lượng dịch vụ mà họ phải trả tiền boa ngày hôm nay tăng hơn trước nhiều và đa dạng, giống như kiểu “tham nhũng vặt” ở các nước đang phát triển!
72% người được hỏi than phiền tiền boa xuất hiện nhiều so với 5 năm trước. Làm như nó đang đuổi theo mức tăng lương tối thiểu của người lao động. Hầu hết người tiêu dùng không thích cái gọi là “phí dịch vụ gợi ý trước” mà nhiều nhà hàng và doanh nghiệp ghi hẳn vào hóa đơn của khách hàng dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là bù vào chi phí thực phẩm tăng, lương nhân viên để không phải tăng giá bán.
Nói rõ hơn “phí dịch vụ” là tăng giá trá hình. Nhưng cách làm này đã tạo ra hiệu ứng ngược! 72% người được hỏi phản đối, chỉ có 10% ủng hộ.
Dù ở mức thấp hơn, người tiêu dùng cũng phản đối hình thức áp đặt tiền boa thay vì cho phép người sử dụng dịch vụ lựa chọn (gần đây, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức đòi tiền boa “trắng trợn” bằng cách hiển thị nó trên màn hình cảm ứng ngay tại quầy các điểm bán mang đi hoặc trên hóa đơn in sẵn (bề ngoài là để giúp việc tính toán dễ dàng hơn, nhưng thực ra là một công cụ để buộc khách hàng boa đủ).
40% người được hỏi phản đối “lời khuyên” kiểu cưỡng bức này và 24% ủng hộ (khoảng một phần ba không có ý kiến). Khi có thêm nhiều dịch vụ ‘đòi” tiền boa hơn và một số nhà hàng và doanh nghiệp sử dụng “lời nhắc khéo”, câu hỏi “liệu khách hàng có nên để lại tiền boa không? và nếu có thì bao nhiêu? vẫn chưa được trả lời.
34% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết, “cực kỳ” dễ hoặc “rất” dễ để biết dịch vụ nào thì nên boa. 33%, cũng nói như thế về số tiền nên boa. Vào tiệm cà phê nên boa bao nhiêu, hoá đơn tính toán bữa ăn chung nên để lại bao nhiêu đều được hiểu ngầm và truyền miệng. Điều thú vị là, giáo dục và tiền bạc không phải lúc nào cũng là thước đo trong lĩnh vực tiền boa.
Nhận thức về tiền boa vẫn… mỗi người một ý.
Dù những thay đổi cơ bản và gần đây về tiền boa có thể gây nhầm lẫn và không được chào đón, nhưng cuộc khảo sát của Pew cũng phát hiện, cách nhận thức tiền boa xét về mặt tổng thể của xã hội tiêu dùng cũng rất khác nhau.
Thậm chí người Mỹ chưa thống nhất về ý nghĩa của tiền boa. 29% người được hỏi xem tiền boa là một nghĩa vụ, trong khi 21% xem đó là một sự lựa chọn trong văn hoá tiêu dùng.
Tuy nhiên, 49% nói tiền boa còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Pew nhận thấy những người trẻ hơn, có trình độ học vấn cao hơn và giàu hơn thường xem tiền boa là một nghĩa vụ. Những tiến bộ trong công nghệ (như ứng dụng giao hàng và máy tính bảng tại quầy, nơi bạn nhấn chọn số tiền boa) có vẻ thuận tiện cho người bán nhưng chúng lại xâm phạm bí mật cá nhân.
“Boa trên máy khác với bỏ tiền vào cái lon tại quầy, nơi mọi người thoải mái hơn vì tiền boa của họ không bị ai nhìn thấy, thậm chí họ không cần bỏ vào – DeSilver nói – Với tư cách là một xã hội tiêu thụ, chúng ta còn thiếu các quy tắc cho tiền boa, tự nguyện hay áp đặt”. Khi DeSilver tìm hiểu xem có hướng dẫn nào về cách boa trên đời thực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông thấy những ví dụ có ở khắp nơi.
“Khi người Mỹ mở ví, có vẻ như nhiều người không thuộc số đưa tiền boa nhiều!” – ông nhận xét. Tất nhiên, không có quy tắc cứng nhắc nào về việc nên boa bao nhiêu (ở bất cứ dịch vụ nào) mà chỉ là “lời khuyên” và “gợi ý” nhưng mức boa tiêu chuẩn, được khuyến nghị rộng rãi đã tăng lên đều đặn trong vài năm gần đây, từ 15% tăng lên 20% hiện nay.
Nhưng kết quả thăm dò của Pew cho thấy không phải ai cũng tuân thủ tiêu chuẩn “bất thành văn” này. Khi được giả định một tình huống ăn uống và dịch vụ “trung bình nhưng không đặc biệt” tại một nhà hàng, 57% người tham gia chỉ boa 15% hoặc ít hơn. Thậm chí 2% không để lại gì trên máy! Chỉ khoảng 25% boa 20% hoặc nhiều hơn.
Cuộc khảo sát cho thấy những người giàu có xu hướng boa nhiều trong khi những người lớn tuổi có xu hướng boa 15% hoặc ít hơn một chút (có lẽ họ đã quen với tiêu chuẩn thấp suốt một thời gian dài). Không chỉ khách hàng mới không hài lòng với hệ thống tiền boa của Mỹ mà cả các nhân viên phục vụ thường xuyên nhận tiền boa có mức lương theo giờ thấp hơn mức lương tối thiểu cũng không đồng tình.
Một số nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động nói thẳng: “Hệ thống này tạo ra sự bất bình đẳng và khiến người lao động dễ bị tổn thương hơn nếu người chủ có những thay đổi bất chợt.
Việc dựa quá nhiều vào tiền boa để tăng thu nhập khiến phụ nữ (chiếm đa số người được boa) có nhiều khả năng bị khách hàng và người quản lý quấy rối hoặc lạm dụng tình dục”.