Trong số các làng cổ có giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống nổi tiếng, và là các điểm đến du lịch quen biết ở Hungary, mình “chấm” Hollókő đầu bảng, vượt những “tên tuổi” khác như Szentendre, Tihany,… mặc dù nếu tính về số lượng du khách viếng thăm, chắc kém nhiều.
Đến Hollókő, bên cạnh việc nhẩn nha trên con đường ngày thường khá vắng lặng, hay trèo lên ngôi thành cổ sừng sững trên vách đá, cái thích của riêng mình, một đứa không hề biết và có thú mua bán, bất kể là “sốp-pinh” cái gì, là vào các cửa hiệu nhỏ bán đồ địa phương để ngó nghiêng.
Rất thú vị khi có dịp trò chuyện lai rai với các chủ tiệm, đồng thời cũng là người bán hàng và trong đa số các trường hợp, là người tận tay làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc thực phẩm truyền thống, mà điều bất ngờ là giá rất rẻ, dễ chịu, đặc biệt so với một địa điểm di sản UNESCO.
“Chúng tôi có dăm con bò, vài con dê, nhưng hiện tại dê chưa thích hợp để làm phô-mai nên trong vòng một tháng nữa mới chỉ có các loại từ sữa bò,” “đồ da này toàn da trâu, tốt lắm và làm rất kỳ công, xưởng ngay đối diện,” “cả nhà chúng tôi làm đồ gỗ này, ở cách đây vài cây số,”… nghe thật là thích!
Hình như du khách tới đây ai cũng thích thú tới thăm và mua ít nhiều tại những tiệm nhỏ đó, một phần với mong muốn ủng hộ chút đỉnh cho du lịch địa phương. Bởi cứ như phong cách và lối trò chuyện, thì người dân ở đó sống chết vì nghề, cho dù sống được với nó thì thời nay có thể rất chật vật.
Ngày thường, lượng khách qua Hollókő tương đối vắng vẻ, có chăng chỉ cuối tuần mới khá khẩm hơn. Để giữ cảnh quan và môi trường, làng chỉ có vài nhà hàng, đương nhiên không có hàng rong, bán dạo, các dịch vụ rất phổ biến ở Á châu tuyệt nhiên không có. Nguồn thu như vậy cũng rất hạn chế.
Hơn thế nữa, nơi đây không phải là điểm chụp ảnh sống ảo như vô vàn ngồi làng ở tam giác Áo – Đức – Thụy Sĩ, để có thể hạ cánh nơi anh hay em, thì mới đông được. Một nơi chốn có lẽ dành cho đối tượng du lịch hẹp hơn nhiều như vậy, làm sao để tồn tại và “phát triển bền vững,” là chuyện lớn!
Mùa Phục Sinh, Hollókő là nơi có thể chứng kiến những truyền thống nguyên gốc và xác tín nhất của Hungary nên du khách bao giờ cũng rất đông. Việc làng thu phí, chừng 10-13 Euro, trẻ em và người hưu trí rẻ hơn, trong vài ngày, những năm gần đây nhận được nhiều ý kiến phản đối gay gắt.
Vẫn biết, vé cho phép thăm miễn phí tất cả những điểm đến mà bình thường phải mua vé lẻ trong làng, cũng như chứng kiến và tham dự những tập tục cổ truyền trong mùa Phục Sinh tại Hungary, mà nhiều nơi khác có thể cũng “diễn,” nhưng không thể như ở đây. Tuy nhiên, cứ phải mua vé, là “xót.”
Truyền thông và mạng xã hội đưa tin, khách phàn nàn “vừa đông lại vừa phải mua vé, đi cả gia đình đắt thấy mồ!,” “đã nghe mách là đừng đi lúc này mà dại quá, cạch đến già!,”…, và truyền nhau cách đi “đường rừng” để vào làng miễn phí. Thế mới thấy, dường như nhiều khi Tây, ta đều “rứa.”
Không biết dân địa phương – những con người thuần hậu, văn hóa và dễ thương vô cùng – sẽ cảm thấy thế nào khi đọc những “phản hồi” như vậy? Để thấy câu chuyện mới đây của Hội An là bài toán không đơn giản, kể cả với những nơi mà cá nhân mình nghĩ là đáng và có thể thu phí như Hollókő.
Suy cho cùng, đây là câu hỏi khó đối với tất cả – chính quyền và nhà quản lý, dân địa phương và du khách, các hãng lữ hành,… mà cái hóc búa hơn cả có thể là sẽ không có một giải pháp làm vừa lòng tất cả. Bài học này, rất nhiều danh thắng tầm thế giới đã trải qua và phải cân nhắc hơn thua.
Chùm ảnh về một số tiệm thủ công mỹ nghệ tại Hollókő: