Các nước Âu Châu cho dù “ghét nhau” đến đâu đi chăng nữa, nhưng có một điểm kiến trúc mà họ không thể phủ nhận nhau được, đó là lối kiến trúc của các khu phố cổ nằm trong các thành phố. Các khu phố cổ này có thể khác nhau về chi tiết thiết kế, nhưng cách trang điểm thành phố của người dân làm cho du khách luôn cảm nhận được một điều là họ hình như có một điểm chung nào đó. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những trường hợp khác biệt khiến cho người du ngoạn ngạc nhiên về một vài phong thái thiết kế khác lạ. Ví dụ “Royal Route” hay “Con Đường Hoàng Gia” của thành phố Warsaw, thủ đô Ba Lan, là một điển hình cho sự thiết kế khác biệt đó.
Royal Castle được xem như là điểm phân chia ra phần cuối của khu phố cổ và phần khởi đầu cho “Con Đường Hoàng Gia Ba Lan” trong thành phố Warsaw. “Royal Route” thực ra chỉ là một cách gọi tượng hình cho các tọa điểm liên kết với nhau, cùng trên trục nối liền Bắc-Nam của Warsaw, từ cung điện Royal Castle xuyên qua công viên Park Lasienski đến tận phía Nam là cung điện Wilanow Palace mới chấm dứt. Đến Warsaw, có lẽ du khách nhận thấy tất cả các điểm thưởng ngoạn du lịch hầu như nằm trên hoặc dọc theo “Con Đường Hoàng Gia.”
Nếu bạn là người thích về văn hóa lịch sử thì “Royal Route” có rất nhiều điểm hấp dẫn lôi cuốn bạn về các câu chuyện của những thế kỷ xưa. Warsaw ngày nay đã cho xây dựng lại rất nhiều di tích ngày xưa. Một phần của “Royal Route” là con phố Krakowskie Przedmiescie, bắt đầu từ Royal Castle đến bùng binh Rondo de Gaulle, nơi có tượng của Tướng De Gaulle. Tượng được thành phố Warsaw dựng lên để cám ơn Tướng De Gaulle vì ông đã giúp đỡ Ba Lan trong những ngày tháng của Thế Chiến 2. Nhưng sau lưng tượng là tòa nhà từng một thời rất nổi tiếng, nắm trong tay quyền sinh sát người dân Ba Lan gần năm thập kỷ. Đó là trụ sở của cơ quan mật vụ thời chế độ Cộng Sản.

Đi lần dọc theo con phố Krakowskie Przedmiescie, xuôi từ Bắc xuống Nam của “Royal Route,” thì đây là đoạn đường cho người du khách thưởng ngoạn những di tích văn hóa lịch sử của Ba Lan qua các pho tượng vĩ nhân và các ngôi thánh đường cổ.
Trước hết phải kể đến pho tượng Adama Bernard Mickiewicz rất lớn được rào chắn kỹ lưỡng không để du khách đến gần. Ông là một đại thi hào của dân tộc Ba Lan vào thế kỷ 19. Thế kỷ này Ba Lan lệ thuộc vào nước Nga của Sa Hoàng và ông đã tranh đấu đòi hỏi cho sự độc lập của Ba Lan. Hình ảnh ông làm tôi nhớ đến đại thi hào Puskin của Liên Bang Nga ngày nay. Cả hai đại thi hào này vừa là nhà thơ vừa là những nhà cách mạng, chống lại sự áp bức của đám vua chúa chuyên chế độc tài. Chính điều này càng làm cho “Royal Route” thêm được nét đẹp văn hóa của những thi nhân dám vượt qua nỗi sợ hãi, chống lại bạo quyền.

Cách tượng đại thi hào Adama Mickiewicz không xa lắm, du khách sẽ nhìn thấy Dinh Tổng Thống. Có thực sự nhìn thấy tận mắt dinh thự, người ta mới bất ngờ trước sự quá khiêm nhường của nơi dành cho một vị nguyên thủ quốc gia. Tôi chưa thấy một dinh tổng thống nào trên thế giới khiêm nhường đến như thế! Không có quá nhiều nghi lễ cũng như mật vụ an ninh vây quanh nên tạo cho du khách cảm thấy rất thoải mái nhẹ nhàng dạo quanh khu vực này. Có nhiều đất nước rất nên học hỏi và bắt chước sự đơn giản “không phí phạm của công” như thủ đô Warsaw. Có lẽ phần lớn du khách đến Warsaw vì sự tò mò về những thay đổi sau ngày chế độ Cộng Sản Ba Lan sụp đổ hơn là đến đây để nhìn thấy những cung điện vĩ đại.
Về tôn giáo, “Royal Route” cho du khách thưởng ngoạn những ngôi thánh đường thật cổ kính như The Church of the Visitandines (thánh đường dành cho các vị nữ tu). Và ngôi nhà thờ The Church of Carmelites. Cả hai ngôi nhà thờ này đều được xây dựng từ những năm1780. Tuy các ngôi nhà thờ không quá nguy nga vĩ đại, nhưng không vì thế mà giảm mất đi sự trang nghiêm tôn giáo.
Nhưng có lẽ niềm háo hức nhất của du khách dạo trên phố “Royal Route” là ai cũng muốn được đến thăm ngay ngôi nhà thờ Holy Cross Church nơi gìn giữ trái tim của nhạc sĩ thiên tài Chopin. Nguyện ước của ông trước khi mất là được trở về quê hương Ba Lan, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, thân xác ông không về lại được Warsaw đành phải nằm lại Paris nhưng người ta đã đem trái tim ông về an nghỉ trong ngôi nhà thờ này để tâm linh ông vẫn luôn hướng về Warsaw. Ngôi nhà thờ này cũng gần sát ngay bên căn hộ nơi ông ở và lớn lên.

Rời nhà thờ Holy Cross, đi xuống thêm một đoạn không xa lắm, ngươì ta có dịp thưởng ngoạn bức tượng khá lớn nằm ngay trên đại lộ “Royal Route.” Đó là hình ảnh của nhà bác học về thiên văn Nicolaus Copernicus. Ông vừa là một nhà toán học, vừa là một nhà thiên văn học, y khoa, và kinh tế. Vào thế kỷ 16, ông chính là người đã cho ra giả thuyết Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Ở thế kỷ đó mà Copernicus “dám” đặt giả thuyết như vậy, điều này thật không dễ dàng chút nào khi giả thuyết này đi ngược lại với niềm tin tôn giáo. Tượng của Copernicus được điêu khắc một tay cầm compass một tay cầm vòng tròn Thái Dương Hệ. Dưới chân tượng, người ta vẽ hình mặt trời ở chính giữa và các hành tinh chạy xung quanh. Ngắm nhìn bức tượng Copernicus và hình ảnh của Thái Dương Hệ cho tôi một tình cảm len nhẹ vào lòng dân tộc Ba Lan.
Ngoài ra, “Royal Route” còn đẹp và thơ mộng với các hàng quán cà phê, nhà hàng, và cửa hàng thương mại. Con đường này chỉ dài hơn 1.5 km nhưng du khách khó mà có thể quên được không gian thưởng ngoạn ấm cúng nhẹ nhàng của nó.

Nhưng “Con đường Hoàng gia” không chỉ có thế. Con đường này còn được kết nối đến tận công viên Lasienki Park nằm ở phía Nam thêm vài cây số. Công viên Lasienki bao gồm cả cung điện mùa hè “Palace on the Water.” Tuy không là cung điện lớn nhưng nó lại nổi tiếng về sự thơ mộng, tình tứ và có rất nhiều điểm văn hóa vây quanh. Cũng ở trong công viên này, du khách còn có dịp thưởng ngoạn bức tượng Chopin hết sức sống động, diễn tả hình ảnh nhạc sĩ đang lả lướt tấu khúc đàn dương cầm và “cây liễu năm cành” bên cạnh ông cũng uốn mình theo nốt nhạc. Đây là một bức tượng sống động nhất làm người xem ngẩn ngơ với nét nhạc và liễu. Một điều lý thú khi người xem nhận thấy “cây liễu năm cành” chính là năm ngón tay của Chopin đang tấu khúc dương cầm, nhà điêu khắc đã ví năm ngón tay của ông không khác gì những cành liễu tung bay đưa những nốt nhạc bay theo làn gió.
Sau Thế Chiến 2, Warsaw bị tàn phá gần như thành bình địa. Những toà nhà ngay giữa lòng phố cổ, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Còn lại chăng là những ngôi nhà không nóc và vết đạn bom bắn phá khắp nơi. Ngay giữa ngôi quảng trường phố chợ, người ta cho trưng bày những hình ảnh tàn phá để du khách có thể nhìn lại hình ảnh của một Ba Lan xưa.
Ba Lan, đất nước của một thời Cộng Sản, vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn của chính họ. Nhưng họ đã có nhiều khả năng tự chủ và quyết định mọi điều cho chính dân tộc họ. “Con Đường Hoàng Gia” đã gần như hoàn thiện để thu hút du khách từ khắp mọi nơi. Và điều này cũng có nghĩa là đất nước Ba Lan gần như đuổi kịp Phương Tây trong kỹ nghệ du lịch!