Hy Lạp – Tài sản quý giá của toàn nhân loại

Từ trên đồi trung tâm Athens nhìn xuống toàn cảnh thành phố. (Hình: Sỏi Ngọc)

Từ bé tôi đã từng biết đến những nhà khoa học và toán học nổi tiếng như Euclid, Pythagoras, cha đẻ của hình học, như công thức toán học của định lý Pythagore (mối quan hệ giữa các cạnh của một tam giác vuông) mà ai cũng phải học qua khi lên trung học, và Archimedes nổi tiếng với các phát minh và công trình về cơ học, họ đã có những đóng góp mà cả thế giới không thể nào quên. Họ là những người của đất nước Hy Lạp.

Tôi cũng đã từng thuộc lòng câu nói của triết gia Socrate:

I know that I know nothing” (Tôi chỉ biết rằng tôi không biết gì cả)

Câu nói này phản ánh triết lý của Socrates rằng sự hiểu biết của con người bắt đầu từ việc nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình. Socrates, nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại

Hoặc một trong những câu nổi tiếng của Aristotle:

Knowing yourself is the beginning of all wisdom” (hiểu biết về bản thân là khởi đầu của sự khôn ngoan)

Câu nói này không những có giá trị trong triết học mà còn trong cuộc sống hàng ngày, dậy cho con người những bài học về đạo đức, tri thức và phát triển bản thân.

Aristotle là nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại.

Con người, văn hóa và nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại như một bí mật hé chút màn bí mật qua những điều mà tôi đã từng học qua sách vở hồi còn nhỏ mà thôi. Họ là ai? Di tích lịch sử như thế nào? Đất nước họ ra sao mà để lại trên thế giới nhiều điều đáng học hỏi và quan tâm thế?!

Chúng tôi nhất quyết phải làm một chuyến du lịch đến Hy Lạp, ngay sau khi vừa nghỉ hưu. Tôi muốn xem tận mắt những điều mình đã từng học qua từ xưa, xem thử tính thuyết phục của những điều này ra sao!

Athens 

Khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Athens, mọi người tấp nập đổ xô đông như mắc cửi, phần lớn những người đàn ông cao ráo đẹp trai, lịch lãm với phong cách lịch sự hớp hồn tôi, áo suit thẳng tắp, đôi mắt to dài, lông mi rậm, râu quai nón, mũi cao, da ngăm đen. Họ thật là được ông Trời ưu ái cho một sắc diện thật cuốn hút.

Còn những người phụ nữ lại ngược lại với dáng người thấp bé, mập. Họ đẹp khi còn trẻ, đến trung niên lại không còn giữ nét đẹp nữa.

 

Thủ đô Athens giàu lịch sử văn hóa, với nhiều di sản nổi tiếng:

-Acropolis: một trong những di sản nổi tiếng nhất thế giới, có một kiến trúc cổ đại, nằm trên đỉnh đồi trung tâm Athens.

-Parthenon: một kiệt tác kiến trúc Doric, ngôi đền nổi tiếng ở Acropolis, được xây dựng để thờ nữ thần Athena, bảo hộ của thành phố.

-Đền Hephaestus: nằm trong khu vực Agora cổ đại, được bảo tồn tốt nhất và là một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn thời Hy Lạp cổ đại.

-Bảo tàng Acropolis: trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật, gồm những tượng điêu khắc và kiến trúc cổ của chính vùng Acropolis.

-Nằm ngay dưới chân Acropolis là nhà hát Odeon, nơi đã từng diễn ra nhiều màn âm nhạc và kịch nghệ quốc tế.

Vì phải tham quan hết những di tích này, chúng tôi phải dậy lúc 6:00 sáng, sẵn sàng để chạy theo tour đến đón lúc 7:00. Khách sạn sửa soạn cho những người đi sớm một hộp lunch, chỉ cần xách theo là đầy đủ rồi.

Chúng tôi được đi trên một xe coach có máy lạnh, người guide nói tiếng Anh, Pháp và Espagnol, xe chạy trên những con đường nhỏ bé xíu chật hẹp, lại lách qua những lớp núi bị trồi ra, mà mình đã từng xem trong những youtube, làm ai cũng nín thở nhìn nhau lo sợ. Mấy ông tài xế này phải thật tài tình và gan dạ lắm mới có thể chở hơn 20 khách trên một chuyến xe như thế! Mỗi lần đến một nơi có cảnh đẹp lạ, xe ngừng lại cho chúng tôi nhảy xuống chụp hình khoảng 20 phút rồi lại lên xe chạy tiếp, mới có thể đi viếng hết từng đó nơi trong một ngày.

Ngôi đền cổ Pathenon, nổi tiếng nằm trên đỉnh đồi Acropolis- Athens (Hình: Sỏi Ngọc)

Ngoài những di tích lịch sử của thủ đô Athens vừa kể sơ qua ở trên, chúng tôi bị hớp hồn vì những khu phố cổ, với những con đường lát đá, các quán café, nhà hàng và những hàng quán chạp phô nhỏ bày bán ngay trên vệ đường với những sản phẩm treo lủng lẳng thật bắt mắt vào giữa thế kỷ 21 này. Đây chính là khu phố cổ Plaka.

Một phần của khu phố cổ Plaka, được gọi là Anafiotika, nơi đây có những con đường nhỏ ngoằn ngoèo rất hẹp với những ngôi nhà thấp bé được đẽo từ trên những vách núi, những nhà nhỏ xíu sơn trắng với những chiếc cửa ra vào sơn xanh dương như màu của lá cờ của đất nước này vậy.

Chúng tôi được giải thích rằng đất nước Hy Lạp vì ít mưa, nắng nhiều nên họ phải quét sơn trắng để không bị hấp thụ sức nóng vào nhà, mái làm tròn để mưa dễ chảy xuống và bên trong trần nhà được rộng rãi thoáng mát hơn.

(Hình: Sỏi Ngọc)

Vừa đến đồi Lycabettus, từ đỉnh đồi này chúng tôi có thể ngắm toàn cảnh Athens và những địa danh nổi tiếng. Ai nấy đều chụp hình, quay video để có thể ghi được những tấm hình quý giá nhất.

Sân vận động Panathenaic nổi tiếng nằm tại trung tâm Athens, du khách đến Hy Lạp đều không thể thiếu sót phần tham quan này, sân vận động này được xây dựng bằng những khối đá cẩm thạch trắng từ núi Penteli trông rất nguy nga tráng lệ, là nơi tổ chức thế vận hội hiện đại đầu tiên vào 1896, ngày nay vẫn còn là nơi tổ chức những sự kiện văn hóa và thể thao.

Athens rất nhiều tu viện trên đỉnh núi đá cao chót vót rất đặc biệt để tránh cướp bóc xâm lược tạo nên một kỳ quan độc đáo, nhiều đền thờ xưa thờ vua và các vị thần, nay chỉ còn là những cột trụ đứng; tuy thế thành phố vẫn mang nét lịch sử văn hóa thật độc đáo. Bên cạnh những kỳ quan này, thành phố về đêm lại quyến rũ lạ thường với những hàng quán, quán nhạc, bar thu hút khách, đường đi bộ dành riêng cho du khách thật đông đảo tấp nập, những miếng bánh tên Feta Me Meli, tức là phô mai feta nướng, phủ lớp mật ong và rắc mè trên mặt, dùng với bánh mì hay ăn dặm không cũng được.

 

Santorini

Chúng tôi theo đoàn đi bằng ferry, tàu lớn giống cruise chỉ có bốn tầng, đi trong nội địa, từ Athens đến Santorini khoảng sáu tiếng. Điểm đáng nói ở đây là những vị nào không chịu đựng được sóng thì phải nên uống thuốc chống ói vì tàu lắc lư rất mạnh khi vào khúc biển sóng gió hoành hành khá nghiêm trọng.

Chúng tôi ở Kamari- Santorini, bốn đêm trong một khách sạn ba sao, thật rộng lớn với hồ piscine ngập nước xanh ngát, yên lặng chỉ nghe tiếng chim hót, gà gáy vào mỗi sáng. Santorini có một vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ và biển cả.

Buổi chiều chúng tôi cùng đoàn đi dạo ở bờ biển, nước trong rất đẹp.

Những nhà hàng xung quanh bờ biển với những món đặc sản như cá tươi, hải sản, phô mai, rượu địa phương; đặc biệt có món cá phơi khô gọi là Gouna, món ăn khác nổi tiếng ở địa phương này là souvlaki và loukoumade (bánh nướng quết lớp mật ong). 

Đặc biệt nơi đây là Caldera và miệng núi lửa; Santorini là một hòn đảo được tạo ra từ nham thạch của miệng núi lửa phun trào, gọi là Caldera với những vách núi đá dựng đứng bao vây hầu hết cả thành phố Santorini, nhìn ra biển Aegean. Những nhà du lịch tạo ra những con đường bộ vòng tuốt lên núi, để từ đó có thể thấy toàn bộ thành phố gồm một bên là miệng núi lửa với nham thạch đen lòm như mỏ than, một bên là bờ biển xanh dương đậm, chính giữa là núi đá vàng, cảnh thiên nhiên nơi đây tuyệt hảo mà ai cũng muốn bỏ sức trèo lên một lần cho biết thú vị đến chừng nào.

Hoàng hôn ở Oia thật đặc biệt, ánh mặt trời vàng hắt ánh nắng vào những căn nhà sơn trắng trên núi, rồi từ từ lặn xuống dưới mặt biển xanh dương cực kỳ hấp dẫn. Nơi đây là điểm mọi người đến chỉ để ngắm nhìn hoàng hôn xuống rất ấn tượng.

Paros

Ngôi đền cổ Pathenon, nổi tiếng nằm trên đỉnh đồi Acropolis- Athens. (Hình: Sỏi Ngọc)

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình từ Santorini đến Paros, lần này đi ferry (phà) chỉ 3 tiếng thôi, biển không mấy dữ tợn như lần trước nên chúng tôi bình an đến Paros.

Nơi đây chúng tôi sẽ ở lại bốn đêm, nhẹ nhàng thanh thản hơn không bị dậy sớm thức khuya chạy theo tours vì chỉ có bãi biển đẹp, tháng 5 nước còn lạnh nên chúng tôi chỉ đi dạo, đi ăn, ngắm cảnh.

Ban ngày lấy xe bus vào downtown rất rẻ, có 2.50 Eu một bận đi, thăm Parikia, thủ phủ của Paros, những con đường nhỏ lát đá, những ngôi nhà trắng bé thấp lè tè rất xinh xắn và ghé thăm lâu đài Venetian.

Khi chúng tôi bước vào làng chài ven biển Naoussa, thật bất ngờ với những bàn ghế màu xanh dương, phủ khăn trắng tất cả, rất lạ, bắt mắt, khu làng chài này xung quanh toàn những tàu bè neo đậu, có cảm tưởng như sống lại ở Vũng Tàu hay Cam Ranh vào thời xa xưa vậy.

Khác hẳn với Santorini, thành phố Paros như vùng miền quê, đường làng đất đỏ, con người sống rất chân thật. Nơi đây đặc biệt nhà nào cũng trồng hoa giấy màu đỏ, hoặc tím, nổi bật giữa màu sơn tường trắng và mái màu xanh. Những cây xương rồng to vĩ đại, nở hoa, mọc dại khắp những con đường đất hoặc trên vách núi, rất lạ!

Trên đường thay vì trồng những cây lấy bóng mát thì dân địa phương trồng cam chanh để lấy quả ăn rất thiết thực, olive cũng được họ trồng rất nhiều.

Nhà thờ nhỏ với mái xanh dương được người dân xây dựng lên ở mỗi làng vì họ rất mộ đạo, tin tưởng vào thần thánh. Đi chừng một góc đường, tôi lại thấy một nhà thờ nhỏ với gác chuông cao.

Những con đường tuy gọi là làng quê nhưng rất sạch sẽ, không có cộng rác nào cả.

Đặc biệt mèo rất nhiều, đi hoang khắp đường phố, cả trong nhà hàng mèo ngồi rình khách vứt đồ ăn cho. Những du khách thấy tội nghiệp những con mèo hoang, vứt đồ ăn xuống đất cho chúng ăn, nên có những con rất mập và biết kén chọn món ăn vừa miệng!

Hoàng hôn Oia (trái) và Parikia, thủ phủ Paros với những con đường lát đá. (Hình: Sỏi Ngọc)

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi xuống phía Nam của Hy Lạp, đảo Naxos, cách Paros chỉ hai tiếng rưỡi đi ferry. Vì gần nên rất nhẹ nhàng, chúng tôi cũng đã quen với sóng biển nên ai cũng còn giữ được nụ cười trên môi, đùa nghịch với gió trên boong tàu.

Naxos

Naxos rất đông du khách đến từ Mỹ, Canada, vì nơi đây có bờ biển rất đẹp, nước trong xanh. Gặp người đồng hương cùng xứ sở mình, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm với nhau làm sao tận dụng thì giờ quý báu của mình nhiều nhất trong việc di chuyển; đây là những đảo nhỏ nên chỉ cần mướn một chiếc xe du lịch với bốn chỗ ngồi một ngày là tự mình có thể xem hết những gì cần thiết trên đảo này, lại còn tiết kiệm được tiền vé đi tour nữa, chỉ cần một bản đồ là đi hết cả từ bắc xuống nam của đảo.

Biểu tượng nổi tiếng của Naxos là Portara, cổng làm bằng đá cẩm thạch khổng lồ còn lại từ ngôi đền thờ thần Apollo nằm trên một bán đảo nhỏ nối liền với Naxos, tên gọi là vùng Matha.

-Một ngôi làng nằm giữa các vườn ô liu, nổi tiếng với các nhà cổ và cửa hàng thủ công là làng Halki.

-Làng đá cẩm thạch trắng phau, với con đường lát đá, tòa nhà lịch sử, với phong cách sống truyền thống, những máy nước được đưa về làng, để năm xây, đánh dấu sự dẫn nước về làng, trong những căn nhà nhỏ ấy không đủ nước dùng nên họ rất quý nước, không dùng phung phí.

-Trên đảo cũng có bảo tàng khảo cổ học, trưng bày các hiện vật từ thời Cycladic và Minoan, cung cấp thêm cái nhìn sâu sắc về lịch sử đảo.

Portara trên đảo Naxos. (Hình: Sỏi Ngọc)

Trên đảo Naxos đặc biệt có ngành thủ công về gốm sứ và điêu khắc đá, những cửa hàng và xưởng nghệ thuật trên đảo bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

Chúng tôi từ giã với đầy nuối tiếc bờ biển trong vắt có thể nhìn xuống tận sâu thẳm, đàn cá nhỏ bơi tung tăng của đảo Naxos, lại lên ferry trở về Athens, ở lại một đêm để qua hôm sau sẽ trở về lại nhà. Từ Naxos đến Athens chỉ vỏn vẹn 3 tiếng 15 phút, chúng tôi được cả một buổi chiều tham quan lại những chỗ chưa viếng thăm ở Athens.

Quảng trường Syntagma- Athens

Hotel của chúng tôi ở một đêm cuối ở Hy Lạp ngay phố xá thật sầm uất, người lũ lượt băng qua quảng trường Syntagma, trước mặt hotel là tòa nhà quốc hội Hellenic parliament; chúng tôi ngóng trông đến giờ để xem phiên đổi gác của đội vệ binh Evzones với trang phục truyền thống, nghi thức này được thực hiện hàng giờ thu hút biết bao du khách ngồi chờ chỉ để xem cảnh này.

Trung tâm thành phố- quảng trường Syntagma- Athens. (Hình : Sỏi Ngọc)

Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh được nằm trước tòa nhà Quốc hội, ghi tên những chiến sĩ Hy Lạp đã hy sinh cho đất nước trong các cuộc chiến.

Tôi đứng yên lặng ngắm nhìn dòng người qua lại, ngẫm nghĩ:

Tôi đã từng ngưỡng mộ khi tham quan quảng trường Times Square ở New York, một biểu tượng của thành phố và nổi tiếng trên toàn thế giới, đặc biệt vào mỗi năm vào đêm giao thừa, hàng trăm nghìn người tụ tập tại đây để đón năm mới và quả cầu pha lê khổng lồ hạ xuống. Những biển quảng cáo sáng đèn và màn hình LED khổng lồ tạo nên một không gian rực rỡ, làm lòng mình rộn rã khó tả.

Nhưng ngay bây giờ trước mắt tôi, những công trình xây dựng cổ xưa, những đền đài di tích lịch sử cũ kỹ đã được chính phủ, người dân Hy Lạp gìn giữ bảo tồn qua mấy ngàn thế kỷ để cho những người sanh sau đẻ muộn như chúng ta học hỏi những công trình kiến trúc có một không hai của cả nhân loại, tôi thật thán phục, cúi đầu.

Phải chăng gìn giữ những điều cổ xưa có một không hai ấy, tìm tòi học hỏi mới cho ta kinh nghiệm vững vàng và sáng tạo để xây dựng cái mới mẻ hiện đại hơn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: