Những ngôi làng búp bê, nhìn thì mê mà cứ thấy… ghê ghê

Một bữa tiệc gồm toàn búp bê, trong ngôi làng ở quận Yasutomi, thành phố Himeji, Nhật Bản. (ảnh: Buddhika Weerasinghe/Getty Images)

Bạn đã từng đến một nơi có đông đúc người, nhưng chỉ toàn là búp bê chưa? Không phải ở lễ hội hình nộm đâu, mà là cuộc sống thường nhật đấy!

Nhìn bề ngoài, Nagoro giống như bất kỳ ngôi làng ven sông khác ở thung lũng Iya xa xôi, miền Nam Nhật Bản.

“Tám” với búp bê

Tại quận Yasutomi, thành phố Himeji, Nhật Bản có hơn 100 người nộm đứng ở làng mạc và những ngôi nhà bỏ hoang để minh họa cho vùng nông thôn tốt đẹp của Nhật Bản và thu hút du khách. (ảnh: Buddhismka Weerasinghe / Getty Images)

Đi trên con đường quanh co qua thị trấn nhỏ ở miền quê Nhật Bản, bạn sẽ gặp nhiều cư dân trong một ngôi làng. Người thì đang chăm sóc vườn tược, người đang đứng kiên nhẫn chờ ở một trạm xe buýt, vài đôi tình nhân đang tâm sự,… Tất cả đều có vẻ rất đỗi bình thường, cho đến khi bạn nhận ra rằng hầu hết những “người” đó, không phải là người.

Đó là những con búp bê có kích thước y chang người thật, thậm chí búp bê còn đông hơn người thật. Những “búp bê nhồi bông” này là sản phẩm trí tuệ của Tsukimi Ayano, người có sở thích làm thủ công.

Trước khi trở về làng Nagoro từ năm 2002, bà Tsukimi Ayano sinh sống tại thành phố Osaka. Về làng, bà bắt tay vào công việc trồng trọt, nhưng rau trái trong vườn nhà bà cứ bị chim chóc, chuột bọ phá hoại. Tức khí, bà nghĩ ra việc dùng những con búp bê giả người để đuổi chúng. Bằng đôi bàn tay khéo léo, bà Ayano làm ra những con búp bê giống hệt người, giúp bảo vệ mùa màng cho cả làng.

Bà Tsukimi Ayano đang làm “búp bê người”.

Những năm trước, ngôi làng nhỏ này khá nhộn nhịp vì có hơn 300 cư dân. Thế rồi, những người trẻ lần lượt bỏ quê lên phố lập nghiệp, học tập. Làng chỉ còn lại những người lớn tuổi. Người trẻ nhất giờ cũng đã ngoài 50.

Người già ngày càng già, và lần lượt… về với ông bà. Người hàng xóm thân thiết của bà cũng bỏ bà mà đi. Nagoro trở nên vắng lặng và không còn sức sống. Bà Ayano cảm thấy cô đơn và hụt hẫng. Cuộc sống quá trống trải, khiến bà càng nhớ bạn bè, hàng xóm láng giềng hơn.

Năm 2003, bà làm một con búp bê giống người hàng xóm thân thiết đã mất của mình, để ngày ngày có thể cùng “tám” với người đó. Cứ như thế, sau này hễ có người đi xa hoặc mất, bà lại dành ba ngày để “tái hiện” họ.

Bà lúc nào cũng muốn ngôi làng phải có đông đúc người. Thế là bà tự tay làm ra những con búp bê giống người thật, rồi đặt khắp nơi trong làng. Trong số búp bê bà làm, hầu hết là… người trong làng. Họ “đang” làm những công việc khác nhau, chỉ có điều, họ không cử động. Bà Ayano làm tất cả hơn 300 “cư dân búp bê” như thế cho làng Nagoro.

Một cảnh ở ngôi làng búp bê Nhật Bản. (ảnh: Buddhika Weerasinghe/Getty Images)

Quảng bá làng bằng… búp bê

Nhưng ngôi làng đặc biệt như Nagoro không phải thuộc dạng “độc nhất vô nhị” ở Nhật Bản. Được biết đến với tên gọi “làng búp bê Okuharima” ở Himeji, tỉnh Hyogo, ngôi làng thu hút du khách với búp bê là những chú bù nhìn vui tính, hài hước trong trang phục lao động và đội mũ rơm, trông giống hệt người.

Chủ nhân của những hình người này là Masato Okaue, 61 tuổi, sinh ra ở Seki. Okaue bắt đầu làm và dựng lên những người nộm (búp bê nhồi bông) vào năm 2010 với sự giúp đỡ của người dân nhằm quảng bá quê hương mình.

Làng Okuharima cũng giống Nagoro, người trẻ dần dà đi lên thành phố hết, trong làng chỉ còn toàn ông già bà lão. Con trẻ đi vắng, nhà cửa trở nên hiu quạnh, làng mạc cũng vắng teo. Ông  Okaue quyết định biến những khu đất nông nghiệp và những ngôi nhà bỏ hoang thành nơi… có người, minh chứng rằng nơi đây vẫn là vùng nông thôn trù phú, tấp nập người qua lại.

Ông làm hơn 100 hình người như thế, rồi đặt ở ngoài ruộng, và cả ven đường, trong nhà.

Masato Okaue, 62 tuổi, đang làm một đầu người nộm ở Himeji, Nhật Bản. (ảnh: Buddhismka Weerasinghe / Getty Images)

Thăm làng búp bê

Trong một lần tham quan Nhật Bản, nhà làm phim người Đức – Fritz Schuman ghé thăm ngôi làng và làm một bộ phim tài liệu về công việc của bà Ayano. Ngay sau khi phát sóng, bộ phim thu hút sự chú ý của nhiều người.

Cũng từ đó, ngôi làng và bà Ayano càng trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, khách du lịch đến nườm nượp. Để thu hút khách, bà cũng sắp xếp một số con búp bê ở ngoài trời và trên các con đường dẫn đến ngôi làng.

Ngoài ra, hàng năm ở làng Nagoro còn có “Scarecrow Festival”, diễn ra vào Chủ Nhật đầu tiên của Tháng Mười. Bạn có thể đến thăm ngôi làng vào ngày này để gặp bà Ayano. Còn không, bất cứ lúc nào rảnh, bà đều tiếp đón mọi người đến thăm nhà để xem tác phẩm đặc biệt nhất của bà: Hình nộm của người mẹ quá cố, người luôn quan sát Ayano với đôi mắt trìu mến và duyên dáng trong phòng khách. Ayano nói chuyện với mẹ mình hàng ngày.

Khi được hỏi liệu bà có dự định rời Nagoro và trở lại Osaka trong tương lai hay không, Ayano cho biết đúng là con cái bà sống ở Osaka, nhưng bà sẽ chỉ về sống với các con, sau này khi đã già. Hiện bà còn sức khỏe, nên vẫn sống ở làng và tiếp tục làm những con búp bê thay người này.

Với việc duy trì lâu dài ở Nagoro, Ayano sẽ tiếp tục hít thở cuộc sống trong một ngôi làng đang tàn lụi, chỉ có búp bê nhồi bông thay người. Nếu muốn chứng kiến tận mắt ngôi làng búp bê này, bạn nên đi Nhật sớm, vì mỗi búp bê chỉ tồn tại được ba năm, trước khi cần thay thế.

Nhưng cứ tưởng tượng xem, nếu bạn đứng trước ngôi làng có đông người, mà toàn bằng búp bê thế này, ban ngày thì không sao, chứ ban đêm, chắc cũng rợn người lắm ấy chứ!

Một số hình ảnh về ngôi làng búp bê ở Himeji, Nhật Bản. (ảnh: Buddhismka Weerasinghe / Getty Images)

“Chàng” ngồi ngoài hóng mát, “nàng” may vá trong nhà.
Các ông Tư, bà Tám đứng đọc bản tin tức trong làng.
Người búp bê mặc trang phục Hinamatsuri truyền thống của Nhật Bản được trưng bày bên trong tòa nhà bỏ hoang tại Kakashi no Sato.
Những búp bê người ngồi “tám chuyện” từ năm này sang năm khác.

Đọc thêm:

-Nhật: Phụ nữ tiếp tục là “búp bê pha trà”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: