Tôi đến Vancouver vào một mùa Đông. Đây thành phố lớn nhất bang British Columbia, miền Tây Canada mà thời trước người Việt quen gọi là Gia Nã Đại. Là một trong những quốc gia rộng lớn nhất thế giới – cũng trải dài từ bờ bên này Đại Tây Dương sang bờ bên kia Thái Bình Dương y như Hoa Kỳ – Canada có chính sách nhập cư khá dễ dãi, nhận vào rất nhiều người di dân đến từ khắp thế giới nhưng cho đến nay quốc gia này cũng mới chỉ có khoảng 30 triệu người dân.
TỔ ẤM Ở ĐIỂM ĐẾN GIÁ LẠNH
Chiếc B777-300ER của Cathay Pacific đưa chúng tôi đến Vancouver khi trời đã tối nên cả đoàn được đưa thẳng về khách sạn sang đẹp, dù nó có trên 80 năm lịch sử. Đó là Fairmont Hotel Vancouver, nằm ngay trong downtown nên tiện việc tham quan, giải trí và shopping. Đây là một khách sạn lâu đời, khánh thành Tháng Năm 1939 sau thời gian xây dựng kéo dài đến 11 năm với chi phí $12 triệu. Ngay lập tức nó được vinh dự là nơi ngủ nghỉ của Vua George VI và Nữ hoàng Anh Elizabeth II khi bà đến thăm Vancouver, trong hành trình dài qua nhiều thành phố Canada. Thời nay, khách sạn được công nhận là một địa điểm thuộc hàng di sản của thành phố Vancouver. Thực ra khách sạn mà tôi đến ngụ là cái thứ ba, dựng lên từ nền tảng khách sạn đầu tiên đón khách từ năm 1887.
Phòng ốc khách sạn rất rộng, trang trí đẹp, đầy đủ tiện nghi của thời @. Nệm giường dày mấy tầng. Như nhiều khách sạn sang ở các nước Âu-Mỹ ngày nay, Fairmont Hotel Vancouver là một smoke-free hotel. Ai nghiện thuốc chỉ có cách ra ngoài đường mà hút. Ở tầng trệt, gần khu vực lobby là Notch8, một restaurant-bar nổi tiếng của thành phố (nội tên gọi của nó cũng đã nói lên mức độ “đỉnh cao” vì Notch 8 là một cột mốc về đẳng cấp tay nghề trong chuyên ngành hỏa xa mà chỉ những kỹ sư, tay lái xe lửa cự phách nhất mới đạt được). Chi phí thiết kế, trang trí nhà hàng này đã tốn hết 12 triệu CAD (đôla Canada).
Và khách sạn còn dư không gian dành cho những cửa hàng thời trang deluxe thuê mà quyến rũ khách sành điệu du hành năm châu bốn biển. Từ Dior, Louis Vuitton qua Gucci đến St. John… Rồi còn là Omega, Rolex… Cho nên các website về du lịch đều phân định khách sạn này là một luxury hotel năm sao. Đêm lạnh giá đầu tiên ở xứ lạ, tôi cảm nhận mình cũng may mắn được nếm trải chút ít lịch sử của thành phố trong cái tổ ấm đặc biệt này nên quyết định uống mừng với chai vang đỏ của Prospect Winery, làm với nho Merlot pha nho Cabernet Sauvignon thu hoạch năm 2014 từ Okanagan Valley, một lãnh địa vang của bang British Columbia.
DẤU VẾT NĂM XƯA Ở VANCOUVER
Vancouver, thành phố lớn nhất British Columbia, là cổng vào hàng không lớn thứ hai của đất nước “lá phong đỏ” Canada (còn cổng vào hàng không lớn nhất là thành phố Toronto ở bên phần Bờ Đông). Gần đây, Vancouver, bên bờ Thái Bình Dương, đang hút rất nhiều người di dân, du học sinh và du khách xuất phát từ châu Á. Ngày xưa, khi còn là vùng đất hoang sơ, nó đã hút ánh mắt quan sát của Thuyền trưởng George Vancouver thuộc Hải quân Hoàng gia Anh trong khi người thổ dân First Nation, cách nay hơn 200 năm, đã ngỡ ngàng chẳng biết “những con vật dài có ba cột gỗ cao” là gì mà trôi nhẹ nhàng, dễ dàng trên mặt nước biển. Thì ra đó là những thuyền buồm chở các nhà thám hiểm, thủy thủ Tây Ban Nha đi “chinh phục” Tân Thế giới. Từ quá khứ ấy phát triển theo dòng thời gian, Vancouver ngày nay cũng là hải cảng lớn nhất của Canada.
Đất lành chim đậu, nơi này cũng đã diễn ra không ít cơn sốt đi đào vàng. Năm 1871, khi British Columbia chính thức gia nhập liên bang Canada thì cuộc sống vẫn phát triển tất bật tại Gastown, nay là khu phố cổ ở Vancouver, rất gần bến cảng du lịch Canada Place. Người định cư lập nghiệp là di dân đến từ Anh, Ireland, Tô Cách Lan, các nước Tây Âu, các nước Bắc Âu, Nga, Trung Hoa, Mỹ, Nam Mỹ… Nhiều đàn ông sống hoặc thành hôn với phụ nữ bộ tộc First Nation. Ngày nay có đến 52% cư dân Vancouver là người mà tiếng mẹ đẻ là một ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh.
Dạo quanh Canada Place, bạn dễ dàng mường tượng chút lịch sử ấy của Vancouver. Trong khu phố Gastown, khu định cư đầu tiên của thành phố với xưởng cưa gỗ và tửu quán phục vụ bia, chiếc đồng hồ chạy bằng hơi nước đầu tiên của thành phố vẫn hoạt động tốt, phun xịt hơi nóng ào ào và đánh chuông vẫn rất đúng giờ dù đã trải qua 40 năm. Quanh cái “steam-powered clock” này luôn là đám đông du khách quốc tế.
Neo bên cảng hôm nay là một chiến hạm của hải quân Canada, xa xa là những chiếc thủy phi cơ nối tiếp nhau cất hạ cánh phục vụ du khách. Phía xa không thấy chiếc thuyền buồm cổ nào, cũng chẳng thấy chiếc ghe đục khoét từ nguyên thân cây của thổ dân First Nation mà chỉ thấy vô số du thuyền lớn nhỏ. Bên kia eo biển, trên các sườn đồi, là những biệt thự trị giá vài triệu đôla. Vancouver khá giả phần lớn nhờ vào vị trí địa lý là một thành phố bên bờ biển xanh bao la với muôn vàn cơ hội giao thương.
ĐI CHỢ GRANVILLE ISLAND
Du khách nước ngoài đến Sài Gòn rất thích khám phá chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Chợ Lớn vì từ xưa nay, chợ vẫn luôn là “trái tim” của từng ngôi làng, thị trấn, thành phố, siêu đô thị. Còn chúng tôi, nhóm khách Việt lần đầu thăm Vancouver, đã không quên tìm đến chợ thực phẩm ở Granville Island. Sáng chủ nhật ấy, trời mưa rỉ rả mãi không ngơi, trần mây thấp, xám xịt toàn đường chân trời, những cơn gió lạnh cuối thu đầu đông không ngừng thổi khiến mọi người vẫn phải co ro dù ngồi trên xe buýt du lịch có hệ thống điều hòa không khí. “Thời tiết ảm đạm thế này mà khùng điên đến độ rủ nhau đi chợ trên đảo sao!?” – tôi thầm nghĩ. Thế nhưng, chỉ sau 30 phút lăn bánh khỏi khu trung tâm thành phố Vancouver, cảm giác khó chịu ấy đã tan biến, ngay sau khi chúng tôi ào xuống khỏi xe, đổ bộ vào chợ!
Ồ, thật ngạc nhiên, cổng vào chợ chính là không gian tạo ra giữa hai khung cột sắt khổng lồ của một cây cầu sắt. Như bất cứ ngôi chợ bán hàng tươi sống nào ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới, chợ Granville Island, hay chính xác hơn là chợ công cộng Granville Island Public Market, cũng phát tỏa đủ mùi. Nhưng đó không phải là những mùi khó chịu khiến khứu giác nhạy cảm của bạn bị “bực tức” sinh hắt hơi, sổ mũi hay muốn bước ngay ra khỏi không gian ấy.
Mà là những mùi rất quyến rũ, lần lượt bốc lên từ những khung vuông đầy ắp trái cây như cam, chuối, dâu, lê, mâm xôi, nho, táo, thanh long vàng, xoài…, những gian hàng với đủ loại cà phê ở dạng hạt đã rang chín thơm ngất ngây, và những tủ kính sạch trong với đủ loại bánh mì, bánh ngọt. Canada, đất nước của cây lá phong đỏ, không thiếu những cửa hàng chào bán các sản phẩm có nguồn gốc “maple”, từ tinh dầu qua kẹo ngọt đến xi-rô…
Và ngạc nhiên là du khách không phải hứng chịu cái mùi tanh tanh khó ưa thường gặp khi đứng trước các ô bán hải sản tươi sống. Mọi thứ đều được ướp đá rất kỹ, từ tôm hùm qua cua Alaska to nặng mấy ký đến cá tuyết, cá hồi nhìn rất hấp dẫn. Tất cả được ủ lạnh và sắp xếp ngay hàng thẳng lối, trong các tủ kính to dài, là những con gà tây quen thuộc trong bữa tiệc Lễ Tạ ơn của người Mỹ và cả người Canada, rồi gà thường và các loại thịt đỏ như bò bison, bò thường, heo, trừu. Từng loại thịt được tỉa tót, cắt phù hợp theo từng cách nấu nướng, hầm, luộc…
“Chưa bao giờ tôi thấy đoàn khách nào mua nhiều trái cây, tôm cua và thịt như các bạn khách Việt này” – nữ hướng dẫn viên Lilian thốt lên khi thấy từng thành viên trong đoàn chọn mua hàng tươi sống trong chợ Granville Island. Hiển nhiên cô ta không hiểu rằng thực phẩm sạch, không bị nhiễm hóa chất, luôn là vấn đề thời sự tại Việt Nam. Mua hàng ở đây còn có một điều khác hẳn: Không có ông bà bán hàng nào cho hàng hóa vào túi nhựa cả. “Túi plastic ư? Không có đâu. Chúng tôi loại trừ nó lâu rồi, chỉ dùng túi giấy, nhưng rất chắc chắn. Bảo vệ môi trường là điều tiên quyết ở đất nước này!” – một cô bán hàng người Canada gốc Việt cho biết. Bạn mua tôm cua cá để mang về Việt Nam thì đã có kho đông lạnh lo đóng gói kỹ lưỡng, an toàn đường xa.
Trong “lãnh thổ” Granville Island không chỉ có khu chợ bán hàng tươi sống, lương thực, thực phẩm bình thường vốn hình thành từ năm 1979 mà còn là không gian dành cho những nghệ sĩ sáng tác mỹ nghệ. Rồi còn là cửa hàng đồ chơi, rạp chiếu phim, sân khấu kịch, gallerie nghệ thuật… Nó cũng có đủ các loại nhà hàng, từ quầy bán cà phê, trà, ăn nhẹ qua nhà hàng chuyên phục vụ đủ các loại craft beer (bia thủ công) của Canada (nhớ thử bia Molson rất thơm, ngon); đến nhà hàng hải sản sang trọng, chẳng hạn Dockside Restaurant, nơi chúng tôi có bữa trưa ngon miệng với xà lách trộn dấm basalmic và cá hồi nướng lò than, thưởng thức với ly vang trắng xuất phát từ một lò nào đó ở thung lũng Okanagan, giang sơn vang của bang British Columbia, miền Tây Canada. Vừa ăn vừa trò chuyện và ngắm cảnh bến cảng Marina nho nhỏ dưới chân cầu sắt Granville Steel Bridge…
Như tên gọi của nó, Granville Island là một bán đảo – nhỏ thôi – đối diện bờ False Creek của khu downtown Vancouver, ngay phía dưới chân cầu sắt Granville. Vài chục năm trước, đây là khu nhà máy sản xuất nhiều thứ hàng hóa, bây giờ là điểm nóng du lịch, giải trí và mua sắm với gần 300 doanh nghiệp khác nhau, với tổng doanh thu mỗi năm lên đến hơn $200 triệu. Chúng tôi cảm nhận rõ sức sống năng động của một Vancouver còn rất trẻ và đang là “miền đất hứa” của nhiều người di dân tìm đến an cư và lập nghiệp. Dạo qua các lối đi trong chợ, bạn dễ dàng nhận thấy Vancouver là một thành phố đa sắc tộc, đa văn hóa và đa ẩm thực…