Một nghiên cứu mới cho thấy không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu chính xác cách khuôn mặt được dùng để truyền đạt cảm xúc như hạnh phúc, tức giận, sợ hãi hay buồn bã.
Sai lầm nghiêm trọng!
Khuôn mặt của chúng ta thường có nhiều biểu cảm khác nhau trong giao tiếp, dựa vào tâm trạng, nhưng nét mặt không phải lúc nào cũng nói đúng cảm xúc lúc đó. Vì vậy, rất dễ nhầm khi “đọc” cảm xúc của ai đó qua khuôn mặt của họ. “Nhiều người tưởng rằng họ biết khuôn mặt người đối diện sẽ biểu hiện ra sao khi vui, buồn, tức giận, sợ hãi,” Nicola Binetti thuộc Trường Nghiên cứu Cao cấp Quốc tế ở Trieste, Ý, đồng tác giả của nghiên cứu nhận định trên Washington Post. “Nhưng họ đã sai! Không phải lúc nào chúng ta cũng biết chắc chắn như thế”.
Không có công thức nhất định về biểu cảm nét mặt, “khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Nét mặt có thể ẩn giấu ý nghĩa khác nhau đối với từng người. Ví dụ, một biểu cảm được người này nghĩ là “đối tượng” đang tức giận; người lại nghĩ là đang sợ hãi hoặc đau buồn. Ông và các cộng sự thử kiểm tra xem liệu 336 người tham gia nghiên cứu có đồng ý với nhau về một mẫu cảm xúc ẩn sau một biểu cảm nét mặt hay không. Nhóm nghiên cứu phát triển một trợ thủ mà họ gọi là công cụ “thuật toán di truyền” lấy cảm hứng từ cơ chế chọn lọc tự nhiên. Công cụ cho phép họ thiết kế khuôn mặt 3D qua nhiều lần lặp lại để thể hiện sự hạnh phúc, buồn bã, sợ hãi hoặc tức giận.
Binetti giải thích: “Quá trình này rất giống với việc nhân giống chó, trong đó một nhà lai tạo có thể chọn các đặc điểm để thêm hoặc bớt trong quần thể chó. Tương tự, chúng tôi dùng khuôn mặt ba chiều và nhân chúng lên bằng cách chọn các biểu cảm phù hợp nhất với từng tâm trạng. Kết quả, dù có sự chồng chéo đáng kể giữa các biểu hiện khuân mặt của người tham gia, nhưng mỗi người có cách thể hiện cảm xúc riêng, giống như dấu vân tay cảm xúc”.
Binetti nhận định, đối mặt với các biểu hiện buồn bã và sợ hãi, hai cảm xúc thường chồng chéo lên nhau, một người có thể nhìn thấy ở đó nỗi buồn, trong khi người khác lại nhìn thấy ở đó sự sợ hãi. Sự khác biệt có thể là kết quả của gene, bối cảnh văn hóa, chuẩn mực xã hội.
Tanja Wingenbach, giảng viên tâm lý tại Trường Khoa học Nhân văn của Đại học Greenwich chuyên nghiên cứu về cách thể hiện cảm xúc, nhận định: “Việc đánh giá sai cảm xúc của người khác có thể gây ra hậu quả xã hội không lường trước được, đặc biệt là về cách chúng ta tương tác với nhau. Nghiên cứu cho thấy cách đánh giá cảm xúc có thể “sinh chuyện” trong cuộc sống hàng ngày, khi mọi người diễn giải các biểu hiện trên khuôn mặt rất khác với những gì người khác nghĩ. Mối quan hệ giữa các cá nhân như hôn nhân, tình bạn, quan hệ với đồng nghiệp đều có thể bị ảnh hưởng bởi việc đánh giá không đúng nét mặt.”
Nhưng bà Wingenbach cũng lưu ý thêm, trong thế giới thực, hầu hết chúng ta thường quan sát thêm các chỉ dẫn bổ sung khi giao tiếp, chẳng hạn phát âm và tiết tấu ngôn từ để đọc đúng hơn tâm trạng của người đối diện. Khả năng nhận dạng đúng cảm xúc cũng được cải thiện khi chúng ta kết hợp thông tin từ nhiều kênh. Khi nghe ai đó kể về chuyện buồn của họ, chúng ta thường thể hiện nét mặt buồn, như là sự thông cảm. Nhiệm vụ của chúng ta là thể hiện sự đồng cảm theo cách mà người khác sẽ hiểu, ngay cả khi bản thân chúng ta không thực sự cảm nhận được điều đó.
Không nên đánh giá qua biểu cảm nét mặt
Theo Binetti những phát hiện mới rất có ý nghĩa đối với sức khỏe, luật pháp và nhiều nữa. “Hiểu rõ hơn về nét mặt có thể giúp chẩn đoán hoặc điều trị tốt hơn một số bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm hoặc tự kỷ, vì những người mắc các chứng rối loạn này thường khó nhận ra hoặc khó thể hiện các phản ứng phù hợp trên khuôn mặt,” ông nói.
Isabelle Mareschal, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư về nhận thức thị giác tại Đại học Queen Mary ở London nhận xét về nghiên cứu: “Nói chung là không có mẫu số chung về cách đọc nét mặt cho tất cả mọi người. Phát hiện mới của chúng tôi có thể quan trọng đối với sự đánh giá lâm sàng trên các bệnh nhân có phản ứng ‘không điển hình’ trên khuôn mặt của họ”.
Binetti đưa ra một minh hoạ sống động: Trong phòng xử án, nơi bồi thẩm đoàn phải quyết định dựa trên lời khai của nhân chứng. Hãy tưởng tượng hai thành viên của bồi thẩm đoàn lắng nghe một bị cáo trình bày và họ có thể diễn giải biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể của bị cáo theo nhiều cách. Một người cảm thấy bị cáo hối hận thực sự, trong khi người kia thấy bị cáo sợ hãi chứ không hối hận! Cách diễn giải này có thể dẫn đến quyết định khác nhau.
Diễn đạt nét mặt có muôn hình vạn trạng, đôi khi tinh tế và mơ hồ. Câu hỏi đặt ra là: điều gì khiến chúng ta đánh giá sai một nét mặt? Sự khác biệt về văn hóa cũng có thể đóng vai trò, những người sống tại các nơi khác nhau trên thế giới sẽ khác nhau về cách đánh giá một biểu cảm. Binetti, người đến từ Ý nhưng sống ở Vương quốc Anh nhiều năm trước khi trở về quê nhà, dẫn chứng: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp khó khăn trong việc đọc ngôn ngữ cơ thể của người Anh để xem họ cảm nhận thế nào về câu nói đùa hay nhận xét của tôi. Kết quả là có đúng và có sai. Vì vậy, chúng ta không thể dựa vào việc đọc biểu cảm nét mặt của người khác để hiểu họ đang nghĩ gì trong đầu. Không có công thức nào cho việc đánh giá biểu cảm khuôn mặt.”