Công ty Amazon vừa cắt giảm hàng chục thương hiệu nội bộ (in-house brand, mỗi thương hiệu nội bộ có nhiều nhãn hiệu riêng) khi các sản phẩm “cây nhà lá vườn” không còn bán chạy và sự giám sát chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC).
Amazon.com phải loại bỏ hàng chục thương hiệu nội bộ của mình trong kế hoạch cắt giảm dần hoạt động kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng (private-label) do công ty tự sản xuất như phản ứng với sự giám sát chống độc quyền của cơ quan quản lý và để phục hồi lợi nhuận.
Chỉ có ba trong số 30 nhãn hiệu quần áo đang bán không bị cắt. Trong năm qua, công ty có trụ sở tại Seattle này đã quyết định loại bỏ 27 trong số 30 nhãn hiệu quần áo của mình, kể cả Lark & Ro, Daily Ritual và Goodthreads. Sau khi bán hết hàng tồn kho, bộ phận quần áo nhãn hiệu nội bộ chỉ còn ba thương hiệu (brand): Amazon Essentials, Amazon Collection và Amazon Aware.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, Amazon cũng đang loại bỏ các thương hiệu nội thất mang nhãn hiệu riêng như Rivet và Stone & Beam sau khi bán hết hàng tồn kho. Không thể biết con số chính xác các thương hiệu nào bị cắt trong các bộ phận khác của doanh nghiệp, nhưng Amazon Basics, chuyên bán các loại hàng gia dụng và phụ kiện công nghệ, sẽ vẫn là trọng tâm của công ty.
“Chúng tôi luôn đưa ra quyết định dựa trên những gì khách hàng muốn và chúng tôi biết khách hàng vẫn chuộng các thương hiệu lớn như Amazon Basics và Amazon Essentials vì chất lượng cao và mức giá hợp lý,” Matt Taddy, phó chủ tịch Amazon Private Brands tuyên bố trên The Wall Street Journal và cho biết công ty sẽ loại bỏ những sản phẩm không gây được tiếng vang với khách hàng.
Sau nhiều năm cố gắng xây dựng mảng kinh doanh thương hiệu và nhãn hiệu riêng, Amazon bắt đầu quan tâm trở lại các thương hiệu và nhãn hiệu của các doanh nghiệp khác sau khi doanh số bán hàng thương hiệu và nhãn hiệu “tự sản tự tiêu” không được như ý và sự chỉ trích của các nhà lập pháp và những người khác cho rằng việc bán các nhãn hiệu riêng của công ty có thể là âm mưu triệt hạ các nhãn hiệu khác.
Công ty cũng cắt giảm tần số xuất hiện các sản phẩm nhãn hiệu riêng của mình ở những vị trí đặc biệt trên các trang kết quả tìm kiếm. Theo tiết lộ được Amazon công bố vào năm 2020, trong danh sách nhãn hiệu riêng của công ty có 243,000 sản phẩm thuộc 45 thương hiệu nội bộ khác nhau.
FTC đã điều tra về một số hoạt động của Amazon và đang chuẩn bị vụ kiện chống độc quyền trá hình. Các đại diện của Amazon dự kiến gặp các ủy viên FTC vào tuần tới như một phần của thủ tục thường được gọi là “những nghi thức cuối cùng” (last rites) trước khi FTC hủy bỏ vụ kiện vào tháng tới.
Amazon cho biết các nhãn hiệu riêng của công ty hiện chỉ còn chiếm 1% tổng doanh số bán lẻ. Do quy mô kinh doanh nhỏ so với rắc rối pháp lý tạo ra, năm ngoái, Amazon đã thảo luận về đề nghị rút khỏi hoạt động kinh doanh thương hiệu nôi bộ như một nhượng bộ FTC để cơ quan huỷ bỏ vụ kiện. Nhưng không thể xác định liệu Amazon có đề nghị sớm rút khỏi mô hình kinh doanh “tự sản tự tiêu” không.
Năm ngoái, một phát ngôn viên của Amazon khẳng định công ty chưa xem xét nghiêm túc việc đóng cửa hoạt động kinh doanh nhãn hiệu riêng và dự định tiếp tục đầu tư vào nó. Một số người cho biết, Amazon hiện đã cắt giảm tổng số thương hiệu nội bộ (in-house brand) xuống còn dưới 20, đồng thời loại bỏ hàng chục ngàn sản phẩm với nhãn hiệu riêng sản xuất cho những thương hiệu đó.
Cũng không có sản phẩm mới nào được đặt hàng cho các thương hiệu đang bị loại bỏ và chúng sẽ không còn tồn tại sau khi số tồn kho được bán hết. Các mặt hàng bán chạy của các thương hiệu nội bộ đã ngừng sản xuất nay được sáp nhập vào thương hiệu Amazon Essentials hoặc các thương hiệu nội bộ khác.
Những thay đổi này phù hợp với nỗ lực rộng lớn hơn của Amazon trong hai năm qua, nhằm cắt giảm các hoạt động kinh doanh và sản phẩm không có lãi khi chi phí hoạt động tăng và nguy cơ suy thoái sau đại dịch. Nỗ lực đó đã kéo theo việc cắt giảm ở những khu vực không mang lại lợi nhuận, chẳng hạn như các cửa hàng phi tạp hóa của công ty.
Những thay đổi về chính sách nhãn hiệu riêng cho thấy Amazon rất lúng túng khi bị FTC “chiếu tướng” về ý đồ độc quyền thông qua các thương hiệu nội bộ. Năm 2020, nhân viên Amazon sử dụng dữ liệu sản phẩm của người khác để phát triển các sản phẩm tương đương nhưng mang thương hiệu nội bộ Amazon. Người sáng lập Amazon và sau đó là giám đốc điều hành Jeff Bezos đã được gọi ra làm chứng trước ủy ban chống độc quyền của Quốc hội.
Sau khi ra Quốc hội, Amazon hạn chế một thông lệ kéo dài nhiều năm. Trong đó các thương hiệu nội bộ được hiển thị kết quả tìm kiếm nhiều hơn trên trang web của công ty ở những vị trí đặc biệt (loại lợi thế mà những người bán khác chỉ có thể có được bằng cách mua quảng cáo). Sự thay đổi đó đã khiến nhiều thương hiệu nội bộ của Amazon bị chìm trong rừng kết quả tìm kiếm và khó bán hơn.
Một số công ty cáo buộc Amazon bán nhiều nhãn hiệu riêng sao chép nhãn hiệu của họ. Năm 2018, Williams-Sonoma khởi kiện vì chiếc ghế ăn tối “distinctive-looking orb” mang nhãn hiệu Rivet của Amazon là sao chép ghế của thương hiệu West Elm. Ngoài ra, còn các sản phẩm Amazon khác gần giống với thiết kế của West Elm. Sau đó Amazon phải xóa các mặt hàng này khỏi trang web và giải quyết vụ kiện theo hướng có lợi cho Williams-Sonoma.