Giá xăng lên vèo vèo, lại phải ‘thắt lưng buộc bụng’

Bảng giá một cây xăng ở ngã tư Bolsa-Magnolia, khu Little Saigon, Tháng Sáu, 2022. (ảnh minh họa: ĐT/SGN)

Giá xăng tăng quá, nhiều người chỉ dám đổ nửa bình để chạy… cầm chừng. Có người chẳng dám đi đâu, vì không đủ tiền đổ xăng.

Mất 60 đồng, chỉ đổ được nửa bình xăng!

“Chiếc xe ‘cùi bắp’ của tôi đổ đầy bình, tốn có mấy chục bạc, vậy mà hôm qua xe hết xăng, tôi chạy ra bơm đầy để cuối tuần chở con đi chơi, ai dè nó ‘charge’ cho hơn $100. Trời ạ, khỏi đi chơi luôn!” Cô Mary Bùi, nhà ở Santa Ana than. Mà đâu phải xăng mới tăng giá! Mấy tháng nay rồi, cô nói đã không dám leo lên xe đi đâu xa, chỉ đưa đón con đi học. Tụi nhỏ thích đi chơi, cô hứa hẹn, ừ thì để hè rồi tính. Giờ con được nghỉ hè, đòi đi chơi, cô đang phải suy nghĩ lại.

Mới đây, cô Alina Hille cũng “tâm tình” trên Washington Post, rằng cô chưa bao giờ rơi vào tình cảnh hết sạch xăng. Nhưng cách đây vài hôm, khi đang đi đường cùng hai đứa con, xe của cô… bỗng dưng đứng lại vì hết xăng. Để kịp dự một cuộc họp qua Zoom, Hille đậu xe bên vệ đường, ba mẹ con đi bộ tới trạm xăng gần nhất để mua một chai xăng nhỏ giá $1.5, đổ vào xe và cố chạy nhanh về nhà. Hille nói cô đi bộ với con tới trường từ mấy tháng nay, và đang tìm việc khác để làm ở nhà nhiều hơn, do giá xăng tăng cao, khiến cái gì cũng tăng giá, mà lương thì vẫn vậy.

Giá xăng tăng chóng mặt từ Tháng Tư, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người phải sử dụng xe để đi kiếm tiền. Hiệp hội xe hơi Mỹ (AAA) cho biết đã nhận được 50,787 cuộc gọi báo hết xăng hồi Tháng Tư, tăng 32% so với cùng thời điểm này năm 2021, khi vẫn có nhiều người làm việc tại nhà, từ xa. Hơn 200,000 tài xế mắc kẹt trong tình huống tương tự từ đầu năm tới nay.

Giá nhiên liệu bắt đầu tăng sau khi Nga tấn công Ukraine hôm 24 Tháng Hai, làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Dữ liệu của AAA cho thấy một gallon xăng (3.78 lít) đã tăng 62%, so với giá của năm ngoái. Người sử dụng xe hơi ở 16 tiểu bang đang trả trung bình ít nhất $5 cho một gallon, còn giá xăng trung bình ở California đã lên tới $6/gallon. Đổ đầy một bình xăng tùy loại xe có thể mất hơn $100, đúng như lời cô Mary than thở.

Đổ xăng giờ cũng phải… cầm chừng. (Minh họa: Unsplash)

Đi xe công cộng? Đi xe chung?

Xăng tăng giá, chi phí mua hàng hóa, thực phẩm, tiền thuê nhà cũng tăng, khiến nhiều người phải tính toán chi li trong việc chi tiêu. Nếu chưa tới kỳ nhận lương, nhiều người chỉ dám đổ nửa bình xăng, và hạn chế ra đường, theo Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của GasBuddy.

Thăm dò được Washington Post – Schar School thực hiện từ 21 Tháng Tư đến 12 Tháng Năm, 44% tài xế chỉ đổ một phần bình xăng, con số này lên tới 61% với những người có thu nhập dưới $50,000/năm. Hơn 60% người được hỏi quyết định ít lái xe hơn, 30% cho hay lái xe ở tốc độ thấp hơn để tiết kiệm xăng.

Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết đồ thị trung bình động về nhu cầu xăng dầu ở Mỹ trong bốn tuần, tính tới ngày 20 Tháng Năm, đã giảm còn 8.8 triệu thùng/ngày. Nếu không tính năm 2020, thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19 bùng phát, đây là mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm, kể từ năm 2013.

Giá xăng tăng quá, đi bus thôi! Minh họa: Xe bus thuộc hệ thống quản lý của OCTA (Allen J. Schaben/Los Angeles Times via Getty Images)

Roger Ware, nhà kinh tế học tại Đại học Queen ở Ontario, cho biết các tài xế thường không thay đổi thói quen lái xe trong ngắn hạn vì chưa tìm được giải pháp thay thế. “Tuy nhiên, sau vài tháng hoặc vài năm, nhiều thứ sẽ thay đổi nếu giá xăng vẫn cao như thế,” ông nói. Cũng theo Ware, họ sẽ chuyển sang phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe khi giá xăng không giảm. Người tiêu dùng sẽ suy nghĩ lại về phương tiện đi lại của mình, đổi sang loại tiết kiệm nhiên liệu hơn. Một số người sẽ chuyển tới gần nơi làm hơn hoặc làm từ xa nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo David Bennett, Giám đốc hệ thống sửa chữa của AAA, giá xăng cao cùng việc ngày càng nhiều người Mỹ tiếp tục thói quen lái xe trước đại dịch đã góp phần làm tăng đột biến các cuộc gọi nhờ cứu hộ xăng. “Mọi người bị ‘nhốt’ ở nhà suốt hai năm ròng rã, nên giờ ai cũng muốn bung ra ngoài,” Bennett nói.

Nhưng giá xăng cứ tăng kiểu này, người có tiền muốn ‘bung’ cũng phải suy tính, huống chi là lao động có thu nhập thấp. Chuyện đi lại đã đành, còn thức ăn, mua sắm đồ thiết yếu, cũng tăng theo giá xăng do chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển.

“Thế này thì phải quay trở lại cái thời ‘thắt lưng buộc bụng’ rồi!” cô Mary lắc đầu, nói.

Đọc thêm:

-“Đại dịch thầm lặng” hậu COVID-19

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: