Dù không đến nỗi ‘gạo châu củi quế’ nhưng với cuộc sống của rất nhiều người còn khá bấp bênh như hiện nay, việc giảm chi tiêu là điều tất yếu cần quan tâm.
Bài học thực tế để cắt giảm tiền chợ
Vào Tháng Giêng năm 2021, Jasmine Taylor còn “ôm” cục nợ khá lớn, là khoản vay sinh viên $60,000, nợ y tế và thẻ tín dụng $9,000. Với quyết tâm giải quyết vấn đề tài chính của mình, cô nghiên cứu trên YouTube và tìm thấy một chiến lược quản lý tiền, qua đó những người lập ngân sách phân chia chi phí của họ bằng cách sử dụng tiền mặt một cách thực tế hơn.
Trong năm đầu tiên lập ngân sách, Taylor trả hết $23,000 khoản vay sinh viên và xóa sạch các khoản nợ khác. Vào năm đó, có chính sách cho sinh viên được xóa nợ, nên dù có khả năng trả sạch nợ, Taylor vẫn để lại khoảng $20,000. Tội gì! Nhưng sau đó cô vẫn tiếp tục trả nợ và có thể sẽ thoát cảnh “con nợ” vào cuối năm nay.
Taylor đã làm điều đó như thế nào? Cô ghi lại hành trình lập ngân sách của mình trên TikTok và các video này đang nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.
Cô chia sẻ với CNBC Make It, trong sáu tháng qua, một trong những câu hỏi đầu tiên mà mọi người hỏi cô, là chi phí chợ búa thế nào để có thể tiết kiệm, và đây là ba chiến lược khá hiệu quả mà cô đã áp dụng:
1-Săn phiếu giảm giá và phần thưởng
Taylor khuyên bạn nên tham gia vào các chương trình trên những ứng dụng nơi bạn có khả năng nhận được phần thưởng hoặc tiền hoàn lại khi mua sắm, chẳng hạn như Fetch, Ibotta, Rakuten và Shopkick.
“Hãy tải những ứng dụng đó xuống điện thoại của bạn. Những khoản tiết kiệm nhỏ, dù chỉ vài đôla nhưng đó cũng là tiền mà!,” cô nói. “Đừng quên những chương trình quà tặng phiếu giảm giá theo thời gian mà hiện thời nhiều nhãn hàng đang tổ chức. Trước đây thường là các phiếu giảm giá trên báo chí được cắt ra, nhưng bây giờ nó có sẵn trên điện thoại rồi, bạn chỉ cần ghi danh, rồi… xài thôi!”
2-Ngừng mua sắm… tào lao
Taylor gợi ý bạn nên lập kế hoạch cho những bữa ăn của mình trong tuần và liệt kê các nguyên liệu mà bạn cần trước khi đi chợ. Cô khuyên: “Hãy kiểm tra tủ lạnh, rồi ngồi xuống tính toán, làm danh sách những thứ cần mua, trước khi đi chợ, chứ đừng hứng lên rồi mua tùm lum, tá lả, ăn không hết, lại phải đem vứt.”
Trong quá trình đi chợ, hãy dùng máy tính hoặc ứng dụng trong điện thoại thông minh và cộng giá tiền của những gì bạn đã cho vào giỏ hàng. Làm như vậy sẽ giúp bạn duy trì ngân sách và tránh phải trả thêm các khoản không cần thiết.
“Nếu bạn là người thường có thói quen ‘mua hàng theo cảm hứng’ thì nên mua hàng online, vì khi cái giỏ hàng của bạn quá đầy, số tiền cũng hiện lên trên màn hình cũng khiến bạn phải suy nghĩ lại, và lấy bớt hàng ra,” Taylor chia sẻ.
3-Kiềm chế
Theo phương pháp lập ngân sách của Taylor, bạn sẽ cần phải rút tiền mặt để tiêu xài và để một số tiền nhất định vào phong bì, rồi lấy ra mua sắm. Về lý thuyết, việc này mang lại cho bạn mức giới hạn nhất định về số tiền bạn có thể chi tiêu, nhưng Taylor cho biết các khách hàng của cô thường cố gắng cắt giảm càng nhiều càng tốt.
Với cách làm này, bạn có thể tiết kiệm 50% tiền chợ. Cụ thể là hiện thời cô chỉ chi $400/tháng tiền chợ, thay vì trước đây thường là $700-800.
Hiện nay, Taylor đang điều hành “Baddies and Budgets”. Đây là công việc kinh doanh riêng của cô về tư vấn cho cash-stuffing-một phương pháp quản lý ngân sách bằng cách cho tiền mặt vào các bao thư dùng cho các khoản sử dụng khác nhau và chỉ sử dụng những bao thư đó), và tiếp tục đưa ra những lời khuyên về việc quản lý tiền cho khách hàng và những người theo dõi cô trên mạng xã hội.
Với những gì lạm phát gây ra cho ngân sách trung bình của người Mỹ, không có gì là đáng ngạc nhiên khi việc chi tiêu cho thực phẩm nằm gần đầu danh sách-những điều mà những người theo dõi Taylor trên mạng internet đang phải vò đầu bứt trán.
Khi cố gắng cắt giảm ngân sách mua hàng tạp hóa, hãy đặt mục tiêu cho việc giảm chi tiêu từng chút một. Taylor nói: “Việc cắt giảm 10% là khá thực tế trong thời buổi khó khăn hiện nay mà chúng ta đang trải qua. Nếu bạn tập được thói quen duy trì ngân sách và tránh bội chi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì đạt được những thắng lợi về tài chính, tuy nhỏ nhưng giúp đỡ mình trong việc kiểm soát tiền bạc không rủng rỉnh như trước.”
Cách để giảm một nửa hoá đơn tiền nhà
Nhưng tiền chợ chỉ là khoản chi không lớn, mà tiền nhà mới khiến mọi người “đau đầu” nhất.
Trong những năm qua, một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt ở Mỹ là giá thuê nhà và giá nhà tăng vọt. Một lý do lớn cho sự gia tăng là thiếu thốn về nguồn cung nhà ở. Các ước tính cho thấy người Mỹ cần xây thêm khoảng sáu triệu đơn vị nhà ở để đáp ứng rất nhiều nhu cầu thuê nhà.
Uytae Lee, người sáng lập quy hoạch đô thị của About Here gợi ý, nếu muốn tăng nguồn cung về nhà ở, Hoa Kỳ và Canada nên tập trung vào việc xây dựng thêm nhiều đơn vị hợp tác phi thị trường. Theo Unworthy.
Lee đưa ra lý thuyết của mình trong một video có tựa đề “The Non-Market Solution to the Housing Crisis” (“Giải pháp phi thị trường cho cuộc khủng hoảng nhà ở”).
Để minh họa cho quan điểm của mình, Lee nêu bật hai tòa nhà chung cư cạnh nhau trong khu vực Olympic Village đang phát triển ở thành phố Vancouver, Canada. Trong một tòa nhà, giá thuê trung bình cho một căn hai phòng ngủ là $4,500/tháng. Tuy nhiên, ở tòa nhà đối diện, cũng một căn hộ hai phòng ngủ chỉ có giá $1,900/tháng.
“Vậy làm thế nào tòa nhà này lại có giá phải chăng như vậy? Cho thuê như thế làm sao có lời? Vâng, thực sự thì lý do là khá đơn giản,” Lee nói. “Tòa nhà cho thuê giá rẻ hơn 50% kia thuộc sở hữu của hợp tác xã nhà ở Athletes Village, một hợp tác xã phi lợi nhuận. Như tên gọi của nó, hợp tác xã không có ý định kiếm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà.Vì vậy, họ đặt ra giá thuê chỉ bao gồm chi phí vận hành của tòa nhà, những thứ như máy sưởi, nước, điện, thuế, thanh toán thế chấp và bảo trì.”
Hợp tác xã thường thuộc sở hữu của các tổ chức từ thiện, nhà thờ và các tổ chức phi lợi nhuận. Họ hiểu rằng nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu và muốn nó trở thành mục tiêu lớn hơn của mình. Các hợp tác xã dành cho nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau, cho dù là người cao niên, người tị nạn hay sinh viên đại học.
Nếu một tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân, họ phải tính sao để lấy được vốn lẫn lời, còn với hợp tác xã thì có thể giảm giá thuê theo thời gian. Khi giá trị thị trường ở một khu vực lân cận tăng lên, chủ nhà sẽ tăng tiền thuê nhà.
Tuy nhiên, các hợp tác xã vẫn giữ giá thuê ở mức tương tự, miễn là chi phí vẫn ổn định. Hơn nữa, sau khi khoản thế chấp của hợp tác xã được trả hết, chi phí của hợp tác xã sẽ giảm đáng kể nên tiền thuê nhà có khả năng được giảm xuống.
Lee nói: “Nhà ở phi thị trường hứa hẹn một ngôi nhà ở mức giá ổn định ở thời hiện tại và ở mức phải chăng trong một thời gian dài.”
Cũng như có những rào cản đối với việc xây dựng các dự án nhà ở tư nhân lớn ở Bắc Mỹ, việc xây dựng nhà ở phi thị trường cũng có những vấn đề: Đầu tiên là về chi phí. Việc tìm kiếm các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan chính phủ sẵn sàng tài trợ cho toàn bộ tòa nhà chung cư là điều khó khăn.
Cũng khó có thể phê duyệt các dự án nhà ở khi các hợp tác xã phải đi ngược lại với NIMBY (Not In My Backyard: Đừng động vào sân sau nhà tôi) thuật ngữ bắt nguồn từ Hoa Kỳ để mô tả lập luận của những người phản đối sự phát triển ở khu vực lân cận của họ và các quy định phân vùng nhà ở.
Lee nói: “Tôi nghĩ trước hết là chúng ta cần thay đổi những quy tắc này và làm cho việc xây dựng nhà ở nói chung trở nên dễ dàng hơn.”
Cuối cùng, Lee cho rằng nhà ở hợp tác xã không phải là chiếc đũa thần kỳ có thể giải quyết mọi tai ương. Tuy nhiên, những kiểu nhà này phải là một phần không thể thiếu của một giải pháp hiệu quả hơn.
Lee nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên coi nhà ở trên thị trường là một yếu tố quan trọng. Giải pháp chỉ là bổ sung thêm nguồn cung và ấn định giá thuê, giúp ổn định thị trường bất động sản, nhất là nhà ở, chứ không phải là để kiếm thêm lợi nhuận.”