Jessica Jackson từng rất sợ độ cao, nhưng giờ đây, công việc full-time của cô là làm việc hàng ngày ở trên độ cao 300 feet.
Jackson, 37 tuổi, kỹ thuật viên tại Vestas, nhà sản xuất tua-bin gió, ở Bee County, Texas, với thu nhập $73,000/năm.
Jackson nói khi lên tháp tua-bin “không đáng sợ như bạn nghĩ.” Tua-bin cao nhất tại trang trại gió nơi Jackson làm việc cách mặt đất khoảng 350 feet. Cô mất chưa đầy 10 phút để lên đến đỉnh. “Khi lên đến đó, bạn sẽ tha hồ mà ngắm cảnh đẹp: Nhìn chim bay, đại bàng, diều hâu. Máy bay bay ngang qua. Bạn nhìn được xa nhất có thể. Thật tuyệt vời làm sao!” Jackson kể.
Công việc của Jackson là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới. Theo Bộ Lao Động, các kỹ thuật viên dịch vụ tua-bin gió có tỷ lệ thương tích và bệnh tật cao nhất trong tất cả các nghề. Đây cũng là công việc phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ, với việc làm trong lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi trong thập niên tới.
“Làm việc trong lĩnh vực này rất khó khăn, nhưng lại rất có ích. Tôi yêu thích những gì mình đang làm, cho nên không thấy đó là công việc, mà là để thỏa nỗi đam mê.”
Trước khi trở thành một kỹ thuật viên gió, Jackson làm nội trợ trong suốt 10 năm. Sau khi cô và chồng ly thân vào năm 2019, là lúc đứa con út của cô chuẩn bị năm tới đi học suốt ngày, Jackson quyết định quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, cô lo lắng khó có cơ hội và khả năng kiếm tiền vì cô không có bằng cử nhân.
Năm 2017, cô có ghi danh học đại học trực tuyến tại University of Arizona bán thời gian nhưng không hoàn thành bằng cử nhân khoa học môi trường, mãi cho đến năm 2022.
“Không có bằng đại học và làm mẹ đơn thân thật khó khăn,” Jackson, người có bốn đứa con từ 10 đến 21 tuổi, chia sẻ. “Tôi bị từ chối những công việc mà tôi có kinh nghiệm và kỹ năng chỉ vì tôi không có cái bằng đó.”
Chồng cũ của Jackson đang làm kỹ thuật viên điện gió và giới thiệu cô cho một công việc tại Blattner Energy, một nhà thầu năng lượng tái tạo ở miền Bắc Texas, lắp đặt hệ thống dây điện tháp.
Mặc dù không cần bằng cử nhân để trở thành kỹ thuật viên dịch vụ tua-bin gió, nhưng một số công việc lại yêu cầu phải hoàn thành chương trình kỹ thuật hoặc học nghề kéo dài 2 năm. Những công việc khác, như Blattner Energy và Vestas, sẽ cung cấp đào tạo tại chỗ cho những người mới được tuyển dụng.
Khóa đào tạo của Vestas bao gồm các phương pháp thực hành tốt nhất cho thiết bị điện của tuabin, các quy trình kỹ thuật như mô-men xoắn và độ căng bu lông cũng như các giao thức sơ cứu và an toàn.
Jackson nhanh chóng yêu thích các khía cạnh thực hành của việc bảo dưỡng tuabin, sự yên bình tĩnh lặng khi làm việc trong khi gió liu hiu thổi qua. “Thật tuyệt để biết rằng khi một tua-bin được sửa chữa hoặc chạy trơn tru hơn, thì tức là tôi đã làm được, chỉ cần nhìn thấy kết quả ngay lập tức từ những nỗ lực của mình.”
Làm việc trong một lĩnh vực nhằm mục đích giúp bảo vệ môi trường là một đặc quyền khác thu hút cô đến với công việc này. “Các tua-bin gió tạo ra năng lượng sạch được đưa vào lưới điện, sau đó cung cấp điện cho ngôi nhà, doanh nghiệp, điện thoại di động, TV của bạn, thật tuyệt vời,” Jackson giải thích. “Tôi luôn nói với các con mình: Hãy làm điều gì đó mà các con yêu thích, nhưng cũng đừng quên giúp đỡ người khác và bảo vệ môi trường.”
Công việc đó đã đưa Jackson đến với Vestas, nơi cô bắt đầu làm việc vào Tháng Hai năm 2020. Jackson bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng và kết thúc ca làm việc của mình vào lúc 5:30 chiều, năm ngày một tuần.
Mỗi ngày làm việc đều khác nhau, nhưng bắt đầu bằng một vấn đề chung. “Những gì tôi đang làm thay đổi mỗi ngày tùy thuộc vào mã lỗi hoặc vấn đề với tua-bin. Các tua-bin gió rất tân tiến, về cơ bản đây là những chiếc máy tính và liên tục giao tiếp với chúng tôi về những gì đang diễn ra với máy.”
Tương tự như xe hơi, tua-bin gió có hệ thống điện tử, máy phát điện, máy bơm và các thành phần quan trọng khác dễ bị đóng băng hoặc hỏng hóc. Công việc của Jackson là kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa các bộ phận cần thiết để tua-bin hoạt động và sản xuất điện.
Vestas có 66 tua-bin tại trang trại nơi Jackson làm việc. Cô thường chịu trách nhiệm cho một tua-bin mỗi ca, nhưng đôi khi là nhiều tua-bin.
Phần khó nhất trong công việc của cô là leo trèo. Jackson phải trèo lên một chiếc thang kim loại hẹp bên trong tua-bin và kéo mình qua một cửa sập ở trên cùng để tiếp cận nacelle của tua-bin, nằm trên đỉnh tháp và chứa các bộ phận chính của máy. Đó là một cuộc leo dốc thẳng đứng cao gần 30 tầng.
Jackson phải đeo găng tay, kính, mũ bảo hiểm, dây an toàn và các thiết bị bảo vệ khác khi làm việc. Nỗi sợ độ cao vẫn còn khi cô mới bắt đầu, nhưng sau khi luyện tập leo núi gần như mỗi ngày, đôi khi nhiều lần trong cùng một buổi chiều, Jackson cho biết mình đã tin tưởng vào các thiết bị và cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi leo lên những độ cao như vậy.
Jackson dự định sẽ làm kỹ thuật viên bảo dưỡng tua-bin gió cho đến khi… 70 tuổi, thì mới về hưu. Công việc này đòi hỏi nhiều về thể chất, nhưng Jackson nói rằng việc dành nhiều thời gian ở ngoài trang trại và leo lên các tòa tháp giúp cô cảm thấy mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn.
Cô đang nỗ lực để được thăng chức lên kỹ thuật viên cấp ba tại Vestas, một vai trò có mức lương khoảng $80,000 một năm, sau đó sẽ được đào tạo để trở thành kỹ thuật viên chính, để nhận mức lương khoảng $100,000 mỗi năm.
“Công việc này mang lại cho tôi sự ổn định về tài chính và sự tự do, giúp tôi có đủ khả năng chi trả cho các hoạt động khiến con tôi hạnh phúc, như ghi danh tham gia một giải bóng rổ, trong khi vẫn tiết kiệm được tiền hàng tháng,” cô tỏ ý.
Khi Jackson tiếp tục leo lên các bậc thang trong sự nghiệp của mình, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cô hy vọng sẽ có nhiều phụ nữ và những người không có bằng cấp tham gia vào lĩnh vực của mình hơn. “Tôi vô cùng biết ơn công việc này, tôi yêu những gì mình làm. Nếu tôi làm việc khác, chắc tôi sẽ không cảm thấy được hạnh phúc như bây giờ đâu.”