Khẩu trang, còn tác dụng không?

Đeo khẩu trang từng là yêu cầu bắt buộc trong đại dịch COVID-19. (Hình minh họa: Probal Rashid/LightRocket via Getty Images)

Một nghiên cứu mới cho thấy việc đeo khẩu trang sẽ không làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 sau làn sóng Omicron đầu tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là khẩu trang vô dụng.

Việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trên máy bay đã được liên bang quy định vào Tháng Hai năm 2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, vào Tháng Tư năm 2022, lệnh này đã bị phán quyết là bất hợp pháp.

Paul Hunter, giáo sư y khoa tại University of East Anglia ở Anh, nói với Newsweek: “Đeo khẩu trang đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lây truyền COVID-19 trong hai năm đầu tiên của đại dịch.”

“Bản thân khẩu trang không bao giờ có khả năng loại bỏ sự lây truyền, nhưng những miếng vải che mặt này chắc chắn đã giảm thiểu sự lây lan. Ngay từ đầu đại dịch, chúng tôi ước tính, dựa trên dữ liệu trước COVID-19, rằng nếu mọi người đeo khẩu trang, chúng ta có thể giảm lây truyền khoảng 20%.”

Vào cuối Tháng Mười Một năm 2021, biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định và trở thành chủng phổ biến ở Hoa Kỳ vào cuối Tháng Mười Hai.

Hunter cho biết: “Trước khi có Omicron ở người lớn, việc không bao giờ đeo khẩu trang tại nơi làm việc có thể làm tăng nguy cơ xét nghiệm dương tính từ 25 đến 30% so với những người luôn đeo khẩu trang, nhưng sau đợt Omicron đầu tiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa những người luôn đeo khẩu trang và những người không bao giờ đeo. Ở trẻ em, thậm chí còn giảm một chút nguy cơ xét nghiệm dương tính nếu không bao giờ đeo khẩu trang.”

Các bác sĩ khuyên mọi người nên trở lại thói quen đeo khẩu trang khi ra đường. (minh họa: Fatih Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE, Hunter và các đồng nghiệp từ University of East Anglia phân tích dữ liệu chính thức từ Văn Phòng Thống Kê Quốc Gia Vương Quốc Anh (U.K.’s Office for National Statistics) từ Tháng Mười Một năm 2021 đến Tháng Năm năm 2022 để khám phá các yếu tố nguy cơ lây nhiễm đã thay đổi như thế nào trước và sau đại dịch do Omicron đầu tiên. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử du lịch nước ngoài, quy mô hộ gia đình, tình trạng việc làm, tiếp xúc với trẻ em và đeo khẩu trang.

Hunter nói: “Vào thời kỳ đầu của đại dịch, có nhiều thử nghiệm được công bố xem xét các yếu tố nguy cơ mắc phải COVID-19, nhưng có ít nghiên cứu hơn sau khoảng năm đầu tiên. Khám phá của chúng tôi cho thấy có những thay đổi về một số yếu tố nguy cơ vào khoảng thời gian biến thể Omicron BA.2 trở nên phổ biến.”

Vào Tháng Mười Một năm 2021, việc luôn đeo khẩu trang ở nơi làm việc, trường học hoặc trong không gian kín liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, sau làn sóng Omicron đầu tiên thì không như vậy. Vậy tại sao khẩu trang đột nhiên ngừng bắt buộc?

Hunter cho biết: “Nếu khẩu trang làm giảm khả năng lây truyền khoảng 20 đến 30%, khi virus trở nên lây nhiễm mạnh hơn nhiều, như trường hợp của Omicron, thì 20 đến 30% cuối cùng sẽ không đủ để làm chậm quá trình lây nhiễm đến mức đó, nhưng vấn đề quan trọng hơn là COVID-19 không tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.”

Theo ông, đối với các loại virus có khả năng lây nhiễm cao như COVID-19 có thời gian miễn dịch ngắn, một khi những virus này đã lây lan trong quần thể một lần, số ca nhiễm trùng xảy ra trong quần thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tốc độ mất khả năng miễn dịch thay vào đó hơn là bằng những thay đổi trong hành vi nhằm giảm mức độ phơi nhiễm như đeo khẩu trang, và những người đeo khẩu trang nghiêm ngặt trong suốt hai năm đầu tiên sẽ có khả năng dễ bị nhiễm trùng hơn, ít miễn dịch hơn những người không đeo khẩu trang.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là khẩu trang hoàn toàn vô dụng, theo Hunter: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy một trong những yếu tố đằng sau mức độ mắc bệnh của bạn là liều lượng virus mà bạn tiếp xúc. Vì vậy, một gợi ý là nếu bạn đeo khẩu trang mà vẫn bị COVID-19, nghĩa là bạn ‘dính’ virus với liều lượng thấp, và bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn.”

Theo Hunter, không nhất thiết phải đeo khẩu trang, vì nhiều người đeo khẩu trang vẫn bị COVID-19, không chỉ một lần. Tuy nhiên, những người có bệnh nền, hoặc đang bị bện nghiêm trọng, vẫn nên đeo khẩu trang, như thế tốt hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: