Khi con cái gõ cửa phòng ngủ cha mẹ vào ban đêm

Những đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên thường có những cơn bất chợt muốn tâm sự và cha mẹ nên cần lắng nghe, cho dù có thể đó là lúc nửa đêm (ảnh: pexels-bea-lebrun)

Khi thấy con cái ở lứa tuổi teen mở cửa phòng ngủ của mình vào ban đêm, các bậc cha mẹ nên xem đây là một cơ hội chứ không phải quấy rối.

Những mời gọi giao tiếp bất ngờ

Là người quan tâm đến lứa tuổi teen đồng thời cũng là mẹ của những đứa trẻ ở độ tuổi như vậy, nhà tâm lý Lisa Damour đã chứng kiến những đứa con của mình ngồi im lặng suốt bữa ăn, cáu kỉnh trước mọi câu hỏi được đặt ra, nhưng chúng lại rất háo hức trò chuyện khi bà vào phòng ngủ, chuẩn bị kết thúc một ngày mệt nhoài. Sự bồn chồn của trẻ vào thời điểm này không phải cá biệt. Con của bạn có thể đứng ở ngưỡng cửa phòng ngủ của cha mẹ, hoặc nằm dài trên sàn phòng ngủ, thậm chí nằm phịch xuống tấm ga trải giường với sự háo hức được “trút bầu tâm sự”!

Những đứa trẻ tuổi teen đột nhiên khác thường nói cười huyên thuyên và sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ trong đầu ngay lúc mà cha mẹ chúng chỉ muốn cuộn tròn lại trong chăn và thả trôi vào giấc ngủ. Nhưng nếu cha mẹ có lý do chính đáng để lật trang khép lại một ngày, thì trẻ cũng có lý do chính đáng để bạn phải dành thời gian cho chúng. Mối quan hệ bền chặt giữa con cái và cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, một vấn nạn của lứa tuổi teen hiện nay.

Tuy nhiên, hầu hết những ai đang nuôi dạy một đứa con vị thành niên đều biết rất rõ là việc kết nối cha mẹ-con cái không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thông thường, con cái còn nhỏ thường trở nên xa cách, nếu không muốn nói là… rất xa cách với cha mẹ so với lúc còn nhỏ. Yêu sự độc lập, chúng không còn muốn chia sẻ với cha mẹ như trước. Thật không may, sự tách biệt khó ngăn chặn này (đặc trưng của lứa tuổi thiếu niên, dù thường là tạm thời) lại được cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong đại dịch tiếp sức. Nhưng nếu con bạn có nguy cơ bị chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác đáng lo ngại thì bạn phải ngăn chặn chúng bằng cách nào, khi chúng thích giữ khoảng cách với cha mẹ?

Nói vậy để thấy việc con cái đột nhiên sẵn sàng nói đủ thứ chuyện “trên trời dưới đất” lúc cha mẹ chuẩn bị đi ngủ nên được xem là “cơ hội phá băng”. Những lần mở cửa phòng cha mẹ vào lúc đêm khuya sẽ giúp giải quyết một tình thế tiến thoái lưỡng nan của tuổi vị thành niên: Vừa muốn thỏa mãn mong muốn tự chủ vừa khao khát kết nối với những người lớn yêu thương. Phản ứng mở rộng vòng tay của cha mẹ lúc đó giúp chúng đạt được cả hai điều nên rất có lợi về mặt tâm lý đối với tuổi trưởng thành.

Tuổi teen về bản chất bắt đầu đánh giá cao quyền tự quyết. Một chuyên viên tâm lý giới trẻ cho biết có em thích chủ động dọn dẹp phòng của mình hơn là làm theo lệnh của cha mẹ. Tương tự, những câu hỏi hợp lý của cha mẹ vào ban ngày như “công việc của con hôm nay ra sao, có gì đặc biệt?” sẽ bị chúng gạt sang một bên, bởi vì câu hỏi này được xem như cuộc lấy cung, và cả thời điểm lẫn chủ đề đều không do chúng lựa chọn.

Rõ ràng, con bạn có khuynh hướng thích theo lịch trình của chúng và xem những câu hỏi của cha mẹ là vấn đề của cá nhân của chúng hơn là của cha mẹ. Sở thích này được thể hiện trước giờ ngủ. Khi người mẹ tạm quên mệt mỏi và trò chuyện với đứa con đang hưng phấn, chúng sẽ cởi mở hơn mà vẫn không cảm thấy sự độc lập của mình bị xâm phạm. Thời điểm và chủ đề đều do chúng chọn. Cha mẹ lúc đó đã quá mệt mỏi để có thể đưa ra các chủ đề mới dễ dẫn đến tranh cãi. Và quan trọng nhất là đứa con được quyền kiểm soát thời điểm kết thúc cuộc trò chuyện, tức là cảm thấy đã đến lúc để cho người nghe ngủ.

Làm thế nào để xử lý tình huống này?

Lời khuyên của nhà tâm lý Lisa Damour là trong khả năng có thể, chúng ta nên chào đón những chuyến viếng thăm buổi tối của con cái như “cơ hội vàng để kết nối” mẹ con (hay cha con). Thay vì xua đuổi “kẻ phá bĩnh” ra khỏi phòng hoặc thúc giục chúng đi thẳng vào vấn đề, hãy để con cái làm chủ cuộc trò chuyện, điều khiển cuộc trò chuyện theo hướng của chúng cho đến khi chúng muốn kết thúc. Những gì trẻ tâm sự vào lúc này chắc chắn là những gì chúng nghĩ đến nhiều nhất trong ngày.

Và ngay cả một chủ đề có vẻ vặt vãnh cũng đã là nỗ lực hết sức của đứa con để duy trì kết nối với cha mẹ. Ngoài việc để cho con cái chủ trì “các chương trình trò chuyện đêm khuya” này, chúng ta cũng cần tối đa hóa khả năng “lắng nghe” ngay từ đầu câu chuyện. Dù đã lên giường, hãy cố gắng không tạo cảm giác “nghe cho có lệ” như cầm cuốn sách, chúi mắt vào điện thoại hoặc iPad. Nếu cha mẹ lo lắng sự mệt mỏi sẽ khiến khó theo kịp câu chuyện của con, thì hãy nhớ, một nhà điều trị tâm lý thiếu niên cho biết đa số con cái tuổi teen thường thích nói chuyện với cha mẹ vào ban đêm vì chúng được lắng nghe nhiều hơn và ít bị chất vấn.

Không phải tất cả thanh thiếu niên đều ghé qua phòng ngủ của cha mẹ khi muốn kết nối, nhưng trẻ sẽ trải lòng khi chúng có thể chủ động mở ra cuộc trò chuyện. Nhiều trẻ không sẵn sàng trả lời khi cha mẹ đặt câu hỏi cho chúng ngay sau giờ học, nhưng sẽ sẵn sàng giãi bày vào buổi tối hoặc cuối tuần trong phòng ngủ cha mẹ. Tất nhiên, cha mẹ lúc nào cũng kè kè bên con là không cần thiết, thậm chí không tốt đối với sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên. Không phải tất cả con cái đều luôn có cha mẹ bên cạnh để nói chuyện lúc sắp ngủ nên các cuộc trò truyện chủ động của trẻ với giáo viên, huấn luyện viên, người cố vấn và những người lớn quan tâm khác cũng được chứng minh là có tác dụng lâu dài trong việc hỗ trợ sức khỏe của trẻ tuổi teen và ngăn ngừa nhiều mối lo về hành vi và tâm lý – theo The Washington Post.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: