Một nghiên cứu về những cuộc hẹn hò cho thấy có đến 45% cơ may nhận được sự đồng ý, 83% duy trì mối quan hệ sau lần gặp đầu tiên, 5% bị từ chối và 41% cho biết sẵn sàng đưa ra đề nghị mới cho dù tin rằng sẽ bị khước từ lần nữa. Phát hiện này cho thấy, giống như các loài vật khác, con người sẵn sàng chấp nhận thất bại để xác lập một quan hệ tình cảm.
Khác biệt nam nữ về tình bạn
“Phụ nữ và đàn ông không thể là bạn bè chí cốt, vì khác biệt giới tính là rào cản lớn. Họ không thể là bạn bè chí cốt như cách nghĩ thông thường mà chỉ có thể là bạn bè chí cốt với… ám ảnh tình dục” – Harry “phán” như thế trong phim When Harry Met Sally.
Trước đó, Sally liệt kê danh sách người đàn ông mà cô chỉ xem như bạn bè chứ không phải bạn tình. Thông điệp của cô rất rõ ràng, tình bạn giữa đàn ông và đàn bà vẫn có thể hình thành mà không cần sự hấp dẫn giới tính. Nhưng là đàn ông, Harry không đồng ý như thế. Anh không tin có quan hệ nam nữ sâu đậm nào là “trong sáng” và không bị lợn cợn bởi yếu tố tình dục. Vậy ai đúng ai sai?
Khác biệt ở đây là định nghĩa không giống nhau của nam và nữ về “vùng tình bạn” (friend-zone). Chính khái niệm khác nhau về “vùng tình bạn” đã giải thích cách hai giới tính thẩm định về quan hệ tình dục và quyết định làm bạn với giới tính khác. Khi tìm cách kết bạn với ai đó tức là chúng ta chấp nhận cả “rủi ro” lẫn “phần thưởng”, giữa “được” và “mất”. Đàn ông, thường bị hấp dẫn bởi người khác giới tính hơn phụ nữ, ngay khi cả hai đều xem mối quan hệ chỉ là “bạn bè”. Đàn ông cũng thường tự tin quá mức về sức hấp dẫn của họ đối với phụ nữ trong khi phụ nữ thường đánh giá thấp sức hấp dẫn của nam giới đối với họ.
Nhận định này được chứng minh trong một nghiên cứu. Những đối tượng nam và nữ được đề nghị tự đánh giá về sức hấp dẫn lẫn nhau và nghĩ thế nào về sức hấp dẫn của người khác phái đối với mình sau một cuộc tiếp xúc ngắn. Kết quả: đàn ông thường đánh giá quá cao sức hấp dẫn của họ đối với phụ nữ. Ngược lại đàn bà thường đánh giá thấp sức hấp dẫn của đàn ông đối với họ. Những người tự đánh giá có sức hấp dẫn cao cũng tự tin về quan tâm tình dục của đối tượng đối với mình. Việc tự tin quá mức về sức hấp dẫn của bản thân sẽ dẫn đến bất trắc trong quan hệ, tức là đánh mất một mối quan hệ mà lẽ ra đã được xác lập nếu khiêm tốn hơn!
“Một khi chúng ta mong đợi một điều gì đó, chúng ta muốn nó xảy ra. Nếu bạn nghĩ có ai đó thực sự hấp dẫn giới tính với mình, bạn sẽ tìm kiếm thêm những yếu tố khác để quan sát. Giống như một người dùng hành động chồm về phía trước hay cười điệu đàng để biểu cảm tình dục mà không nhận thấy rằng người đối diện sẽ ngả về sau để tránh né thay vì đón nhận” – nhận xét của giáo sư Antonia Abbey dạy môn tâm lý xã hội tại Wayne State University.
“Kịch bản hẹn hò”
Một số nghiên cứu tập trung vào trao đổi giữa những cặp có phát sinh tình cảm với nhau. Họ gọi đây là “kịch bản hẹn hò”. Kịch bản sẽ tiết lộ những tình huống dẫn đến thành công hay thất bại trong việc “truy tìm tình yêu”. Họ cũng phát hiện vai trò của những “mặc định” có sẵn về đối tượng. “Trong tương tác nam nữ, đàn ông thường tìm kiếm các dấu hiệu hấp dẫn giới tính hơn so với đàn bà, vì nam giới được sinh ra để nhận trách nhiệm dẫn dắt mối quan hệ. Trong khi phụ nữ ở “thế thủ” thì đàn ông ở “thế công” và nhận gánh nặng trong việc xác định mối quan hệ sẽ đi đến đâu” – Abbey nói.
Nhưng đối với những cặp đồng tính nữ (lesbian) thì sao? So sánh với những cặp đồng tính nam (gay men), “kịch bản hẹn hò” của đồng tính nữ tập trung vào sự thân mật hơn là tình dục. Còn đối với những cặp lưỡng tính, dù sự hấp dẫn tình dục không bằng những cặp bình thường, vẫn có một số điểm giống nhau. Một cặp phụ nữ lưỡng tính cư xử giống như một phụ nữ bình thường trong cuộc hẹn. Đó là không chủ động phát sinh sự thân mật.
Cũng có sự khác biệt tinh tế giữa mối quan tâm tình dục và quan tâm tình cảm. Một nghiên cứu cho thấy, theo qui luật nói chung, đàn ông thường đánh giá quá mức quan tâm tình dục trong khi đàn bà lại xem nhẹ nó. Tuy nhiên, qui luật này không áp dụng đối với những kẻ yêu nhau thực sự. Phát hiện đã giải thích tại sao con người thường hiểu sai về một mối quan hệ, do quá tập trung vào các ý đồ ngắn hạn “quen cho vui”, thay vì các mối quan hệ lâu dài.