Một mối quan hệ yêu đương không tốt đẹp không chỉ khiến cuộc sống của bạn cảm thấy khó khăn hơn, mà những cuộc cãi vã liên miên còn có thể dẫn đến việc trầm cảm.
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi vì là người duy nhất cố gắng nỗ lực cho một mối quan hệ, đặc biệt là khi bạn không biết cả hai đang hướng tới đâu; hoặc nếu có cảm giác mối quan hệ đang đi vào vòng lẩn quẩn, tốt nhất bạn nên bình tĩnh suy nghĩ xem liệu nó có đáng cứu vãn nữa hay không.
Không cảm thấy yêu và được yêu
Tình yêu và sự ấm áp là những gì giúp cho một mối quan hệ tiếp tục. Nếu tất cả những gì bạn làm là khóc vì người yêu của mình, bạn cần phải suy nghĩ kỹ về lý do tại sao bạn lại hẹn hò với anh ấy. Bạn nên nhớ những cuộc cãi vã và các vấn đề liên quan đến tình cảm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn hơn bạn nghĩ. Hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của bạn rất quan trọng! Chính vì vậy, nếu tình cảm của bạn đang gặp các dấu hiệu ở trên, bạn hãy dành thời gian suy ngẫm lại mối quan hệ của mình để cân nhắc nên tiếp tục hay dừng lại.
Cả hai hạn chế dành thời gian cho nhau
Nếu anh ấy không bao giờ tìm thấy đủ thời gian cho bạn nhưng luôn sẵn sàng dành thời gian cho người khác, thì đây là dấu hiệu cho thấy anh ấy không còn thấy bạn thú vị nữa. Vì sao? Một điều đơn giản đó là khi bạn thực sự muốn ở bên ai đó, bạn sẽ luôn tìm thấy thời gian dành cho họ.
Không còn cảm giác đối phương là bạn nữa
Giao tiếp là chìa khóa cho mối quan hệ lâu dài và nếu bạn cảm thấy khó mở lòng với đối phương thì đây là hồi chuông đáng báo động. Thay vì nói chuyện với anh ấy, bạn chọn cách chia sẻ với bạn bè, người thân hay thậm chí để thầm trong bụng, tức là bạn cảm thấy không thể kết nối với chàng. Và một khi mối quan hệ không có sự kết nối giữa cả hai thì có lẽ là lúc bạn nên nhìn nhận liệu có điều gì không ổn hay không.
Trái tim bạn không còn xao xuyến khi nghĩ đến đối phương
Tất nhiên, khi mối quan hệ vượt qua “giai đoạn trăng mật” sự phấn khích ban đầu sẽ mất dần. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả đam mê đối với đối phương cũng sẽ mờ dần theo thời gian. Nếu những suy nghĩ của bạn về đối phương không thể mang lại nụ cười trên khuôn mặt bạn nữa, có lẽ tốt nhất là hãy để anh ấy ra đi.
Các cuộc trò chuyện đều dẫn đến giận hờn, cãi vã và hiểu lầm
Việc bạn thường xuyên kết thúc mọi cuộc nói chuyện với chàng bằng một cuộc tranh cãi thì đây là dấu hiệu cho thấy rõ ràng là cả hai đang có vấn đề. Việc bày tỏ suy nghĩ cá nhân là một điều tốt, nhưng thường xuyên thấy bản thân phải đấu tranh vì những điều nhỏ nhặt thì không đúng chút nào!
Bản thân trở thành một người hoàn toàn khác so với trước đây
Khi bạn thực sự yêu ai đó, bạn chấp nhận chính con người của họ. Việc muốn thay đổi tâm tính và thói quen người mà chúng ta đang hẹn hò hay chung sống cùng nhau không phải là một dấu hiệu lành mạnh.
Bạn không cần phải từ bỏ sở thích hoặc cảm thấy tội lỗi khi làm điều gì đó mà người yêu không đồng ý mà không có một lý do cụ thể hay chính đáng. Nếu trước đây bạn từng hạnh phúc khi cảm thấy tự do nhưng giờ đây lại thấy bị quá bó buộc trong mối quan hệ của mình, có lẽ bạn nên xem xét lại giữa bạn và chàng liệu có ổn hay không.
Đối phương thường “nhận” hơn là “cho”
Một mối quan hệ đòi hỏi sự nỗ lực bình đẳng của cả hai bên. Nếu bạn thường xuyên làm những việc để sửa chữa và củng cố mối quan hệ của mình, nhưng ngược lại, chàng lại thờ ơ, lạnh nhạt và đôi khi lại cáu bẳn, đã đến lúc bạn hãy tìm cho mình một người thực sự trân trọng bạn.
Tình cảm khô khan và nhàm chán
Không phải ngày nào trong cuộc sống tình yêu của bạn cũng giống như một bộ phim nhưng nó cũng không nhất thiết phải nhàm chán. Từ việc đơn giản cùng nhau nấu ăn đến đi dạo trên bãi biển, có hàng trăm điều nhỏ nhặt mà các cặp yêu nhau có thể làm để khơi dậy niềm vui và sự hứng khởi. Nhưng điều này cần sự sẵn sàng nỗ lực từ hai phía để giữ cho mọi thứ trở nên thú vị.