Sự mạo hiểm khám phá một nghề nghiệp có thể khiến bạn nhận ra rằng, tiền có thể mua được hạnh phúc, nhưng đôi khi không phải thế.
Đó là trường hợp của Khemaridh Hy, 44 tuổi, nhân vật trong cuốn sách của Joanne Lipman-tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Next! The Power of Reinvention in Life and Work,” và ”That’s What She Said: What Men and Women Know About Working Together.”và là giảng viên Đại học Yale, cộng tác viên của CNBC.
Người mà Joanne Lipman phỏng vấn là Khemaridh Hy. Hy rời bỏ công việc trị giá $2.3 triệu mỗi năm ở Phố Wall mà không chuẩn bị trước công việc sắp tới cho mình. Anh cho rằng sự thay đổi thành công trong sự nghiệp của mình là do hai điều: đặt nền tảng trước khi nghỉ việc và bị tổn thương vừa đủ để tìm kiếm sự hướng dẫn.
Hy con trai của một người nhập cư Campuchia định cư ở New York. Hy hiếu học và có trách nhiệm: anh đạt điểm cao, vào học ở Đại học Yale và theo đuổi sự nghiệp tài chính.
Ở tuổi 31, anh được thăng chức làm giám đốc điều hành tại BlackRock, công ty đầu tư danh tiếng. Lương cao dư sức bảo đảm về tài chính, chức vụ cũng cao và hay được khen thưởng, nhưng Hy phải sống chung với “những ánh mắt ghen tị” của đồng nghiệp. Anh cảm thấy “có điều gì đó chưa ổn.”
Nhưng chẳng có gì tự nhiên mà Hy có chức vụ và lương cao. Anh đã phải làm việc cực nhọc suốt 12 giờ mỗi ngày và cảm thấy “tê liệt một cách dễ chịu”, mà theo như anh mô tả: “Bạn không bất hạnh, nhưng chắc chắn là bạn không hạnh phúc. Bạn không đặc biệt yêu thích công việc mình làm, nhưng cũng không ghét nó.”
Hy tâm sự: “Tôi cảm thấy rất bất an khi lớn lên do tính cách nhút nhát và ngốc nghếch. Tôi cũng từng nghĩ phần lớn những điều đó sẽ biến mất cùng với thành công và tiền bạc, nhưng rồi tôi nhận ra rằng, tiền không thể nào làm biến mất những sự bất an.”
Để giảm bớt nhàm chán, Hy lao vào các dự án phụ. Anh ấy viết blog, tổ chức các bữa tiệc kết nối và thử nghiệm nhiều loại software năng suất khác nhau.
Trong một kỳ nghỉ, anh bắt đầu viết một bản tin có tên là “RadReads”, chia sẻ những mẹo vặt trong cuộc sống và liên kết đến những bài viết thú vị mà anh đã đọc ở nơi khác. “Những điều đó đã thắp sáng trong tôi,” Hy nói. “Tôi nhận ra rằng 5% hoạt động của tôi mang lại cho tôi 99% hạnh phúc. Tôi nói, ‘Hãy tưởng tượng nếu bạn có thể làm điều đó cả ngày.’”
Khi vợ chồng anh có con và tiền tiết kiệm đủ tiền để sống được ít nhất 18 tháng, anh nghỉ việc.
Rời BlackRock là một quyết định đầy khó khăn. Chẳng ích gì khi hầu như ngày nào Hy cũng nhận được tin nhắn từ một người bạn hoặc đồng nghiệp cũ hỏi: “Dạo này sao rồi Hy?”, “Đang làm ở đâu vậy cậu?”
Những câu hỏi cứ như thúc Hy phải đi làm. Nhưng sau đó, Hy đã thuê một huấn luyện viên chuyên tư vấn về cuộc sống. Người này cho anh những công cụ để điều hướng cảm xúc của mình và giúp anh khám phá những câu hỏi, như “Tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi công việc?”
Cuối cùng Hy nhận ra kiểu cuộc sống mà anh mong muốn. Gia đình chuyển đến California, nơi anh có thể thỏa niềm đam mê lướt sóng. Anh tập trung vào việc viết blog hàng tuần của mình và nhận thấy rằng những suy ngẫm của anh về cuộc sống đã gây được tiếng vang với các chuyên gia đang ở độ tuổi trung niên khác, như “Tại sao nhiều người thành công lại sợ bị phá sản?” đến “Làm thế nào Jeff Bezos có thể kiếm được $10,000 mỗi giờ?”
Hy hiện có nhân viên toàn thời gian để giúp điều hành công việc kinh doanh. Anh dạy một khóa học về năng suất kết hợp việc huấn luyện quản lý thời gian với triết lý về các vấn đề liên quan đến cuộc sống.
Hy là một ví dụ điển hình về tuýp người biết kết hợp công việc với cuộc sống. Anh không sắp xếp các cuộc họp trước 11 giờ 30 sáng, để dành thời gian lướt sóng vào buổi sáng và giúp các con chuẩn bị đến trường. Cả nhà anh đều ăn tối cùng nhau, ngày nào cũng vậy.
Trong năm thành công nhất, công việc kinh doanh của anh kiếm được $250,000 – vẫn là một con số ấn tượng, mặc dù chỉ bằng 1/10 thu nhập tại BlackRock.
Nhưng với Hy, vấn đề không phải là kiếm nhiều tiền. Hy hiện đang làm việc 30 giờ một tuần. Anh cho rằng nếu muốn kiếm được nhiều tiền hơn, anh sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn. Hy nói: “Tôi không cần phải làm điều đó”.