Loại gạo mới chứa nhiều protein, không gây bệnh tiểu đường

(Hình minh họa: Thoa Ngo/Unsplash)

Theo một nghiên cứu gần đây, một loại gạo lành mạnh hơn có thể sớm xuất hiện trên thị trường, chứa nhiều protein hơn và ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra cách biến đổi gen gạo để có hàm lượng protein cao hơn và chỉ số đường huyết (Glycemic Index – GI) thấp hơn.

Thực phẩm có GI cao có tác động mạnh đến lượng đường trong máu khi đi vào cơ thể và có liên quan đến các tình trạng liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu kém, chẳng hạn như kháng insulin, tiền tiểu đường, tiểu đường loại 2 và béo phì.

Ví dụ về thực phẩm có GI cao bao gồm bánh ngọt, bánh quy, bánh mì trắng, bánh rán hoặc bất kỳ món ăn nào có hàm lượng đường hoặc carbohydrate cao, và ít protein và chất xơ.

Gạo là thực phẩm có GI cao vì nó có hàm lượng carbohydrate tinh bột cao và hàm lượng chất xơ và protein thấp, đặc biệt là khi tiêu thụ ở dạng đã đánh bóng hoặc tinh chế, như gạo trắng thay vì ngũ cốc nguyên hạt.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Viện Nghiên Cứu Gạo Quốc Tế (International Rice Research Institute – IRRI) đã phát hiện ra cách tăng hàm lượng protein và giảm GI của gạo.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các gen chịu trách nhiệm về hàm lượng protein và GI, và phát hiện ra rằng việc lai tạo hai loại gạo cụ thể sẽ tạo ra một giống có GI dưới 45% – mà họ phân loại là “siêu thấp” – và hàm lượng protein gần 16%, cao gấp năm lần hàm lượng protein của gạo trắng thông thường.

“Nhìn chung, những phát hiện này nhấn mạnh tiềm năng và lợi ích của gạo GI thấp và gạo protein cao trong việc cung cấp nguồn protein và axit amin thiết yếu đáng kể như lysine cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở những vùng mà gạo là thực phẩm chính trong khẩu phần ăn uống,” Nese Sreenivasulu, một nhà khoa học tại IRRI, cho biết.

Axit amin là thành phần cấu tạo nên protein. Có chín loại axit amin thiết yếu, được phân loại như vậy vì cơ thể không thể tự sản xuất ra chúng, vì vậy chúng ta cần đưa những axit amin này vào trong kế hoạch ăn uống của mình.

Lysine là một axit amin thiết yếu và được các nhà khoa học nhắm đến trong nghiên cứu này để tăng hàm lượng protein trong gạo.

Trong một bài báo, các nhà khoa học đã viết rằng nghiên cứu của họ hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và nhu cầu bổ sung đủ protein cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Trên toàn cầu, có khoảng 537 triệu người lớn mắc bệnh tiểu đường, họ viết, và 90% đến 95% những người này mắc bệnh tiểu đường loại 2, liên quan đến thói quen ăn uống và lối sống, chẳng hạn như ăn thực phẩm có chỉ số GI cao.

Theo bài báo, Á châu chiếm 60% dân số mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu và là châu lục sản xuất và tiêu thụ 90% gạo trắng.

“Xét đến việc gạo là lương thực chính của một bộ phận đáng kể dân số toàn cầu, điều quan trọng là phải triển khai các giống lúa năng suất cao với các mẫu gạo xay xát có protein chất lượng cao và chỉ số đường huyết cực thấp để giải quyết gánh nặng ba thách thức về dinh dưỡng trong cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình,” Gurdev S. Khush, tác giả của bài báo, nói.

Tổng giám đốc của IRRI – Yvonne Pinto nhấn mạnh: “Với hàm lượng GI và protein thấp đáng kể vượt trội so với các giống lúa truyền thống, các giống lúa dinh dưỡng năng suất cao này sẽ mở đường cho việc giải quyết các mục tiêu quan trọng về an ninh lương thực và dinh dưỡng.”

Nhóm nghiên cứu hiện hy vọng rằng các gen mà họ đã xác định sẽ được đưa vào các chương trình lai tạo lúa trong tương lai để cải thiện các giống lúa phổ biến được trồng trên khắp Châu Á và Châu Phi.

Nghiên cứu này được IRRI thực hiện tại Los Baños, Philippines, hợp tác với University of California, Davis, Hoa Kỳ, Viện Sinh Lý Học Thực Vật Phân Tử Max Planck (Max Planck Institute of Molecular Plant Physiology) tại Đức và Trung Tâm Sinh Học Hệ Thống Thực Vật (Center of Plant Systems Biology) tại Bulgaria.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: