Lưới cứu mạng ở ‘Thánh địa tự sát’ của San Francisco

Trong hình: Golden Gate, San Francisco, California. (minh họa: Li Jianguo/Xinhua via Getty Images)

Kevin Hines, 23 tuổi, hối hận vì đã nhảy cầu Golden Gate để tự tử vào Tháng Chín 2000, khi phải vật lộn với chứng rối loạn lưỡng cực.

Hines nằm trong số rất ít, khoảng 40 người sống sót khi lên cây cầu nổi tiếng của vùng San Francisco để tự tử. Khi nhảy cầu, Hines chỉ mới 19 tuổi, may mà anh được cứu sống, nhưng bị gãy lưng.

Lưới chỉ cứu sống, nhảy xuống vẫn bị trọng thương

Nhận ra mình đã từng có quyết định ngu xuẩn, Hines bàn với cha mình và một nhóm cha mẹ mất con vì tự tử trên cây cầu, không ngừng vận động cho giải pháp cứu sống người tự tử, là đặt lưới dưới cầu. Giải pháp này đã có suốt hai thập niên qua nhưng vấp phải sự phản đối từ những người không muốn thay đổi địa danh mang tính biểu tượng với tầm nhìn bao quát ra Thái Bình Dương và Vịnh San Francisco.

Nhưng cuối cùng, hôm Thứ Tư, 3 Tháng Giêng, họ đã đạt được mong muốn khi các quan chức thông báo rằng các đội đã lắp đặt lưới thép không gỉ ở hai bên cây cầu dài 2.7 km này.

Công nhân lắp đặt lưới ngăn chặn các vụ tự tử từ cầu Golden Gate, San Francisco, California. Hình chụp hôm 30 Tháng Mười Một 2023. (ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG via Getty Images)

“Nếu có tấm lưới ở đó, tôi đã bị cảnh sát chặn lại và nhận được sự giúp đỡ cần thiết ngay lập tức, để đâu phải bị gãy ba đốt xương sống và trải qua thời gian chữa trị khốn khổ khốn nạn như vừa qua,” Hines nói với AP. “Tôi rất biết ơn vì một nhóm nhỏ những người có cùng chí hướng, đã không bao giờ từ bỏ điều gì đó quan trọng đến như vậy.”

Theo số liệu từ AP, gần 2,000 người bỏ mạng vì tự tử, kể từ khi cây cầu được khánh thành vào năm 1937.

Thật ra, hơn 10 năm trước, các quan chức thành phố đã phê duyệt một dự án ngăn chặn và giảm thương vong vì tự tử và vào năm 2018, người ta bắt đầu xây dựng lưới thép không gỉ rộng 20 feet (6 mét), nhưng những nỗ lực để hoàn thành dự án này liên tục bị trì hoãn, cho đến tận bây giờ.

Vì lưới được đặt cách mặt cầu 20 feet, nên xe chạy trên cầu không thể nhìn thấy, nhưng người đi bộ đứng cạnh đường ray lại có thể nhìn thấy. Hệ thống lưới được chế tạo bằng thép không gỉ dùng cho hàng hải, có thể chịu được môi trường khắc nghiệt bao gồm nước mặn, sương mù và gió mạnh, sơn màu cam nổi bật.

Quang cảnh Cầu Golden Gate, San Francisco, California, hôm 01 Tháng Giêng năm 2024. Người đi bộ có thể nhìn thấy lưới được lắp đặt để giảm số người chết vì nhảy cầu tự tử. (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu via Getty Images)

Các quan chức của cây cầu này được yêu cầu phải làm gì đó để ngăn chặn các vụ tự tử ngay sau khi cây cầu được khánh thành, nghĩa là cách đây 87 năm. Nhưng mãi đến tận bây giờ, một nhóm nhỏ gồm các bậc cha mẹ, trong đó có Patrick – cha của Hines, và chính người tự tử được cứu sống là Hines, đã giúp để dự án được hoàn thành.

Theo Dennis Mulligan, tổng giám đốc của Golden Gate Bridge, Highway & Transportation District, lưới được đặt suốt toàn bộ chiều dài của cây cầu 1.7 dặm này, ở phía đông và phía tây. Khi dự án gần hoàn thành vào năm 2023, số người chết vì nhảy cầu đã giảm từ mức trung bình hàng năm là 30, xuống còn 14.

Nhưng không có nghĩa là hết người chọn cầu Golden Gate để tự tử. Một số người vẫn nhảy, nhưng lọt xuống lưới và các đội cứu nạn giúp họ thoát khỏi đó. Một số ít người khác chết vì leo qua lưới và nhảy xuống biển.

“Lưới chỉ nhằm mục đích ngăn chặn người nhảy và hạn chế tỷ lệ tử vong khi ai đó muốn tự tử,” Mulligan nói. “Nhưng đó là lưới dây thép không gỉ, không phải là cao su, không mềm, không co giãn, vì vậy, nếu rớt xuống đó, giống như bị cho vào cái máy xay phô mai. Chúng tôi phải nói để mọi người biết rằng, nếu bạn nhảy xuống lưới, bạn cũng sẽ bị thương nặng.”

Người nhảy cầu sẽ không rơi xuống biển, mà rơi vào lưới, tuy không chết, nhưng có thể bị thương nặng. (ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG via Getty Images)

Lính cứu hỏa ở cả quận San Francisco và Marin đang được huấn luyện để leo xuống và giải cứu bất kỳ ai nhảy vào lưới. Hiện tại, những người thợ sắt bảo trì cây cầu và được đào tạo về kỹ thuật cứu hộ đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu. Trên boong, các thành viên của đội tuần tra trên cầu làm việc để phát hiện những người có ý định tự tử và ngăn họ nhảy. Mulligan cho biết năm ngoái, họ đã ngăn cản 149 người… không muốn sống.

Paul Muller, chủ tịch của Bridge Rail Foundation cho biết, một công ty kiến trúc đã đề xuất sử dụng lưới dựa trên sự thành công của một loại lưới tương tự trong việc ngăn chặn các vụ tự tử ở Bern, Thụy Sĩ.

Năm 2008, cơ quan quản lý cầu bắt đầu tìm hiểu ý tưởng lắp đặt lưới và phê duyệt thiết kế. Vào năm 2014, Golden Gate Bridge, Highway & Transportation District phê duyệt dự án với kinh phí $76 triệu, nhưng sau đó tăng lên $224 triệu. Trong một vụ kiện chống lại khu học chánh vào năm 2014, Công ty Xây dựng Shimmick và Công ty Xây dựng Danny, là hai nhà thầu chính của dự án, cho biết lưới và các công việc khác trên cầu như một phần của dự án sẽ tiêu tốn khoảng $400 triệu.

Các công ty cho biết những thay đổi và sai sót trong thiết kế lưới của chính phủ cũng như sự xuống cấp của cầu đã làm tăng giá xây dựng. Các nhà thầu cho biết họ lỗ khoảng $100 triệu vào dự án và phải chi thêm $100 triệu để trả chi phí và nhân công nhằm đảm bảo hoàn thành công trình.

Tranh chấp, kiện tụng liên tiếp xảy ra. Những người chỉ trích dự án lập luận, vì sao phải bỏ ra số tiền quá lớn như vậy cho những kẻ điên rồ đang sống lại muốn chết, mà nếu nhảy xuống lưới thì cũng không chết được, mà bị thương nặng, còn tốn tiền chữa trị.

Nhưng những người ủng hộ lưới, bao gồm cả Bridge Rail Foundation, chỉ ra các nghiên cứu của Harvard University và the University of California, Berkeley, cho thấy hầu hết những người sống sót sẽ không còn ý nghĩ tự tử nữa, và chính họ cũng sẽ là “bài học” để ngăn chặn các vụ tự tử ở nơi nổi danh là “Thánh địa tự sát.”

Khi chưa có lưới, người nhảy cầu sẽ rơi thẳng xuống biển. Nhưng nếu rơi vào lưới, tuy không chết, vẫn có thể bị thương nặng. (ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG via Getty Images)

Vì sao cầu Golden Gate được gọi là “Thánh địa tự sát”?

Cầu Golden Gate là biểu tượng của thành phố San Francisco và một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới, còn có tên gọi là cầu Cổng Vàng hoặc Kim Môn kiều, bắc treo qua Golden Gate, eo biển rộng một dặm (1.6 km) nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu nối thành phố San Francisco, mũi phía bắc của Bán đảo San Francisco – đến Marin County, bao gồm cả Quốc lộ Hoa Kỳ 101 và Quốc lộ 1 California qua eo biển.

Khi được hoàn thành vào năm 1937, Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của thành phố San Francisco, với nhịp chính dài 4,200 feet (1,280 m) và tổng chiều cao 746 feet (227 m).

Trước khi có cầu, để đi lại giữa San Francisco và Marin County, người ta phải di chuyển bằng phà, nên dự án xây cầu được ấp ủ từ rất lâu, khoảng năm 1872 nhưng vẫn chưa được thực hiện, vì các chuyên gia xây dựng cầu đường khi đó cho rằng việc xây cầu là không thể vì mực nước ở đây rất sâu, sóng mạnh và xoáy, kèm theo gió biển giật đến 100km/h, đồng thời đây là một trong những vùng ảnh hưởng của động đất, chi phí xây dựng rất lớn.

Năm 1906 một trận động đất ở San Francisco làm 3,000 người chết chỉ cách vị trí dự định xây cầu 13km. Chính vì những nguyên nhân này mà người ta phản đối việc xây dựng cầu. Mãi tới năm 1929, dự án xây cầu mới chính thức được bắt đầu, phụ trách Thiết kế gồm Joseph Strauss, Irving Morrow và Charles Ellis. Vấn đề lớn nhất bây giờ là chi phí xây cầu sẽ được lấy từ đâu? Sự sụp đổ chứng khoán Mỹ năm 1929 đã khiến vấn đề huy động kinh phí xây dựng cầu bị tắc lại.

Năm 1930, nhà sáng lập Ngân hàng Mỹ Amadeo Giannini lúc này có trụ sở ở San Francisco đứng ra thay mặt ngân hàng, đồng ý mua toàn bộ số trái phiếu của địa phương với mục đích xây cầu. Quá trình xây dựng cầu rất gian nan và nguy hiểm, dưới sự chỉ huy của kỹ sư trưởng Joseph Strauss.

Cột trụ phía Nam được xây dựng dưới đáy biển sâu 33 mét. Giàn giáo xây dựng cột trụ này đã bị đổ hai lần: một lần do bị tàu vận tải đâm vào trong sương mù và một lần bị bão đánh sập. Ngoài ra, do nước thủy triều chảy xiết trong eo biển, công nhân chỉ có thể làm việc dưới nước trong thời gian thủy triều xuống thấp: bốn lần một ngày và mỗi lần chỉ kéo dài 20 phút. Để xây dựng móng cầu chịu được động đất và giông bão trên đáy biển đầy bùn, Joseph Strauss đã cho chế tạo một buồng thép không đáy khổng lồ và hạ xuống đáy biển.

Để ngăn không cho nước vào, buồng thép phải có áp suất cao hơn áp suất của nước ở độ sâu 33 m. Những công nhân làm móng trụ cầu phải làm việc trong điều kiện rất nguy hiểm, họ bị khó thở, chảy máu mũi, bị xỉu, bị liệt, và không ít công nhân thiệt mạng trong quá trình xây cầu.

Một nhóm người đang quan sát thiết bị kéo sợi cáp trên Marin Anchorage của công trình cầu Golden Gate, sợi đơn phía trên là sợi cáp đầu tiên được hàn vào thiết bị sẽ hỗ trợ nhịp bắc qua cầu, hình chụp ngày 13 Tháng Mười Một 1935. (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Sau hơn bốn năm lao động vất vả, một cây cầu treo màu da cam dài 2.7 km, có dáng vẻ thanh thoát nhưng mang trên mình cả triệu tấn thép, được khánh thành vào ngày 27 Tháng Năm 1937.

Xe cộ qua lại Cầu Golden Gate Bridge, hình chụp ngày 28 Tháng Năm, 1937 (Không rõ tên tác giả/San Francisco Chronicle via Getty Images)

Công trình cầu Golden Gate mang tính bước ngoặt trong ngành giao thông ở San Francisco và mở ra một chương mới đối với nền kinh tế vùng lúc này, hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư cũng lần lượt kéo về mảnh đất San Francisco để biến đô thị này trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tiểu bang California.

Cầu Golden Gate thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim Hollywood, trở thành điểm thu hút du khách, vì đến Mỹ mà chưa tới “Golden Gate Bridge” thì chưa gọi là “đặt chân đến Mỹ”. Tuy nhiên, cây cầu này cũng liên quan đến những câu chuyện đau thương, kinh hãi, để rồi nó được gọi bằng một cái tên có hình tượng về cái chết: “Thánh địa tự sát”.

Sau khi khánh thành được một ngày, cây cầu đã chứng kiến vài vụ tự tử. Nói lài “vài” nhưng người ta cho rằng còn nhiều hơn so với con số được công bố, vì thi thể những nạn nhân xấu số có thể đã bị cuốn trôi ra Vịnh San Francisco và không được tìm thấy. Tính từ thời điểm khánh thành đến nay, có khoảng gần 2,000 gieo mình xuống cầu tự tử.

Nhiều lời đồn đại về những vong hồn vất vưởng ở cầu, những công nhân chết trong quá trình xây cầu, hay những giải thích mang màu sắc tâm linh, như việc cây cầu bị ám bởi lời nguyền độc ác của những linh hồn những người từng mất xác tại đây.

Biểu tượng của San Francisco, The Golden Bridge là cây cầu treo có ý nghĩa lịch sử bắc qua Golden Gate, eo biển nối San Francisco Bay và Pacific Ocean. (ảnh: Meriç Dağlı/Unsplash)

Vấn đề tự tử tại cầu Golden Gate báo động đến mức những nhà nghiên cứu về tự tử ở Mỹ từng lên tiếng cảnh báo “đừng có nhắc tới nó nữa, đừng công bố về số vụ tự tử ở đây nữa”.

Và bây giờ, khi đã có hệ thống lưới nhằm giảm số người chết khi nhảy cầu tự tử, liệu cây cầu nổi tiếng này còn bị “gắn” với cái tên không ai muốn tới? Có lẽ vài năm sau mới có câu trả lời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: