Việc những người nổi tiếng sử dụng máy bay riêng một cách bừa bãi đang gây khó khăn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bảng phong thần
Những người nổi tiếng không còn xa lạ gì với vị trí đầu trong các bảng xếp hạng. Nhưng một số tên tuổi lớn gần đây bỗng thấy mình được đưa vào danh sách mới: “Celebs with the Worst Private Jet CO2 Emissions” (Những người nổi tiếng với lượng khí thải máy bay phản lực riêng tồi tệ nhất!)
Máy bay của Taylor Swift đạt quán quân “gây ô nhiễm CO2 nhiều nhất trong năm 2022”, đã thực hiện 170 chuyến bay, kể từ Tháng Một với tổng lượng khí thải hơn 8,293 tấn. Trong một giải trình với The Post, người phát ngôn của Swift phản bác, nói máy bay phản lực của Taylor thường xuyên cho người khác mượn. Việc quy kết hầu hết hoặc tất cả những chuyến đi cho cô là không chính xác.
Một máy bay võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather thường sử dụng đứng thứ hai, thải ra khoảng 7,076 tấn CO2, trong đó có một chuyến đi chỉ kéo dài 10 phút. Đại diện của Mayweather không trả lời yêu cầu bình luận.
Rapper Jay-Z xếp thứ ba. Nhưng sau khi báo cáo công bố, một luật sư của Jay-Z nói với The Washington Post, thân chủ ông không phải là chủ của chiếc máy bay tư nhân được đề cập. Trong khi đó, tờ Rolling Stone khẳng định chủ nhân máy bay là thương hiệu thể thao Puma mà Jay-Z là đại diện quảng cáo. Đáp lại những chỉ trích về chuyến bay kéo dài chưa đầy 20 phút, rapper Drake đã viết trên Instagram: “Đây chỉ là quá trình chuyển máy bay đến sân bay khác có hậu cần tốt hơn chứ không ai đi chuyến bay đó cả”.
Theo cơ quan tiếp thị bền vững Yard có trụ sở tại Vương quốc Anh, tính bình quân, máy bay chở người nổi tiếng thải ra hơn 3,376 tấn CO2 mỗi năm, tức cao gấp khoảng 480 lần lượng khí thải mỗi năm của một người bình thường.
Nhóm phân tích thừa nhận sự chính xác tuyệt đối là không thể, và cũng không có cách nào để xác định xem những người nổi tiếng này có trên tất cả các chuyến bay được ghi nhận hay không. Mục đích chính của báo cáo là “làm rõ tác động gây hại của việc lạm dụng máy bay tư nhân”.
Nhưng đổ hết cho giới nghệ sỹ cũng không đúng, vì các chính trị gia, quan chức chính phủ, vận động viên, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các đại gia cũng hay có máy bay riêng.
Bay ngắn, thải nhiều
Peter DeCarlo, giảng sư về sức khỏe và kỹ thuật môi trường tại Đại học Johns Hopkins chuyên nghiên cứu ô nhiễm không khí nhận định, một đoạn đường bay rất ngắn với máy bay phản lực tư nhân cũng đòi hỏi phải đưa lên không trung cỗ máy nặng từ 10 đến 20 tấn và đi từ điểm A đến điểm B, tức là đầy dủ những bước cần thiết của một chuyến bay đường dài.
Không ai thích bị kẹt xe, nhưng tránh kẹt xe bằng cách bay trên trời và tạo ra một lượng khí thải carbon khổng lồ thực sự là không hợp lý, đặc biệt là với những đường bay quá ngắn. Dù DeCarlo và các chuyên gia khác thừa nhận lệnh cấm hoàn toàn việc đi lại bằng máy bay tư nhân không phải là giải pháp mà chỉ nên khuyến khích những người có ảnh hưởng xã hội và những người có điều kiện nên quan tâm đến tác động môi trường và chỉ dùng máy bay riêng khi thực sự cần thiết.
Một báo cáo được nhóm vận động giao thông sạch Transport & Environment của châu Âu công bố vào năm ngoái, cho thấy một chiếc máy bay phản lực tư nhân có thể thải 2 tấn CO2 trong chỉ một giờ bay so với bình quân 8.2 tấn CO2 mà một người dân châu Âu bình thường thải ra trong suốt một năm.
Chris Field, Giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods tại Đại học Stanford nhận định: “So với máy bay thương mại tiết kiệm nhiên liệu và xe hơi thân thiện với khí hậu như xe hybrid hoặc xe điện, lượng khí thải trên mỗi dặm chở khách của máy bay tư nhân cao hơn đáng kể, vì chúng thường chở ít hành khách và có quãng đường đi ngắn hơn. Tuy nhiên, nếu máy bay tư nhân có số hành khách hợp lý, lượng khí thải chia đầu người sẽ tương đương với xe bán tải Ford F-150 một người ngồi”.
Giải pháp?
Colin Murphy, Phó giám đốc Viện Chính sách Năng lượng Môi trường và Kinh tế tại Đại học California ở Davis, cho biết những người sử dụng máy bay tư nhân, đi lại nhiều mà lại không chú ý đến tác hại cho môi trường. Một chuyến đi nhanh bằng máy bay tư nhân phải đốt một lượng lớn nhiên liệu trong quá trình cất cánh, đưa máy bay lên độ cao và di chuyển. Murphy so sánh, một chiếc Boeing 737 đủ tải có lượng khí thải trên mỗi dặm chở khách tương đương với một chiếc xe hiệu quả nhiên liệu như Prius. Việc đốt cháy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn gallon nhiên liệu mà chỉ phục vụ cho một hoặc vài người là điều không thể chấp nhận được.
Theo Peter DeCarlo, máy bay thương mại đốt nhiều nhiên liệu, nhưng chúng thường chở nhiều người, nên khi chia đều cho tất cả hành khách, mức tiêu thụ tính trên đầu người rất thấp so với máy bay tư nhân chở ít người, bay ngắn. Dĩ nhiên, người ngồi ở hạng nhất hoặc hạng thương gia phải được chia lượng khí thải carbon cao hơn người ngồi ghế hạng phổ thông.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, máy bay nhỏ vẫn là giải pháp tuyệt vời, như trong trường hợp khẩn cấp y tế hoặc vận chuyển nội tạng. Các chuyên gia đề xuất, thay vì cấm máy bay phản lực tư nhân, nên nghiên cứu ban hành các quy định hoặc chính sách hướng tới việc giảm những chuyến đi không cần thiết.
Những người dùng máy bay tư nhân nên chịu trách nhiệm đối với môi trường, bằng cách bớt bay, hoặc chỉ nên bay thẳng, chở nhiều khách hơn. “Sự tiết chế của họ chính là thông điệp ý nghĩa về môi trường cho các fan,” DeCarlo nói. “Khi xem người nổi tiếng là một hình mẫu, những người hâm mộ sẽ bắt chước họ. Máy bay tư nhân đã trở thành một biểu tượng địa vị và khát vọng, nhưng đó không phải là những gì chúng ta cần lúc này, trong tình hình khủng hoảng khí hậu”.
Trong khi mẫu máy bay điện vẫn đang được phát triển, hàng không tư nhân và thương mại nên chuyển sang dùng các loại nhiên liệu sạch được làm từ tảo hoặc thực vật.
Đọc thêm: