Daniel Lubetzky, tỷ phú sáng lập Kind Snacks, cho rằng ông thành công là nhờ được ở bên cạnh những người trung thực và chân thành.
Lubetzky nói, không ai có thể trở thành một nhà lãnh đạo hoàn hảo. Trong trường hợp của mình, ông thường mắc sai lầm, có thể bốc đồng và dễ bị đam mê làm cho mù quáng, nhưng may mắn là ông được bạn bè và đồng nghiệp nhắc nhở khi thấy ông sắp phạm sai lầm.
Lubetzky nói với CNBC: “Nếu xung quanh bạn chỉ toàn những đứa nịnh hót, nói gì cũng dạ dạ vâng vâng, rồi nâng bạn lên tận mây xanh, và vì thế bạn tự sướng mà nói ‘Ồ, mình thật tuyệt vời’, thì coi như… hỏng bét.” Ông nói mình hên là ít gặp những người như thế, hoặc giả, chính ông đã nhận ra được “ai là ai”, nên kịp thời tránh xa những kẻ xu nịnh.
Lubetzky thành lập Kind Snacks vào năm 2004, ban đầu vận hành nó với ngân sách eo hẹp trước khi nhận khoảng $16 triệu tài trợ từ bên ngoài vào năm 2008. Chỉ hơn một thập niên sau, vào năm 2020, Kind Snacks được gã khổng lồ thực phẩm Mars mua lại với giá được báo cáo là $5 tỷ. Lubetzky bán gần hết cổ phần và chỉ giữ lại một ít “có ý nghĩa” của công ty.
Theo Forbes, giá trị tài sản ròng cá nhân của Lubetzky ở mức $2.1 tỷ.
Thật ra lời khuyên của ông không hẳn là hiếm gặp, nhưng nói thì dễ, làm mới khó, vì sự đời, ai chẳng thích khen, thích nịnh. Lubetzky nói: “Những môi trường không có tranh luận, không cãi nhau văng nước miếng thì nhiều lắm, nhưng không ít những CEO được bao bọc bởi một nhóm người nịnh bợ đến mức đáng sợ, và điều đó có thể hủy diệt người đứng đầu như chơi!”
Lubetzky đưa ra lời khuyên cho những người quản lý, cách để họ khuyến khích tranh luận, phản biện một cách lành mạnh.
Tìm đúng người: Lubetzky cho biết, nếu bạn đang hướng tới những cuộc tranh luận hiệu quả và phản hồi hữu ích, chứ không phải nói nhiều mà không đi đến đâu, bạn sẽ cần tham khảo ý kiến của bạn bè hoặc thuê những đồng nghiệp có khả năng phản biện. Ông lưu ý rằng họ cũng cần phải có kiến thức chuyên môn về chủ đề đó, cũng như trí tuệ cảm xúc cao. Ví dụ, bạn thuê một người giúp bạn làm ra những sản phẩm âm nhạc tốt, mà bạn nghe nhạc như… nghe sấm, thì người ta có nói gì về chuyên môn, bạn cũng sẽ bị dắt mũi đi theo.
Lubetzky nói: Bạn cũng nên ưu tiên những người “tử tế” hơn những người “dễ thương”.
Ông giải thích, có một số trường hợp, người ít phản ứng, phản biện là do họ không có trình độ, nhưng đôi khi do họ là người quá nhu mì và ngại chia sẻ ý kiến của mình, hoặc cũng có thể chính bạn không tạo điều kiện, hay khuyến khích họ nói ra, mà cứ nghĩ mình tốt rồi. Cái đó mới gây ra nhiều thiệt hại.
Lubetzky cho biết thêm, những người tử tế có thể truyền đạt cảm xúc của mình một cách “mang tính xây dựng”. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng nhận được phản hồi hơn – nhưng bạn vẫn cần phải cố gắng giữ bình tĩnh, đừng nghĩ là mình “bị xúc phạm” bởi những lời chỉ trích của người khác.
Ngược lại, những người tử tế có thể gặp khó khăn khi đưa ra những phản hồi tiêu cực trung thực vì họ muốn mọi thứ tốt cho bạn, chứ không xen lẫn tình cảm vào. Rick Nucci, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp software Guru, gọi khái niệm này là “sự đồng cảm tàn khốc”, điều mà Nucci học được một cách khó khăn khi thực hành.
Khi bạn tìm được đúng người, vừa có khả năng chuyên môn, vừa làm việc tử tế, có trách nhiệm, thì hãy khuyến khích họ chân thành với bạn. Tại nơi làm việc, Lubetzky khuyến khích những nhân viên cấp dưới phải phản biện, với câu nói cửa miệng “các anh chị không chỉ có quyền, mà còn phải có trách nhiệm nói ra vấn đề đó với tôi.”
Ông nói, khi ai đó khiến ông chú ý đến điều gì, ông đều thừa nhận và cùng họ suy nghĩ thấu đáo. Sau đó ông cảm ơn người góp ý cho mình. Đó là chiến thuật có chủ ý: Kim Scott, cựu Giám đốc điều hành của Google, nói với Make It vào năm 2017 rằng bà chứng kiến người đồng sáng lập Google Larry Page làm y như điều Lubetzky làm.
Scott nói: “Larry Page không chỉ cho phép [đồng nghiệp] thách thức mình, mà còn có vẻ thích thú với việc mình bị thách thức.”
Trên hết, bạn cần bảo đảm rằng mọi người xung quanh bạn đều đưa ra những thách thức, hoặc phản hồi, hay phản biện một cách tích cực, chứ không chống phá, Lubetzky nói.
“Không có con đường tắt nào cho việc đó,” Lubetzky kết luận. “Minh bạch, trung thực, giao tiếp cởi mở, nghĩ đến người khác và đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu, trên bất kỳ ‘cái tôi’ nào, thì đó là môi trường đáng tin cậy. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó.”