Một “khát khao” của người lao động: “Ngoài giờ làm việc, làm ơn để tôi yên!”

Sau khi rời văn phòng làm việc, chẳng ai muốn tiếp tục nghe điện thoại hoặc nhận email liên quan công việc (ảnh: annie-spratt-unsplash)

Gần như bất kỳ ai cũng từng quá mệt mỏi với những email và cuộc gọi của sếp sau giờ làm việc. Ở một số quốc gia (và sắp tới còn nhiều nước nữa), những hành vi “quấy rối” này đang bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Vấn nạn của cả thế giới

Một nhà lập pháp Kenya, một quản lý nhà hàng ở Pháp và một bộ trưởng Bồ Đào Nha có điểm gì chung gì? Họ là những người ủng hộ nhiệt thành quyền ngắt kết nối (right to disconnect) của người lao động sau giờ làm việc. Điều đó có nghĩa là không còn các cuộc gọi công việc khi bạn đang ăn tối với gia đình và bạn không phải nhận email cuối tuần từ sếp.

Đại dịch đã thay đổi cơ bản cả bản chất lẫn phạm vi của “đời sống công việc” với hai cụm từ phổ biến: “Great resignation” và “Quiet quitting”. Nhưng thật ra, cảnh báo về sự mệt mỏi của nhân viên kéo dài ra cả sau giờ làm việc đã xuất hiện trước coronavirus. Các chuyên viên lao động cho biết nhu cầu ngắt kết nối ngày càng trở nên cấp bách hơn với sự ra đời của hình thức làm việc từ xa và làm việc kết hợp (từ xa và tại văn phòng).

Khi nhà riêng biến thành văn phòng trong đại dịch, nhà lập pháp Kenya Samson Kiprotich Cherargei phát hiện ra thời gian làm việc của công nhân viên đã vượt quá mức quy định tối đa 52 giờ (6 ngày) mỗi tuần. Theo một dự luật mới sẽ được tranh luận tại Quốc hội trong tháng này, người sử dụng lao động ở Kenya có thể bị chặn liên lạc với người lao động sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần. Ông nói: “Trong thời đại của văn phòng ảo dẫn đến tình trạng rất mập mờ giữa thời gian làm việc trong ngày và thời gian nghỉ ngơi, điều quan trọng là phải tạo ra luật mới để bảo vệ sức khỏe tinh thần của người lao động, tránh tình trạng kiệt sức và thời gian cho gia đình của họ không bị đánh cắp”.

Nhưng không chỉ có Kenya, một số quốc gia khác, chủ yếu ở châu Âu cũng có luật bảo vệ nhân viên khỏi bị sếp làm phiền sau giờ làm việc. Pháp, nổi tiếng với tuần làm việc 35 giờ, đã đi tiên phong về luật này. Năm 2017, Pháp cho phép người lao động có quyền bỏ qua các kết nối liên quan đến công việc sau giờ làm việc, từ email đến gọi điện.

Tôi ra khỏi văn phòng rồi nhé! (minh họa: priscilla-du-preez-unsplash)

“Quyền ngắt kết nối”

“Điều tệ hại là các nhân viên ra khỏi văn phòng làm việc rồi nhưng công việc vẫn bám theo họ như dây xích điện tử buộc một con chó!” – nghị sĩ Đảng Xã hội Benoit Hamon “minh họa” vào thời điểm đó. “Ngắt kết nối” đã trở thành một lối sống không thể thiếu ở người lao động Pháp. Gwendoline Dessaux, 37 tuổi, quản lý tại một nhà hàng và trung tâm leo núi ở thành phố Strasbourg, không bao giờ mang theo điện thoại lúc đi nghỉ và năm nay chị cũng hướng dẫn nhân viên không liên lạc với sếp khi chị đi nghỉ dưỡng. “Tôi đã nói với các nhân viên, tôi hoàn toàn là của bạn từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu; nhưng thời gian còn lại, hãy để tôi yên!” – Dessaux nói.

Ý, Bỉ, Tây Ban Nha và Ireland đã theo chân Pháp; Bồ Đào Nha cũng vậy từ cuối năm 2021. Ana Catarina Mendes, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Quốc hội của Bồ Đào Nha, nói với tờ The Washington Post qua email: “Đại dịch đã khiến nhu cầu về một đạo luật như vậy trở nên cấp bách. Dù còn quá sớm để đánh giá tác động của luật này, nhưng các công ty, người lao động và các cơ quan giám sát hiện đã nhận thức rõ hơn về thực tế mới”.

Các chi tiết cụ thể của luật “quyền ngắt kết nối” (right to disconnect law) hơi khác giữa các quốc gia. Ở Bỉ, quyền ngắt kết nối được trao cho nhân viên chính phủ, trong khi ở Bồ Đào Nha, nó áp dụng cho cả các công ty có hơn 10 nhân viên. Những ai vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Theo đề xuất của Kenya, luật mới (vẫn chờ Quốc hội thông qua) quy định người lao động sẽ được trả thêm tiền nếu đồng ý tương tác với người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc nhưng được bảo vệ khỏi bị trừng phạt nếu họ bỏ qua mệnh lệnh hay yêu cầu của sếp. Tại Canada, tỉnh Ontario cũng có chính sách tương tự; và Tháng Mười Hai, bang Queensland của Úc đã cấp quyền ngắt kết nối kỹ thuật số (digital disconnection right) cho các giáo viên.

Để không còn xảy ra “Sự từ chức vĩ đại” và “Sự bỏ việc thầm lặng”

Ariane Ollier-Malaterre, giáo sư quản lý tại Đại học Quebec ở Montreal, đồng tác giả của một bài viết gần đây về quyền ngắt kết nối, nhận định: “Tách rời hoàn toàn khỏi công việc có nghĩa là người lao động có thể tham gia vào một hoạt động khác mà không cảm thấy có lỗi là chưa hoàn thành một công việc nào đó vừa được giao. Khi cảm thấy có lỗi hoặc bị ám ảnh về công việc chưa hoàn thành, họ không bao giờ có cơ hội nghỉ ngơi thực sự để bổ sung ‘năng lượng cần thiết’ để quay trở lại làm việc tâm thế hưng phấn, tận hiến và sáng tạo”.

Minh họa: alesia-kazantceva-unsplash

Thế giới việc làm đã thay đổi nhiều trong năm 2022, sau đại dịch. Nhưng ở các quốc gia như Mỹ và Ấn Độ, cuộc tranh luận lại không tìm được sức hút rộng rãi. Tại Hội đồng Thành phố New York, một dự luật xem việc các nhà tuyển dụng tư nhân yêu cầu nhân viên kiểm tra và trả lời email ngoài giờ làm việc là bất hợp pháp đã không được thông qua vào năm 2018.

Cristina Banks, Giám đốc Trung tâm liên ngành về “nơi làm việc lành mạnh” tại Đại học California ở Berkeley, cho biết: “Tại Mỹ, cuộc tranh luận về vấn đề này bị cản trở vì lý do chính trị hơn là văn hóa”. Bà nói:

“Sự chia rẽ chính trị mà chúng ta đang trải qua ngày hôm nay đã không cho phép tranh luận trung thực và có ý nghĩa về các biện pháp bảo vệ người lao động sau giờ làm. Hiện vẫn còn một quan niệm sai lầm cho rằng nếu để đời sống công việc thoải mái, người lao động sẽ trở nên lười biếng. Nghĩ thế là sai vì các tài liệu nghiên cứu trong nhiều thập niên qua đều kết luận: năng suất cao nhất đến từ những người lao động khỏe mạnh, cảm thấy an toàn và hạnh phúc”.

Ở Kenya, hiệp hội người sử dụng lao động phản đối dự luật được đề xuất, nêu lý do rằng “nó sẽ dẫn đến tình trạng vô kỷ luật tại nơi làm việc” (theo truyền thông địa phương). Nhưng đối với nhiều người lao động, luật mới không xấu mà sẽ tạo ra một môi trường làm việc không chỉ thuận lợi cho công việc hơn mà còn khiến họ ở lại công ty lâu hơn.

Daniel Mwangi, 37 tuổi cho biết anh đã thôi chức giám đốc bán lẻ ở thủ đô Nairobi vào năm 2021 chỉ vì ‘chán ngấy’ với những email nhận lúc 4 giờ sáng, 9 giờ tối và các cuộc gọi bất thường từ sếp. Anh nhớ lại: “Tôi bắt đầu sụt cân và thường xuyên lo lắng. Cuối cùng tôi quyết định bỏ cuộc và chuyển sang kinh doanh tự do. Tôi thuộc số người ủng hộ mạnh mẽ quyền ngắt kết nối. Mọi người chỉ tập trung tốt hơn khi họ không gặp căng thẳng và không phải làm việc 24/7”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: