Có một số chiến thuật giảm giá mạnh mà các nhà bán lẻ thường sử dụng để lôi kéo người mua. “Thật ra đó chỉ là mánh lới tiếp thị chứ chẳng giảm giá gì cả!” – một chuyên gia tiêu dùng nói.
Tất cả chiêu lừa đều để tăng doanh số
Người mua không khó để tìm được “giá tốt” vào thời điểm này nhưng thách thức là họ không hiểu đây có thật là tốt hay chỉ là trò ma mãnh của những người bán hàng. Trong mùa nghỉ lễ năm nay, nhiều nhà bán lẻ đã tăng tốc “dội bom” các hộp thư đến của những khách hàng bằng cách tuyên truyền “các đợt giảm giá kịch sàn” vào ngày Black Friday và hơn nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cảnh báo:
“Nhiều công bố giảm giá không giống như vẻ ngoài hấp dẫn của chúng. Giảm giá 30, 40 và 50% đôi khi chỉ đơn giản là… quay trở lại và đưa giá trở về điểm xuất phát trước khi tăng, một thủ thuật sẽ khiến bên bán gặp rắc rối pháp lý nếu vi phạm những nguyên tắc bán hàng”.
Jie Zhang, giáo sư tiếp thị tại Đại học Maryland, giải thích: “Người bán tăng giá rồi sau đó đưa ra những mức giảm giá sâu để thôi miên người mua. Nhưng thật ra họ chẳng giảm gì cả mà chỉ là một cách ‘làm giá’ có mùi lừa đảo!” – dẫn lại từ The Washington Post.
Các nhà bán lẻ phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn trong mùa mua sắm nghỉ lễ năm nay khi lạm phát vẫn tăng cao, thị trường lao động bớt nóng và những khoản trợ cấp, tiết kiệm thời đại dịch đã cạn kiệt. Ngành sản xuất công nghiệp đang chuẩn bị cho một mùa làm ăn bình thường sau khi doanh số bán lẻ giảm trong Tháng Mười (giảm đầu tiên kể từ Tháng Ba), một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã mệt mỏi trước giá lên.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation) dự kiến chi tiêu sẽ tăng từ 3 đến 4% trong Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai, thậm chí chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước. Dù đợt giảm giá trong dịp nghỉ lễ đã diễn ra từ nhiều tuần nay nhưng Adobe Analytics dự đoán các đợt giảm giá tốt nhất sẽ diễn ra trong vòng năm ngày cuối tuần lễ Thanksgiving, đặc biệt là vào hai ngày Black Friday và Cyber Monday.
Theo cuộc thăm dò mới của Shopify-Gallup, 86% người tiêu dùng dự định mua sắm trong những ngày đó và 16% cho biết sẽ chọn mua sắm tại cửa hàng bán lẻ nào có ưu đãi và khuyến mãi tốt hơn. Nhưng coi chừng người mua đang sa vào chiến thuật đánh lừa của người bán nếu cứ tưởng luôn nhận được mức giá tốt hơn bình thường. Kiểu lừa này thường liên quan đến một mặt hàng cụ thể, như TV màn hình phẳng bị đẩy giá lên trong một thời gian ngắn rồi giảm giá xuống giá… ban đầu kèm tuyên bố “TV đang có đợt giảm giá mạnh với thời gian có hạn”.
Đôi khi chiêu lừa trắng trợn hơn: Tự đưa ra mức giá đã giảm trong khi chẳng ai biết giá ban đầu là bao nhiêu! “Chiến thuật này được sử dụng khá thường xuyên và người tiêu dùng rất khó phát hiện vì không có ai rảnh để theo dõi biểu đồ giá lên xuống” – Zhang nói. Khi nghiên cứu tại tám công ty, các nhà nghiên cứu phát hiện hơn một nửa số mặt hàng họ theo dõi được thay đổi giá như hàng tuần làm người mua bị đưa vào ma trận, không rõ giá thực của món hàng là bao nhiêu!”.
Luc Wathieu, giáo sư tiếp thị tại Đại học Georgetown, xem đây là mánh bán hàng khá hiệu quả vì người mua thường mù tịt về giá hàng. “Người tiêu dùng không biết mức giá phù hợp là bao nhiêu, họ chỉ biết sử dụng các thông tin từ người khác để xác định mức giá hiển thị trước mắt có phải là tốt nhất chưa”. Nhưng “tốt” chỉ là bước đầu tiên. Bước tiếp theo là so sánh giá cả chứ đừng mua liền.
Khó làm gì được nhiều, khi bị lừa
Tháng Mười Một 2023, Google đã công bố một tính năng giúp cho việc so sánh giá giữa các cửa hàng dễ dàng hơn. Blog của công ty cho biết người mua hàng giờ đây có thể xem lịch sử giá của sản phẩm khi tìm kiếm trên Google và xem “xu hướng chung về giá cả hàng hoá”. Ngoài ra còn có một trang mới sẽ thông báo cho bạn nếu sản phẩm bạn đã tìm kiếm trước đó đang được giảm giá hoặc có khuyến mãi từ nhà bán lẻ.
Nếu bạn đang mua sắm trên Amazon, hãy thử hai trang web CamelCamelCamel và Keepa để có cái nhìn sâu hơn về lịch sử giá của một mặt hàng. Một số tiện ích mở rộng của trình duyệt như Rakuten và Honey sẽ “gắn cờ” nhắc bạn nếu trang bán hàng khác đưa ra mức giá thấp hơn. Wathieu khuyên: “Khớp giá là công cụ tuyệt vời khi mua sắm. Nghiên cứu nhiều nhà bán lẻ để xem liệu cửa hàng nào có mức giá thấp hơn. Bất kỳ chiến thuật nào giúp người tiêu dùng tận dụng sự cạnh tranh đều là tốt cho việc mua sắm”.
Nhiều người cảm thấy rất hưng phấn và thích thú khi kiếm được một món “hời”, và thái độ này không qua mắt được các nhà bán lẻ. “Người mua hàng sẽ bị thôi thúc mua hơn nếu họ cảm thấy cấp bách, hàng khan hiếm hoặc độc quyền – Zhang nói – Tạo được hiệu ứng tâm lý này có lợi cho bên bán. Nó rất mạnh mẽ và chắc chắn, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà bán lẻ sử dụng chiến thuật đo và bao giờ họ cũng thành công”. Điều tương tự cũng xảy ra khi người tiêu dùng được thông báo một chiếc áo len chất lượng trị giá $80 nay hạ xuống chỉ còn $40 – Wathieu nói – Họ thích thú vì nhận được một món hời cho một thứ thường đắt tiền”.
Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission-FTC) có những hướng dẫn quy định việc định giá lừa đảo là bất hợp pháp nhưng từ thập niên 1970 đã ngưng thực thi. Nếu còn thực thi, người bị lừa cũng rất khó chứng minh mình bị lừa.
Henry Noye, luật sư kiện tụng có trụ sở tại Philadelphia tại Obermayer giải thích: “Người khiếu kiện phải ghi lại giá bán của người bị kiện đối với một sản phẩm cụ thể trong một khoảng thời gian và phải chứng minh người này thường xuyên buôn bán gian lận. Những vụ kiện như thế chỉ có thể thực hiện ở quy mô lớn với số đông”. Điển hình là vụ kiện tập thể đang diễn ra ở California, trong đó công ty J.C. Penney bị cáo buộc “định giá không có cơ sở chứng minh”. Foot Locker phải đối mặt với một vụ kiện tập thể khác ở New York vì “cố tình tạo ra sự khan hiếm giả tạo đối với sản phẩm” khi nói dối rằng hàng sắp hết. Old Navy và Boohoo đã phải dàn xếp trong hai năm qua vì đẩy giá lên quá cao.