Tình trạng thiếu đường đe dọa sản xuất kẹo trước mùa lễ hội Halloween khi các nông dân, công ty chế biến đường và các công ty sản xuất kẹo bị… dính vào cuộc tranh luận liên quan một chính sách nông nghiệp, trong đó yêu cầu các công ty sử dụng đường nội địa.
Nguy cơ có thực
Giá cả tăng vọt và tình trạng thiếu đường khiến các nhà sản xuất kẹo que, kẹo đậu phộng giòn và kẹo mút có vị chua như ngồi trên đống lửa! Một giám đốc điều hành công ty kẹo than thở: “Nguồn cung đường khan hiếm đang đẩy chi phí của sản xuất kẹo lên cao khiến chúng tôi phải cắt giảm sản lượng” – Wall Street Journal cho biết. Theo ông, gốc rễ của vấn đề nằm trong chính sách bảo vệ nông dân, trong đó buộc ít nhất 85% lượng đường mua phải từ các công ty chế biến trong nước.
Hệ quả là nguồn cung khan hiếm và giá cao khi nhu cầu tăng cao trước mùa Halloween. Nông dân và các công ty chế biến đường biện bạch: “Chính sách dùng đường trong nước là để bảo vệ sinh kế của nông dân đồng thời hỗ trợ hoạt động chế biến đường nội địa trong tình hình phải cạnh tranh gay gắt với đường giá thấp ngoại nhập”. Công ty Spangler Candy ở Bryan, Ohio thường sản xuất khoảng 250 triệu cây kẹo mỗi năm nhưng Chủ tịch Spangler Kirk Vashaw bộc bạch:
“Trong năm qua, việc nhà cung cấp cắt giảm lượng đường do nguồn cung đường nội địa thiếu đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi phải từ chối các đơn đặt hàng kẹo Halloween do không thể đáp ứng. Công ty cũng khó phục hồi sản xuất kịp mùa Christmas. Vào thời điểm này sản xuất kẹo tại Mỹ tốn kém hơn rất nhiều và chúng tôi mất nhiều cơ hội kinh doanh”.
Trong vài tháng qua, công ty kẹo Atkinson Candy ở Texas đã chật vật tìm nguồn đường cho các đơn đặt hàng còn lại của năm như kẹo cứng, caramen và kẹo đậu phộng giòn. Chủ tịch công ty Eric Atkinson nói: “11 nhà cung cấp cho chúng tôi biết là họ đã hết đường! Chúng tôi phải tìm nguồn cung cấp từ Colombia nhưng vẫn thiếu”.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá đường mía thô của Mỹ đã tăng lên 42.56 cent/pound trong Tháng Năm, mức cao nhất kể từ Tháng Một 2011. Đường củ cải tinh chế ở Trung Tây đã lên tới 62 cent/pound vào tháng Năm. Theo công ty cho vay nông nghiệp Rabobank, năm 2022 giá đường củ cải tinh luyện đạt mức cao trong lịch sử và người mua đã bắt đầu dự trữ đường, cảng đẩy giá lên cao.
Hơn nữa, USDA giải thích: “Giá củ cải đường tăng mạnh là do lo ngại về sản lượng ở Mỹ và Mexico không đáp ứng hạn ngạch xuất khẩu. Mexico cũng có giá đường cao kỷ lục. Nguồn cung khan hiếm trên toàn thế giới và những biến động về thời tiết sẽ giữ giá đường Mỹ tiếp tục ở mức cao”. Hai nhà sản xuất đồ ăn nhẹ và đồ ngọt Hershey và Mondelez với các nhãn hiệu như Reese’s Peanut Butter Cups và Sour Patch Kids, cũng phải chật vật với giá đường cao đẩy chi phí lên.
USDA cho biết, tổng nguồn cung đường của Mỹ dự kiến sẽ giảm 2.3% trong niên vụ tới. Rabobank cho biết việc có được nguồn cung đường (đặc biệt là củ cải đường) không hề dễ dàng. Hầu như tất cả củ cải đường của niên vụ 2023-2024 đã được bán hết bằng các hợp đồng sớm. Đường củ cải chiếm khoảng 56% sản lượng đường nội địa, phần còn lại là đường mía.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Theo chính sách nông nghiệp của Mỹ, người mua được phép nhập khoảng 15% lượng đường cần dùng hàng năm với mức thuế 3.66 cent/kg cho đường tinh luyện. Mua đường tinh luyện sản xuất ở nước ngoài vượt quá ngưỡng đó sẽ chịu mức thuế cao tới 35.74 cent/kg.
Hạn ngạch thuế suất tương tự cũng được áp dụng cho đường mía thô, xi-rô đường và các sản phẩm có chứa đường. Hiệp hội Bánh kẹo Quốc gia (National Confectioners Association) đại diện cho hơn 500 công ty sử dụng đường, nhà môi giới và nhà cung cấp, đang vận động thay đổi chính sách về đường của chính phủ.
Christopher Gindlesperger, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề công cộng của hiệp hội nêu lý do: “Chỉ có thay đổi mới làm tăng được nguồn cung khi nhu cầu cao. Chúng tôi đang tiếp xúc với các ủy ban nông nghiệp của Hạ viện và Thượng viện cũng như các tổ chức liên quan, kể cả nông dân trồng mía”.
Hiệp hội đặt mục tiêu sửa đổi Dự luật Nông trại (Farm Bill) liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp. Về phần mình, Liên minh Mía đường Hoa Kỳ (American Sugar Alliance-ASA) một tổ chức của các nhà chế biến đường và các nông dân trồng mía, trồng củ cải đường, phản bác rằng, chính sách nông nghiệp hiện có không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng giá đường và thiếu đường, mà do các chính phủ nước ngoài trợ cấp cho đường sản xuất ở nước họ để giữ giá thấp một cách giả tạo, đe dọa cuộc sống của nông dân Mỹ.
Nate Hultgren, một nông dân thế hệ thứ tư ở tiểu bang Minnesota và là Chủ tịch Hiệp hội Những người trồng Củ cải đường (American Sugarbeet Growers Association-ASGA), nói: “Thật xúc phạm khi các công ty trị giá hàng tỷ đôla với lợi nhuận cao ngất ngưởng khóc lóc trước Quốc hội để nhờ giúp sửa đổi chính sách hỗ trợ nông dân Mỹ, trong đó có gia đình tôi”.
ASA lập luận: “Chính sách liên bang hiện tại vẫn cho phép những người sử dụng đường nhập khẩu những gì họ cần từ nước ngoài với mức thuế cao”. Theo các nông dân trồng mía ở Texas, chính sách đường của Hoa Kỳ đã tạo ra hơn 2,000 việc làm ở tiểu bang, nơi hạn hán đang hoành hành.
Chủ tịch John Brooks Jr. của công ty kẹo Adams & Brooks ở California nhận xét: “Giá đường có thể cao gấp đôi tuỳ vị trí, chất lượng và loại. Thị trường quốc tế được tự do di chuyển đường từ nơi thừa đến nơi thiếu với giá cả và thuế bình thường. Nhưng điều đó là không thể làm được tại Mỹ do chính sách liên bang”.
Để thích nghi với thực trạng, Spangler Candy (sử dụng khoảng 30 triệu pound đường hàng năm) tận dụng thời gian giảm sản xuất do thiếu đường để tập trung bảo trì máy móc. Công ty cũng chuyển một số hoạt động sản xuất sang một nhà máy ở Mexico, nơi không gặp bất kỳ vấn đề nào về đường.