Phụ nữ Mỹ đang bắt kịp nam giới về khoản uống rượu. Đã tăng trong hai thập niên qua, nay đại dịch còn giúp việc sử dụng rượu tăng vọt ở nữ giới.
Khi đệ tử Lưu Linh là nữ giới
Phụ nữ Mỹ đang thu hẹp khoảng cách giới trong việc uống rượu. Một số phụ nữ lý lẽ họ uống rượu nhiều hơn trong đại dịch là do bị căng thẳng khi phải tù túng trong nhà. Dù đàn ông vẫn uống nhiều rượu hơn phụ nữ và có tỷ lệ tử vong vì rượu cao hơn, nhưng các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng cảnh báo: Phụ nữ Mỹ nói chung đang bám sát nút và thu hẹp đáng kể bất bình đẳng giới về… rượu!
Các ca phụ nữ cấp cứu, nhập viện và tử vong liên quan rượu cũng tăng nhanh hơn nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ uống nhiều rượu dễ bị viêm gan, bị bệnh tim và một số bệnh ung thư. Dawn Sugarman, nhà tâm lý học tại Bệnh viện McLean và trợ lý giáo sư tâm lý học tại Trường Y Harvard cho biết: “Từng có khoảng cách lớn khi nói đến uống rượu và rối loạn sử dụng rượu giữa hai giới tính. Nhưng nay khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể”.
Wall Street Journal cho biết, Aaron White, Cố vấn khoa học cấp cao của Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism-NIAAA) lưu ý: “Trong vài thập niên qua, tình trạng uống rượu trong phái nữ đã tăng nhiều nhất ở độ tuổi 30, 40. Tỷ lệ uống rượu ở các cô gái tuổi teen đang giảm, nhưng sẽ tăng lên khi họ bước sang tuổi 20”.
Việc uống rượu say ở phụ nữ đã không còn bị xã hội đánh giá nhiều và phổ biến đến nỗi nó gần trở thành một “nghi thức trưởng thành” ở nhiều trường đại học. Một bác sĩ cảnh báo: “Trong những năm gần đây, văn hóa uống rượu của nữ giới đã leo thang, nhất là trong đại dịch. Họ uống nhiều hơn để đối phó với căng thẳng”.
“Uống bao nhiêu rượu mới là nhiều?”, câu hỏi được thảo luận phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Có không ít người cho rằng uống rượu vừa phải (vừa phải hiểu tuỳ mỗi người) có thể là một phần của cuộc sống thú vị và lành mạnh. Các hướng dẫn về chế độ ăn uống của liên bang khuyến nghị phụ nữ chỉ nên uống một ly hoặc ít hơn mỗi ngày (hoặc hoàn toàn không uống). NIAAA định nghĩa phụ nữ uống nhiều rượu là uống hơn ba ly một ngày hoặc hơn bảy ly một tuần.
Trong các dấu hiệu cảnh báo uống rượu “đã trở thành vấn đề đáng quan tâm” chứ không còn là thú vui, gồm có uống dây dưa, uống nhiều hơn dự định, hoặc thấy “thiếu thiếu” khi không có rượu. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa JAMA Network Open cho thấy, năm 2020, trong thời gian lockdown vì đại dịch, số phụ nữ uống quá mức (bốn ly trở lên trong vài giờ) đã tăng đáng kể, tức tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Một nghiên cứu tiếp theo kiểm tra mức tiêu thụ rượu từ Tháng Năm, 2020 đến Tháng Ba, 2021 phát hiện rằng nam giới uống ít hơn trong khoảng thời gian này trong khi phụ nữ vẫn uống như cũ.
Rượu ảnh hưởng xấu đến phụ nữ nhiều hơn nam giới
Một nghiên cứu xuất bản Tháng Bảy trên JAMA Network Open cho thấy khi phân tích dữ liệu từ hơn 600,000 ca tử vong liên quan rượu từ 1999 đến 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy số ca tử vong liên quan rượu tăng nhanh ở phụ nữ hơn nam giới.
Ibraheem Karaye thuộc Đại học Hofstra và là tác giả chính của nghiên cứu này giải thích:
“Nam giới chết vì rượu nhiều hơn phụ nữ, nhưng tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu trung bình của phụ nữ đã tăng 14.7% mỗi năm kể từ 2018 so với 12.5% ở nam giới. Đáng lo ngại hơn nữa là phụ nữ chết với tỷ lệ cao hơn trong những năm gần đây. Phụ nữ có xu hướng lưu trữ nhiều chất béo trong cơ thể hơn nam giới. Mỡ chứa ít nước hơn cơ nên cơ thể phụ nữ thường chứa ít nước hơn. Sự khác biệt đó có nghĩa là cơ thể phụ nữ bị rượu tác động nhanh hơn”.
Tiến sĩ G. Scott Winder, bác sĩ tâm thần chuyên điều trị sức khỏe tâm thần cho những bệnh nhân đang chờ ghép gan hiện làm việc tại khoa gan của Đại học Michigan, cảnh báo:
“Phụ nữ có lượng estrogen cao hơn nam giới và loại hormone này làm cho các tế bào và mô của gan dễ bị tổn thương do rượu hơn. Các bệnh gan liên quan đến rượu phổ biến hơn ở phụ nữ lứa tuổi 20 và 30, đặc biệt là trong và sau đại dịch. Sẹo gan phát triển từng là căn bệnh điển hình của nam giới ở độ tuổi 60, nhưng nay cũng trở thành căn bệnh của phụ nữ ở độ tuổi 30”.
Tiến sĩ Akhil Anand chuyên khoa tâm thần do nghiện rượu tại phòng khám bệnh gan liên quan đến rượu của bệnh viện Cleveland Clinic cho biết ông thấy số bệnh nhân nữ nhiều hơn bao giờ hết và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia “lướt sóng” (từ để chỉ việc tăng “đô” rượu chỉ trong một thời gian ngắn). Có điều, nhiều bác sĩ vẫn chưa ghi nhận thực tế này.
Tháng Ba qua, tạp chí Addiction công bố một nghiên cứu: Nhiều bác sĩ không hỏi bệnh nhân nữ của họ có uống rượu không. Phòng nghiên cứu Kaiser Permanente Northern California kiểm tra gần 300,000 hồ sơ bệnh nhân và phát hiện các bác sĩ đặc biệt ít để ý đến rượu khi khám bệnh nhân nữ trung niên so với nam giới cùng tuổi. Có vẻ nhiều bác sĩ mặc định rằng, đã là phụ nữ thì không uống rượu nhiều nên rượu bị loại ra khỏi các nguyên nhân gây bệnh.