Chuyển đổi nghề nghiệp ngày càng phổ biến. Cho dù bạn đang muốn chuyển đổi ngành, thăng tiến trong lĩnh vực hiện tại hay khám phá một con đường hoàn toàn mới, việc tìm kiếm niềm đam mê của bản thân và điều hướng những chuyển đổi này là một quá trình khó khăn nhưng hữu ích.
Trước đây, mỗi lần nghe nói đổi nghề, người ta thường nghĩ đến khía cạnh không hay cho lắm. Làm tệ quá nên mới phải đổi nghề, hay chắc là dính tới “xì-căng-đan” nào đây, nên không còn được làm chỗ cũ nữa, đại loại là vậy.
Nhưng thời buổi hiện nay thì khác rồi. Một chỗ khác lương cao hơn, đổi việc! Nghề đang làm không còn phù hợp, đổi nghề! Tìm kiếm niềm đam mê, đổi nghề!
Nếu bạn chỉ mới nhen nhóm trong đầu là sẽ đổi nghề, bạn cũng sẽ cần những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia, vì là những lời khuyên có giá trị, giúp bạn định hướng quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình.
Trước khi đưa ra quyết định là sẽ chuyển đổi nghề nghiệp, bạn nên suy nghĩ thật kỹ, vì đó là điều cần thiết. Sai một li, đi một dặm. Bạn hãy dành thời gian để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và sở thích của bản thân mình. Điều gì khiến bạn trở nên hào hứng và có động lực? Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Xác định những khía cạnh này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về niềm đam mê thực sự và đưa ra quyết định sáng suốt về con đường sự nghiệp của bản thân mình.
Nghiên cứu cũng là một bước quan trọng trong việc tìm kiếm một niềm đam mê và định hướng quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Tìm hiểu sâu rộng về các ngành hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm, hiểu rõ thị trường việc làm và xác định các kỹ năng và trình độ cần thiết.
Hơn nữa, học hỏi từ các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực bạn đang hướng tới, sẽ mang lại cho bạn những kiến thức và cơ hội vô giá. Tham dự các sự kiện trong ngành, tham gia cộng đồng trực tuyến và kết nối với các cố vấn để tích lũy kiến thức và xây dựng mối quan hệ.
Một khi đã xác định được niềm đam mê của mình, bạn cần học hỏi những kỹ năng mới hoặc nâng cao những kỹ năng hiện có. Đầu tư vào học tập, đào tạo hoặc các chứng chỉ phù hợp với con đường sự nghiệp bạn đã chọn. Đây là bước rất cần thiết để trở thành một ứng cử viên “nặng ký” và tăng cường sự tự tin trong quá trình điều hướng quá trình chuyển đổi.
Kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng là một lộ trình dẫn đến mọi thành công. Đặt mục tiêu rõ ràng, nằm trong tầm tay và vạch ra các bước cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch của bạn nên bao gồm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, mốc thời gian và chiến lược để vượt qua những thách thức tiềm ẩn. Việc có một kế hoạch chi tiết sẽ giúp bạn tập trung và có động lực hơn trong quá trình chuyển đổi.
Quá trình chuyển đổi nghề nghiệp thường không chắc chắn và dễ dàng bị thay đổi. Điều cần thiết là phải đón nhận những chuyển biến này và cởi mở với những trải nghiệm mới. Sẵn sàng bước ra khỏi phạm vi của bản thân, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau và luôn kiên cường khi đối mặt với những thất bại.
Đôi khi sự thay đổi cũng đáng sợ lắm chứ chẳng phải chơi, nhưng đó cũng là cơ hội phát triển, mà nếu không “đi”, bạn sẽ không “tới”.
Nhưng quá trình chuyển đổi nghề nghiệp thường là một hành trình đơn độc, mà đôi khi bạn phải tự mình nhận định, đánh giá và quyết đoán mọi việc. Tuy vậy, bạn đừng ngại tìm đến những sự giúp đỡ xung quanh.
Đó có thể là gia đình, bạn bè, người cố vấn, chuyên gia về hướng nghiệp,… Họ có khả năng đưa ra những lời khuyên, sự động viên có giá trị và một góc nhìn khác về hoàn cảnh của bạn. Ngoài ra, đừng ngần ngại yêu cầu trợ giúp khi cần, như là giúp tìm kiếm việc làm, phát triển kỹ năng hay hỗ trợ về mặt tinh thần.
Tìm kiếm niềm đam mê và điều hướng quá trình chuyển đổi nghề nghiệp đầy thách thức, nhưng sẽ viên mãn nếu bạn thành công. Nó đòi hỏi sự tự phản ánh, nghiên cứu, phát triển kỹ năng, lập kế hoạch, khả năng thích ứng và hỗ trợ.
Con đường sự nghiệp của bạn là một quá trình năng động và phát triển, và không bao giờ là quá muộn để khám phá những cơ hội mới và theo đuổi những ước mơ của chính mình.
Chúc bạn thành công!
(theo Medium)