Nếu một đầu đạn hay quả bom hạt nhân lao xuống đất Mỹ, người dân trong phạm vi ảnh hưởng sẽ có 30 phút hoặc ít hơn để tìm nơi trú ẩn an toàn. Bạn làm gì trong “thời gian vàng” này để bảo tồn sinh mạng?
Đã có nhiều lo ngại về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đạt được mục tiêu của mình khi bị đẩy đến bước đường cùng mà kho vũ khí quy ước không thể giải quyết được.
Khi các lực lượng Nga chịu tổn thất trên chiến trường ở Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại Putin, người đã liên tục đưa ra những lời đe dọa, có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân để giữ thế thượng phong. Các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ thuộc số người đã nói về nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cảnh báo Nga không nên vượt qua làn ranh đỏ đó.
Trong khi Putin tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ lãnh thổ Nga (gồm cả các khu vực Ukraine mới sáp nhập vô pháp) và khẳng định ý đồ sẵn sàng leo thang hạt nhân không phải là trò lừa bịp, ông ta lại cáo buộc phương Tây “tống tiền hạt nhân vô căn cứ”.
Dù các quan chức Mỹ cho biết đến nay vẫn không có bằng chứng Nga đang di chuyển bất kỳ vũ khí hạt nhân nào, nhưng vào ngày 6 Tháng Mười, Tổng thống Joe Biden nói về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Nhắc lại lần nữa trong một cuộc phỏng vấn của CNN vào ngày 11 Tháng Mười, ông tin điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nếu “sai lầm” và “tính toán sai” thế giới sẽ kết thúc trong Ngày tận thế (Armageddon)”.
Một số chuyên gia xem tuyên bố cứng rắn của Putin là một nỗ lực nhằm kéo giảm sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, nhưng số người khác xem đó là “sự gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công hạt nhân”. Một nhà sử học nói nguy cơ còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Dù nhiều nhà quan sát đồng ý một cuộc tấn công hạt nhân rất khó xảy ra, nhưng họ thường thòng thêm câu “không có gì là không thể!”.
Hiện nay kho vũ khí hạt nhân của Nga có thể tấn công vào bất cứ nơi nào trên trái đất. Nếu Nga phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có đầu đạn hạt nhân vào Mỹ, người dân sẽ có khoảng 30 phút, hoặc ít hơn, để hy vọng sống sót tại nơi trú ẩn thích hợp nếu được cảnh báo ngay lập tức về cuộc tấn công. Vì một số vũ khí, chẳng hạn như tên lửa phóng từ tàu ngầm, đến mục tiêu nhanh hơn nên nếu Nga phóng vũ khí hạt nhân từ vùng biển quốc tế ngoài khơi Bờ Đông Hoa Kỳ, người dân ở các thành phố như New York, Boston và Washington, DC, chỉ có 10 đến 15 phút để chuẩn bị.
Vài phút đến vài giờ sau một vụ nổ hạt nhân được xem là “cửa sổ thiết yếu” để sống sót. Theo Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, khả năng bị phơi nhiễm phóng xạ sẽ giảm 55% sau một giờ và giảm 80% sau 24 giờ. Vì vậy, những phản ứng ngay tức thì trong giờ đầu tiên là hết sức quan trọng. Ví dụ che mắt hoặc tìm nơi an toàn trong nhà để che chắn, có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng do phóng xạ.
Dưới đây là cách bảo vệ bạn trong trường hợp xấu nhất.
30 phút đầu tiên: Tránh nhìn vào đám mây nổ và che mặt lại.
Irwin Redlener, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Columbia chuyên về ứng phó với thiên tai, nói với tờ The Business Insider hồi đầu năm nay, rằng Mỹ không có hệ thống cảnh báo đúng 100% về đe dọa hạt nhân. Hawaii học được bài học này vào năm 2018, khi Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii gửi một cảnh báo sai đến điện thoại thông minh của người dân để thông báo một tên lửa đạn đạo đang bay đến. “Tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải là cuộc diễn tập!” – cảnh báo gửi nhầm của một nhân viên tại cơ quan nêu rõ.
Ảnh chụp màn hình điện thoại cho thấy cảnh báo khẩn cấp tên lửa đạn đạo bay tới được tiếp theo bằng cảnh báo “sửa sai” cho biết đó chỉ là cảnh báo giả! “Nhưng chỉ chừng đó cũng đủ gây hỗn loạn,” Redlener nói. Trong khi một số người hoàn toàn phớt lờ, số khác rơi vào trạng thái hoảng loạn, có gia đình tìm cách nhảy xuống cống thoát nước!”.
Redlener cho biết cách tốt nhất để biết về một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra là qua truyền hình hoặc nghe radio. Ông nói: “Những người không xem được ngay tin tức có thể nghe tiếng còi, nhưng tiếng ồn dễ gây nhầm lẫn. Khi họ gọi cho sở cảnh sát để xác minh, thời gian sẽ không còn nhiều”. Cách đơn giản và hiệu quả nhất là coi chừng ánh mắt của bạn. Khi đầu đạn hạt nhân nổ nó tạo ra một tia sáng và quả cầu lửa màu cam khổng lồ. Một quả bom hạt nhân 1 megaton (lớn hơn khoảng 80 lần so với quả bom nguyên tử “Little Boy” thả xuống Hiroshima, Nhật Bản) sẽ làm mù tạm thời những người ở cách xa tới 13 dặm vào ngày quang đãng và xa tới 53 dặm vào ban đêm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyên bạn nên cúi người, úp mặt xuống và đặt hai tay dưới bụng để bảo vệ cơ thể khỏi các mảnh vụn văng xa hoặc luồng hơi nóng có thể làm bỏng da. Nếu bạn có khăn quàng cổ hoặc khăn tay, hãy che mũi, miệng. Nhưng đừng ngậm miệng, để màng nhĩ không bị vỡ do áp lực.
45 phút đầu tiên: Tìm nơi trú ẩn trong nhà hay nơi làm việc, tránh xa cửa sổ.
Một đầu đạn hạt nhân duy nhất có thể làm chết hàng chục ngàn, lên đến hàng trăm ngàn người ngay lập tức ở các thành phố lớn như New York hoặc Washington. Số thương vong phụ thuộc vào kích thước vũ khí, nơi nó được kích nổ và số người sống trong đám mây của vụ nổ. Các dư chấn của một cuộc tấn công hạt nhân kéo dài khoảng 15 phút trước khi các hạt phóng xạ giống như cát (gọi là bụi phóng xạ hạt nhân) rơi xuống mặt đất. Tiếp xúc với bụi này có thể dẫn đến ngộ độc phóng xạ, tàn phá các tế bào cơ thể và mất mạng.
Lý tưởng nhất là bạn nên tìm nơi trú ẩn ngược với hướng gió đến từ các tòa nhà trúng vũ khí hạt nhân. “Tránh gió càng xa càng tốt,” Redlener nói. “Ít nhất phải từ 10 đến 15 phút xa vị trí nổ và lập tức tìm nơi trú ẩn trước khi đám mây phóng xạ hạ xuống”.
Nơi trú ẩn tốt nhất là các tòa nhà như trường học hoặc văn phòng có ít hoặc không có cửa sổ, và tầng hầm. Nếu không có nhà kiên cố gần đó, ở trong nhà vẫn tốt hơn ra ngoài. Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà nhiều tầng, hãy tránh xa các tầng trên cùng. Nếu tòa nhà có cửa sổ, hãy đứng ở trung tâm căn phòng để tránh bị “văng miểng” vì sóng xung kích có thể phá vỡ các cửa sổ cách xa vụ nổ tới 10 dặm.
-24 giờ đầu tiên: Tắm thật kỹ và ở trong nhà, cho đến khi có thông báo mới. Theo Kathryn Higley, giáo sư khoa học hạt nhân tại Đại học tiểu bang Oregon, những giờ sau một vụ nổ là rất quan trọng để giảm phơi nhiễm phóng xạ. Các bác sĩ thường điều trị tổn thương do phóng xạ bằng các chất như kali iodua, dù có những giới hạn họ không thể làm gì được.
“Trong một thảm họa hạt nhân, gần như chắc chắn sẽ không có đủ bác sĩ và giường bệnh để chăm sóc cho tất cả mọi người,” Tara Drozdenko, Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu (Global Security Program) thuộc Liên minh Các nhà khoa học quan tâm (Union of Concerned Scientists) nói với The Business Insider. “Không có đủ giường bệnh ở khắp nước Mỹ để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân dù chỉ có một thành phố lớn bị tấn công!”
-Những người ở ngoài trời trong thời gian xảy ra vụ nổ dù không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng nên tắm càng sớm càng tốt với nước ấm và xà phòng thoa nhẹ nhàng lên khắp cơ thế. Nhớ đừng chà xát quá mạnh, sẽ làm da bị tổn thương. Nếu bị xước, đứt tay, nhớ băng kín lại trong khi tắm. Không sử dụng dầu xả, kem thoa hoặc kem dưỡng da mặt sau khi tiếp xúc với vụ nổ hạt nhân, vì những sản phẩm này có thể kết hợp với các hạt phóng xạ và thấm vào da, tóc của bạn. Bạn cũng cần hỉ mũi, lau tai, mí mắt, vì các mảnh vụn có thể bám vào những nơi này.
CDC cũng khuyến nghị nên niêm phong tất cả quần áo mặc ngoài trong một túi nhựa, cùng khăn giấy và bất cứ thứ vải nào dùng để lau cơ thể hoặc mặt. Theo CDC, những thực phẩm đựng trong túi kín, gói, chai hoặc lon là an toàn. Bạn cũng có thể ăn thức ăn để trong tủ lạnh, miễn là lau sạch đồ đựng, dụng cụ nấu nướng, quầy chế biến và các đồ dùng khác. Bỏ ngay những thứ gì không được che đậy, trái cây hoặc rau hái từ vườn, vì nó không an toàn.
Cuối cùng, trừ khi có yêu cầu đi ra ngoài hoặc thông báo nguy hiểm đã qua, tốt nhất bạn nên ở lại cho đến khi nguy cơ ô nhiễm giảm bớt. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến cáo người dân nên ở trong nhà ít nhất 24 giờ sau khi xảy ra vụ nổ hạt nhân.