Người Mỹ đang xài “xả láng sáng về sớm”?

Những chương trình ca nhạc như Taylor Swift | The Eras Tour với giá vé đắt đỏ cũng luôn ngập đầy khán giả (ảnh: John Shearer/TAS23/Getty Images for TAS Rights Management)

Những buổi đi xem show ca nhạc, những chuyến du lịch tốn kém và những chiếc túi xách hàng hiệu đang được nhiều người Mỹ ưu tiên hơn là tiết kiệm. Có gì “sai sai” trong xu hướng này vào thời điểm người Mỹ nên chi tiêu ít hơn, khi lãi suất vẫn còn tăng, lạm phát vẫn ở mức cao, khoản tiết kiệm trong đại dịch bị “hao mòn” dần và thị trường lao động không còn “nóng” như trước.

Tâm lý “không còn gì để mất!”

Wall Street Journal cho biết, thực tế cho thấy, bất chấp những tín hiệu cảnh báo của các nhà kinh tế; chi tiêu hộ gia đình, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia, vẫn khá mạnh mẽ. Người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn 5.8% trong Tháng Tám so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức lạm phát dưới 4%.

Nền kinh tế du lịch và trải nghiệm những miền đất mới đã bùng nổ vào mùa hè này, với hãng hàng không Delta Air Lines báo cáo doanh thu đạt kỷ lục trong Quý II và công ty phân phối vé sự kiện giải trí Ticketmaster bán được hơn 295 triệu vé trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn thấy xu hướng “tréo ngoe” này, các nhà kinh tế và cố vấn tài chính (thường xem việc người tiêu dùng đặt nhu cầu và mục tiêu ngắn hạn lên trên mục tiêu dài hạn là “điều bình thường”) đã phải lên tiếng cảnh báo “Hãy cẩn thận, thời nay đã khác!”.

Thị trường nhà đất đang căng thẳng khiến nhiều người tiêu dùng phải tạm quên đi những thứ họ tiết kiệm để mua. Đại dịch đã chứng minh, khi không có kế hoạch dài hạn liên quan đến sức khỏe, công việc và cuộc sống hàng ngày, thì chỉ cần một biến động bất ngờ là mọi thứ biến thành… công cốc.

Michael Liersch, lãnh đạo một bộ phận tư vấn thuộc ngân hàng Wells Fargo, nói về thế tiến thoái lưỡng nan: “Du lịch tốn kém không nên là một quyết định vội vàng dẫn đến hối tiếc sau này cho dù bạn có thể hối hận vì không làm điều đó”. Ông nhận định: “Còn quá sớm để đánh giá kiểu chi tiêu như ‘không có ngày mai’ này chỉ là thoáng qua hay đã trở thành bình thường mới”.

Thăm dò cho thấy, người tiêu dùng vẫn lo lắng về lạm phát khi giá nhiều mặt hàng cao hơn đáng kể so với vài năm trước. Ibby Hussain nhân viên tiếp thị của một công ty truyền thông tài chính tâm sự: “Căn hộ ở Brooklyn, New York mà tôi và hôn thê thuê với giá $3,000 một tháng sẽ cần đến $1 triệu để mua. Với thời giá hiện tại, có nghĩa là tôi phải trả thế chấp khoảng $5,000 một tháng sau khi đã trả trước $200,000, chưa gồm thuế tài sản”.

Shopping thả ga thôi, bệnh gì cữ! (ảnh: jacek-dylag-unsplash)

Vì vậy, thay vì tiết kiệm để dành tiền mua nhà như dự tính sau khi bước sang tuổi 30 (và đính hôn vào năm ngoái), Hussain quyết định… cứ tiêu xài xả láng. Đầu tiên, anh mua vé xem đêm diễn Taylor Swift Eras Tour giá $1,600 và sau đó chi $3,500 cho chuyến đi dự tiệc độc thân tại Ibiza, Tây Ban Nha. “Tôi nên tận hưởng những gì tôi có bây giờ” – anh biện bạch.

Từ 2020, nền tảng trực tuyến của ngân hàng Ally Bank bắt đầu cho phép khách hàng thành lập các nhóm tiết kiệm theo mục tiêu hướng đến. Ngân hàng cho biết đa số người dùng tạo ra các nhóm hướng đến những  trải nghiệm nhanh như du lịch một lần và giải trí kiểu “đánh nhanh rút gọn” hơn là tham gia các nhóm lên kế hoạch dài hạn và trải nghiệm định kỳ.

Mùa xuân qua, Lindsey và Darrell Bradshaw phải vay nợ thẻ tín dụng để tài trợ cho chuyến đi nghỉ ở Maui. Bộ đôi đặt chuyến chỉ vài tuần sau khi Lindsey, 37 tuổi, nghỉ việc để ở nhà chăm sóc toàn thời gian cho cậu con trai 8 tuổi. Darrell, một nhà thầu xây dựng 39 tuổi ở Seattle, giải thích: “Chúng tôi không có nhiều tiền, nhưng… thây kệ, tới đâu hay tới đó!”. Chuyến đi tốn khoảng $10,000 gồm ba vé máy bay $1,000 mua vào phút chót, 10 đêm tại khu nghỉ dưỡng 4 sao tốn $385 một đêm và một số bữa ăn thịnh soạn. Dù gia đình quyết định giảm số lần đi ăn bên ngoài để bớt một khoản tiền, họ khẳng định không hề hối tiếc về chuyến du lịch tốn kém.

Những lo ngại về khí hậu thay đổi cũng khiến một số người vội vã đi tham quan các địa điểm họ thích vì sợ chúng… biến mất bất ngờ. Trong cuộc khảo sát hàng tháng của Deloitte với 19,000 người tiêu dùng toàn cầu, biến đổi khí hậu là chủ đề duy nhất trong 19 mối quan tâm khác nhau mà những người được hỏi cảm thấy lo lắng hơn đáng kể trong năm 2022.

Trời kêu ai nấy dạ mà!

Josh Richner cho biết ông đã giảm mạnh khoản đóng hưu trí để trang trải cho một chuyến đi xuyên quốc gia, gồm chuyến du ngoạn đến Alaska tốn $7,000 để gia đình có thể nhìn thấy những chỏm băng tan chảy với tốc độ chóng mặt. Người đàn ông 35 tuổi thú nhận: “Trước đây, tôi chưa bao giờ tiêu tốn nhiều như thế cho một chuyến đi, một phần do đại dịch làm thay đổi nhận thức về tiết kiệm và nỗi lo sợ sức khỏe không còn cho phép”.

Khoảng sáu tháng trước, Richner và vợ quyết định bán nhà ở Columbus thuộc tiểu bang Ohio để đi du lịch khắp đất nước cùng hai con nhỏ. Làm việc cho Trung tâm Pháp lý Quốc gia (National Legal Center, một công ty luật giúp người tiêu dùng giải quyết nợ nần) ông biết rõ những hậu quả của việc sống theo cách “ưu tiên hiện tại”. Tuy nhiên, ông không lo lắng lắm. “Chúng tôi chưa đạt đến mốc là phải làm tất cả những gì mình thích nếu không thì quá muộn nhưng lại muốn thực hiện nó ngay bây giờ – ông bộc bạch – Tôi không còn quá lo lắng về tiền bạc như trước nữa. Tôi không ôm khư khư nó trong người”.

Thích đi đâu thì đi ngay, kẻo muộn! (ảnh: spencer-davis-unsplash)

Tăng mạnh chi tiêu vào thời điểm này là điều rất ngạc nhiên đối với những chuyên viên nghiên cứu về tiêu dùng. Trong cuộc khảo sát chi tiêu hộ gia đình SCE (SCE Household Spending Survey) vào Tháng Tám của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (New York Federal Reserve Bank), các hộ gia đình cho biết chi tiêu của họ tăng bình quân 5.5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện ít nhất một lần mua sắm lớn trong bốn tháng trước Tháng Tám đã tăng lên 64%, từ 57%, mức cao nhất kể từ Tháng Tám 2015. Wilbert van der Klaauw, cố vấn nghiên cứu kinh tế về chính sách công và hộ gia đình tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhận định: “Thông thường, khi lạm phát cao hơn và lãi suất cũng cao hơn, bạn không nghĩ hoạt động chi tiêu vẫn mạnh mẽ như thế”.

Thay vì chuyển tất cả số tiền thừa vào tài khoản nhà hoặc tài khoản hưu trí, Candice (nhà phân tích quản lý 26 tuổi ở Charlotte, North Carolina) và hôn thê Jasmine Kelly lại quyết định lập một “quỹ tiêu dùng” sau khi “giác ngộ” từ các đám tang liên tiếp họ chứng kiến cách đây vài tháng. Tâm lý của họ lúc này là “Nếu không chi tiêu bây giờ thì lúc nào mới chi?”. Bộ đôi bỏ thêm vài trăm đôla tiền lương mỗi tháng vào quỹ. Họ dùng số tiền này để ăn thử những món ngon trên thực đơn tại nhà hàng họ ưa thích và mua chiếc túi xách hàng hiệu mơ ước cho Jasmine.

Thay vì chờ đợi niềm vui khi nghỉ hưu, bộ đôi cho biết đang cố gắng làm điều ngược lại. “Chúng tôi muốn tận hưởng số tiền kiếm được khi còn trẻ cho dù có phải làm việc lâu hơn, nghỉ hưu muộn hơn – ông lý luận – Tất cả các quy tắc chúng ta có về tiền bạc và lối sống đều do con người tạo ra, là sản phẩm của con người. Vì vậy chúng tôi chuyển sang sống theo cách của mình. Thành thật mà nói, cách mới vui hơn trước nhiều!”.

Tuy nhiên, dù biện bạch cách nào, người tiêu dùng Mỹ không thể tiếp tục chi tiêu hào phóng như hiện nay. Các cuộc đình công của người lao động trong nhiều lĩnh vực như kỹ nghệ xe hơi và việc tái lập trả nợ vay của sinh viên đều có thể khiến họ co vòi lại. Giá xăng tăng cũng là trở ngại lớn cho thú vui lang thang ngoài đường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: