Xã hội tân tiến tạo nên nhịp điệu cuộc sống cũng bận rộn, vội vã, đôi khi khiến con người cảm thấy dễ mệt mỏi và căng thẳng, đặc biệt là phái nữ khi mà ngày nay, cả phụ nữ và đàn ông đều có trách nhiệm xã hội như nhau.
Cuộc nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Trung tâm Priory’s Wellbeing Centre ở London, Anh, chứng minh rằng phụ nữ thường căng thẳng, lo lắng và dễ bị trầm cảm hơn trong công việc so là với đàn ông, đặc biệt là phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi, theo báo The Guardian.
Phải chứng minh giỏi như nam giới
Tiến sĩ Judith Mohring, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết phụ nữ phải thường xuyên chịu áp lực khi đi làm bên ngoài, đồng thời áp lực làm sao để có thể cân bằng, dung hòa giữa công việc và cuộc sống gia đình. Điều này dễ khiến chị em mau kiệt quệ, bị stress cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đối với công việc, phái nữ phải đối mặt với việc làm sao chứng minh tài năng của mình giỏi như nam giới, và đôi khi phải làm việc nhiều hơn để có thể thăng chức và kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, những chị em có chức bậc cao như giám đốc, quản lý cấp cao trong một công ty có đa số đàn ông làm sếp, lại càng thấy áp lực cao hơn khi họ vừa phải cáng đáng công việc với trách nhiệm cao, và vừa phải lo lắng cho gia đình cả về mặt tài chính.
Một vấn đề khác nữa liên quan đến lương bổng từ nhiều năm qua. Hầu hết mọi lĩnh vực, đa số thu nhập của đàn ông thường cao hơn phụ nữ, điều này khiến chị em phải bỏ công bỏ sức nhiều hơn, thậm chí cả thời gian để phấn đấu leo lên mức thang sự nghiệp mà mình mong muốn.
Theo Cơ Quan Điều Hành An Toàn và Sức Khỏe Anh Quốc, từ tuổi 25 trở đi, phụ nữ sẽ cảm thấy căng thẳng hơn nhiều so với phái nam, và điều này sẽ tiếp tục như thế cho đến khi chị em về hưu.
Theo dữ liệu mà cuộc nghiên cứu đưa ra cho thấy, nam giới ở độ tuổi 16-24, 25-34 và 35-44 có tỉ lệ căng thẳng liên quan đến công việc thấp hơn đáng kể ở mức trung bình. Những nam giới có tỉ lệ căng thẳng cao rơi vào độ tuổi từ 45-54.
Ngược lại, phụ nữ ở độ tuổi 25-34, 35-44, và 45-54 đều có tỉ lệ căng thẳng cao hơn mức trung bình đáng kể, và mức độ này càng lúc càng cao hơn khi chị em kết hôn, mang thai và sinh con.
Trong đó, lĩnh vực về y tế và tài chính kinh tế là hai ngành nghề khiến phái nữ làm việc cảm thấy áp lực cao hơn các ngành nghề khác.
Đó là đối với công việc. Còn khi về nhà, người phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Mặc dù hiện nay xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, công việc trong gia đình chia đều cho cả hai vợ chồng, chị em vẫn gặp phải khó khăn trong việc cân bằng thời gian, tâm trí và sức lực cho công việc, gia đình và cả bản thân.
Ngoài ra, những thay đổi hormone trong cơ thể cũng là yếu tố gây trầm cảm cho các chị em. Chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh sớm hay những thay đổi trong người khi mang thai và sinh con sẽ làm cho tâm lý của người phụ nữ “lên xuống” thất thường, và dễ rơi vào trạng thái trầm uất và tiêu cực nếu như không có những lời động viên từ người thân hoặc từ chính bản thân.
Làm sao để phụ nữ bớt stress, giảm căng thẳng và cân bằng cuộc sống?
Trước tiên, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn lo âu và căng thẳng; nó xuất phát từ đâu, điều gì làm ảnh hưởng bạn và mức độ của nó trầm trọng như thế nào. Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân và vấn đề, bạn mới biết cách điều trị và kiểm soát chúng.
Bạn hãy dành thời gian cho bản thân mình, cho dù nhiều hay ít thì cũng phải dành ra mỗi ngày cho những nhu cầu cá nhân. Bạn có thể ngồi thiền khoảng năm phút, ghi nhật ký hoặc ngâm mình trong bồn tắm.
Trong tuần, bạn hãy dành thời gian ít nhất là ba ngày một tuần để tập thể dục, vận động tay chân để không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn tạo cơ hội cho tâm trí được thư giãn.
Bên cạnh đó, bạn hãy dành thời gian chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình với người thân, bạn bè. Việc nói ra những điều bên trong mình sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn.
Và cuối cùng là nếu bạn cảm thấy tình hình căng thẳng, lo âu của mình càng ngày trầm trọng, đừng ngần ngại mà hãy đi gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và chữa trị.