Sẽ sớm có vaccine ung thư?

Hình minh họa: pexels-chokniti-khongchum

Hai công ty Moderna và Merck đã cho thấy có sự tiến bộ lớn trong cuộc truy tìm vaccine ung thư. Một mũi tiêm mRNA là đủ để giúp ngăn ngừa tái phát ở những bệnh nhân ung thư da có nguy cơ cao (high-risk melanoma).

Tín hiệu tốt trong cuộc hành trình dài gian khổ

Kết quả giai đoạn giữa trong cuộc thử nghiệm vaccine ung thư do Moderna và Merck hợp tác thực hiệm để ngăn tái phát ung thư da nguy cơ cao đã chứng minh sự tiến bộ trong chặng đường dài tìm kiếm một loại vaccine ngừa được ung thư bằng cách kích thích hệ miễn dịch. 

Ngày 16 Tháng Tư, nhóm tham gia nghiên cứu cho biết khoảng 79% bệnh nhân melanoma nguy cơ cao được tiêm “vaccine cá nhân hoá” (personalized vaccine) của Moderna kèm liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) Keytruda của Merck vẫn sống sót và không bị ung thư sau 18 tháng được tiêm, so với khoảng 62% bệnh nhân chỉ được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. 

Cuộc thử nghiệm trên 157 người đã cung cấp một số bằng chứng mạnh mẽ cho thấy loại vaccine này có thể duy trì cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Jeffrey Weber, điều tra viên cấp cao của cuộc thử nghiệm và Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Perlmutter thuộc NYU Langone Health khá phấn khích và tin “thành công bước đầu sẽ mở ra một loạt thử nghiệm khác tiếp theo”. 

Moderna và Merck cho biết sẽ mở rộng nghiên cứu sang các loại ung thư khác, gồm ung thư phổi không có tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer) và có kế hoạch thực hiện một nghiên cứu lớn hơn để khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine điều trị ung thư “high-risk melanoma”. 

Tháng Mười Hai qua, họ đã công bố bản tổng kết hạn chế về cuộc thử nghiệm. Kết quả đầy đủ hơn vừa được trình bày tại hội nghị Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (American Association for Cancer Research-AACR) tổ chức ở Orlando, Florida, nơi có thêm các nhà nghiên cứu thảo luận về vaccine điều trị ung thư tuyến tụy, đầu và cổ. 

Hình minh họa: pexels-cdc

Dù các nghiên cứu mới cần được kiểm nghiệm cẩn thận trong các cuộc thử nghiệm nâng cao hơn chúng vẫn đại diện cho sự tiến bộ sau nhiều thập niên tham vọng nhưng thành công rất hạn chế trong hoạt động phát triển vaccine điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư. 

Tiến sĩ Andrew Allen, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty sinh học Gritstone bày tỏ sự lạc quan: “Có vẻ như thời điểm thu hoạch đang đến”. Nhiều loại vaccine ung thư thử nghiệm có hai mục tiêu điều trị ung thư và ngăn ngừa ung thư quay trở lại chứ không ngăn ung thư xuất hiện. “Chính các tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch, giải trình tự bộ gen và trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp tạo ra các vaccine ung thư triển vọng hơn” – một bác sĩ ung thư nói. 

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh sức mạnh của công nghệ mRNA mà Moderna và những công ty khác đang thử nghiệm cho vaccine ung thư. Tiến sĩ Eliav Barr, Trưởng bộ phận phát triển lâm sàng toàn cầu và giám đốc y tế của Merck nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể sử dụng một công nghệ vaccine để thay đổi thực chất nghiên cứu về bệnh ung thư”. 

Mũi tiêm của Moderna được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân

Moderna phân tích khối u của bệnh nhân để tìm đột biến và chọn tối đa 34 mục tiêu gọi là tân kháng nguyên (neoantigen) mà họ nghi sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh nhất để đưa vaccine vào. Bệnh nhân nhận được chín liều vaccine, ba tuần một lần và tối đa 18 chu kỳ liệu pháp miễn dịch. 

Theo tiến sĩ Weber “vaccine cá nhân hoá” mất khoảng sáu đến bảy tuần để phát triển cho mỗi cá thể bệnh nhân. Khoảng 157 bệnh nhân melanoma giai đoạn ba hoặc bốn đã tham gia thử nghiệm và trải qua phẫu thuật để cắt bỏ nốt u ung thư. Khoảng 107 bệnh nhân vừa được tiêm vaccine vừa được liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật, trong khi 50 bệnh nhân chỉ được điều trị liệu pháp miễn dịch. Sau khoảng hai năm, bệnh ung thư tái phát hoặc tử vong chỉ có ở 22% bệnh nhân được tiêm vaccine kèm liệu pháp miễn dịch Keytruda và ở 40% bệnh nhân chỉ được liệu pháp miễn dịch. 

Hình minh họa: pexels-ivan-samkov

Theo nhóm nghiên cứu, chính kết hợp với vaccine đã giúp giảm khoảng 44% nguy cơ tái phát và tử vong cho bệnh nhân so với chỉ dùng Keytruda. Tiến sĩ Robert Vonderheide, Giám đốc Trung tâm Ung thư Abramson thuộc Đại học Pennsylvania và là Chủ tịch hội nghị AACR (không tham gia nghiên cứu) tin rằng “phương pháp tiếp cận mới sẽ thay đổi cuộc chơi”. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine có tác dụng bất chấp tổng số đột biến trong tế bào ung thư của bệnh nhân là bao nhiêu. Tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch Moderna nhận định: “Mới chỉ là khởi đầu, nhưng chúng tôi rất tin tưởng”. Hai công ty cho biết mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất, cùng với đau tại chỗ tiêm và ớn lạnh. Không có tác dụng phụ nào đe dọa tính mạng do mũi tiêm. Hiện kết quả chi tiết cuộc thử nghiệm chưa được công bố trên một tạp chí khoa học. 

Tiến sĩ Nina Bhardwaj, Giám đốc y tế của Phòng thí nghiệm vaccine và liệu pháp tế bào tại Trung tâm Ung thư Mount Sinai Tisch (không tham gia nghiên cứu) có ý kiến: “Tôi lạc quan thận trọng, chúng ta nên chờ thêm một thời gian nữa”. 

Derek Vogel, một nhà phát triển phần mềm 57 tuổi sống gần Bangor, Pensylvania là một bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm, cho biết ông đã gần bước sang năm thứ ba kể từ khi bắt đầu thử nghiệm mà không tái phát. Được chẩn đoán mắc ung thư da vào Tháng Tư, 2019, ngay sau khi phẫu thuật ông đến NYU Langone ghi danh tham gia. “Lúc đầu tôi lo lắng về cơ hội của mình vì dữ liệu có sẵn về khả năng sống sót của bệnh ung thư như tôi rất thấp (Tiến sĩ Weber người đăng ký cho ông tham gia thử nghiệm, trấn an: Phần lớn dữ liệu đó có trước khi sử dụng các loại thuốc mới). Cuối cùng, kết quả cho thấy tôi đã lựa chọn đúng, không chỉ cho bản thân mà còn để khoa học tiến xa” – ông nói. 

Tham khảo:

https://www.wsj.com/articles/moderna-shows-progress-toward-cancer-vaccines-27ff606?mod=hp_lead_pos6

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: