Sự tự tin của con người đến từ đâu?

(Minh họa: Andre Furtado/Pexels)

Tự tin là thứ mà ai cũng muốn có và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ở những người khác. Thế nhưng việc tự tin vào bản thân lại giống như nhiệm vụ bất khả thi đối với một số người, đặc biệt là đối với phụ nữ Á châu khi họ được dạy dỗ là phải nhún nhường trong xã hội.

Tuy nhiên, thời đại ngày nay càng lúc càng tiến bộ hơn, và việc chị em ngày càng khẳng định vị trí của mình không những trong gia đình mà còn cả ở ngoài xã hội. Bên cạnh việc trao dồi kỹ năng trong chuyên môn và cả kỹ năng sống, thì việc duy trì tâm lý vững vàng, luôn tự tin vào bản thân là điều mà bất cứ phụ nữ nào cũng nên học và thực hành nó, theo trang mạng MindBodyGreen.

Sự tự tin đến từ đâu?

Tự tin là tin vào các kỹ năng, sự lựa chọn và giá trị của bạn. Nó xuất phát từ nội tại và là sự thấu hiểu về ưu và nhược điểm của mình trong khi bạn vẫn suy nghĩ một cách tích cực về bản thân.

Giáo sư ngành tâm lý học Rameya Shanmugavelayutham, hiện đang giảng dạy tại trường The University of Chicago, cho biết sự tự tin đến từ những thông tin và ý tưởng mà chúng ta tiếp nhận trong cuộc đời mà chúng giúp ta suy nghĩ tích cực về bản thân.

Chúng ta thường bước vào đời với sự tự tin dồi dào. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ tự tin chấp nhận rủi ro chẳng hạn như nhảy khỏi xích đu hay khiêu vũ mà không quan tâm đến việc chúng đang đứng trước một đám đông. Hay như khi một đứa trẻ được khẳng định và khích lệ, chúng ý thức hơn về bản thân và nhận thức được chúng có xứng đáng và có giá trị hay không.

Điều tuyệt vời là mỗi khoảnh khắc là một cơ hội để tạo nên cơ sở cho sự tự tin của bạn. Để bù đắp vào những gì đã mất, bạn có thể xây dựng lại sự tự tin theo thời gian thông qua những khoảnh khắc nhỏ và lớn để nâng cao sự tự tin.

Một điểm đáng chú ý khác chính là người nhút nhát hay người hướng nội không có nghĩa là họ sẽ thiếu tự tin. Nhút nhát là một tính cách mà người ta sẽ cảm thấy e lệ khi ở cạnh những người khác. Hướng nội cũng là một loại tính cách thường tập trung vào thế giới nội tâm để suy ngẫm và hiểu bản thân. Điều này trái ngược với những người hướng ngoại, những người thích giao lưu với người khác.

(Minh họa: Guilherme Almeida/Pexels)

Điều gì gây ra sự kém tự tin?

Sự tự tin có thể được bồi đắp và cũng có thể bị hao mòn. Theo Giáo sư Rameya Shanmugavelayutham, cách mà mọi người được xã hội hóa và nhìn nhận thông qua những người xung quanh họ, cùng với những sự chuyển giao khó khăn ở thời thơ ấu, giai đoạn thanh thiếu niên và khi trưởng thành, đều có thể làm giảm sự tự tin. Một số yếu tố có thể khiến ta cảm thấy tiêu cực hơn về bản thân, bao gồm:

• Cha mẹ luôn chỉ trích quá mức

• Cha mẹ hạn chế việc khám phá của trẻ

• Cảm thấy bị bạn bè, đồng nghiệp chối bỏ

• Khó khăn trong giai đoạn chuyển giao thành người lớn

• Truyền thông và định kiến về một người “lý tưởng”

Mức độ tự tin cũng có thể thay đổi trong các tình huống khác nhau. Bạn có thể cảm thấy vô cùng tự tin vì bạn được xã hội ghi nhận và khen ngợi vì có thành tích học tập tốt. Ngược lại, bạn sẽ thấy mất tự tin hơn khi nói trước đám đông vì bạn đã từng bị chỉ trích từ bạn bè, đồng nghiệp hồi xưa.

Làm sao để xây dựng sự tự tin?

1. Hiểu được ý nghĩa của sự tự tin đối với bạn

Hãy dành thời gian để tìm hiểu thế nào là tự tin đối với bản thân bạn. Một câu hỏi hay bạn có thể bắt đầu là “Làm thế nào bạn biết được rằng bản thân mình đã thỏa mãn với sự tự tin của mình?”

Có thể là bạn bắt đầu lên tiếng nhiều hơn ở công ty, hay mặc được bộ đồ mà bạn hằng mong muốn. Bạn thậm chí có thể giới thiệu bản thân với người bạn thích tại nơi làm việc chung. Điều này là khác nhau ở mỗi người, nó không cần phải đúng với người này thì mới đúng người khác. Đây là thước đo cá nhân của bạn về sự tự tin.

2. Trau dồi lòng trắc ẩn

Trau dồi lòng trắc ẩn có thể giúp bạn đồng cảm với bản thân khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này có thể giúp bạn tránh xa những lời tự đánh giá một cách tiêu cực, hạ thấp bản thân và tìm đến những cách trò chuyện với bản thân nhiều sự yêu thương và nâng niu hơn.

Lòng trắc ẩn chính là chìa khóa để nuôi dưỡng sự tự tin. Việc luôn bám chặt vào những sai lầm hoặc thất bại trong quá khứ thực sự ảnh hưởng đến mức độ tự tin của chúng ta. Nếu chúng ta có thể tử tế với bản thân và cho phép bản thân buông bỏ những thứ này, thì chúng ta đang cho phép mình tin tưởng vào bản thân.

3. Điều chỉnh bản thân

Nếu bạn cảm thấy bạn thường xuyên sử dụng từ “nên”, chẳng hạn như “Mình sẽ kết hôn vào năm 30 tuổi, mình nên có một ngôi nhà vào năm tới. Vậy việc “nên” này đến từ đâu?

Có nhiều điều “nên làm” trong cuộc sống bắt nguồn từ những kỳ vọng trong văn hóa hay gia đình mà chúng ta trải nghiệm qua từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Những câu hỏi trên sẽ rất hữu ích nếu bạn luôn tự hỏi bản thân rằng “Đây có phải điều mình thực sự muốn làm cho bản thân?”

Bạn có quyền để lấy lại cuộc sống của mình bất cứ lúc nào. Bạn càng lựa chọn nhiều thứ phù hợp với con người thật và mong muốn của mình, và khi như thế bạn sẽ càng tự tin hơn khi ra quyết định.

(Minh họa: Brooke Cagle/Unsplash)

4. Biết rằng bạn sẽ thất bại và điều đó vẫn ổn

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa không thích sự thất bại, nơi mà mọi người hầu như chỉ nói về thành tích của họ. Hiếm khi bạn được nghe mọi người kể về sự thất bại của họ và hãy hiểu rằng thất bại luôn xảy ra và nó là một phần của cuộc sống và giúp bạn sống trọn vẹn hơn.

“Rất nhiều người trong chúng ta được dạy dạy rằng sự tự tin đến từ những thành tựu ta đạt được,” Nicole Cruz, chuyên gia tâm lý tại trung tâm Nicole Cruz Coaching, nói. “Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khi đạt được nhiều thành tựu ta sẽ cảm thấy tự tin nhưng khi thất bại, sự tự tin của ta sẽ bị ảnh hưởng.”

Vậy nên bất kể ta thành công hay thất bại, chúng ta đều có sức mạnh để duy trì sự tự tin của mình.

5. Tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát

Chúng ta nhiều lần đặt sự tự tin vào những thứ mà ta không thể kiểm soát được, chẳng hạn như việc người khác nghĩ gì, kết quả của một dự án, hay phản ứng của người khác ra sao. Để xây dựng sự tự tin, chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi những thứ ta không thể kiểm soát và bắt đầu với sự tự tin vào những thứ ta có thể kiểm soát.

Ví dụ, khi bạn đang chuẩn bị cho một bài thuyết trình, bạn có thể đầu tư rất nhiều tâm sức vào ý kiến của người khác, kết quả của bài thuyết trình và phản ứng của đồng nghiệp. Để có sự tự tin trước những thứ bạn không kiểm soát được, bạn hãy tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát được như việc bạn chuẩn bị như thế nào, lòng đam mê của mình đối với chủ đề thuyết trình và công sức mà bạn đã bỏ ra.

6. Hiểu rằng cảm xúc và cảm giác chỉ là nhất thời

Trong cuốn sách “Come As You Are”, nhà giáo dục giới tính và nhà nghiên cứu Emily Nagoski có viết rằng, “Cảm xúc là những đường hầm. Bạn phải vượt qua bóng tối để đến được với ánh sáng cuối đường.”

Cảm xúc là một chu kỳ có khởi đầu, có đoạn giữa và có kết thúc. Mặc dù cảm xúc có thể rất mãnh liệt trong thời điểm này nhưng nó cũng chỉ là nhất thời. Ở cấp độ cơ bản, cảm xúc là phản ứng sinh lý đối với các kích thích từ môi trường.

Chẳng hạn, nếu wifi của bạn bị ngắt ngay trước buổi thuyết trình, bạn có thể cảm thấy rất căng thẳng. Nếu bạn nhận được một món quà bất ngờ từ chị gái, bạn sẽ cảm thấy vui sướng tột độ. Nếu bạn nhận được tin nhắn từ người yêu cũ, bạn có thể thấy một nỗi buồn rõ rệt. Bất kể việc gì kích thích bạn và cảm xúc của bạn là gì, chúng đều là dữ liệu để bạn có những hành động tiếp theo.

Về sự tự tin, bất kỳ cảm xúc nào như lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi đang ngăn cản bạn hành động đều chủ yếu là nhất thời. Khi nó nguôi ngoai, bạn có thể thực hiện bước tiếp theo của mình như tự lặp đi lặp lại câu nói với bản thân rằng “Hãy cảm nhận nỗi sợ và nó rồi sẽ qua”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: