A.I. trong bệnh viện, người nói tốt, kẻ bảo chưa

Minh họa: natanael-melchor-unsplash

Trong khi các ông chủ bệnh viện yêu thích trí tuệ nhân tạo (AI), các bác sĩ và y tá lại lo lắng. Sẽ có nhiều nguy cơ đến từ các công cụ AI “dỏm” nếu không có các quy định chặt chẽ của liên bang và tiểu bang.

Bệnh viện Mount Sinai đã trở thành “phòng thí nghiệm AI” khi họ cố gắng định hình tương lai của y học. Nhưng một số nhân viên y tế lo ngại cuộc thử nghiệm sẽ phải trả giá. The Washington Post thuật, mỗi ngày, bác sĩ Bojana Milekic lướt qua màn hình máy tính có tên bệnh nhân, nhìn vào những con số màu đỏ bên cạnh mỗi người (“điểm” do AI tạo ra) để đánh giá ai có thể… chết! Vào một buổi sáng Tháng Năm, công cụ này đánh dấu một bệnh nhân phổi 74 tuổi với số điểm 0.81, vượt xa 0.65 – mốc báo động nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.

Nhưng ông cụ không tỏ ra đau đớn. Con gái ông đi vòng quanh giường và nhanh chóng phát hiện ra vấn đề: Một ống ngực bị gấp khúc, giữ lại chất lỏng từ phổi khiến lượng oxy trong máu bệnh nhân giảm mạnh. Sau khi chỉnh lại ống, nhịp thở bệnh nhân trở nên ổn định. Chỉ là một sự can thiệp đơn giản nhưng nó sẽ không xảy ra nếu không có phát hiện của chương trình máy tính sử dụng AI để tính điểm báo cho bác sĩ biết mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Mount Sinai nằm trong nhóm bệnh viện rót hàng trăm triệu đôla vào phần mềm AI. Người ta đang phấn khích bởi ngày càng có nhiều tài liệu khoa học cho thấy AI là tương lai của y học, chẳng hạn theo một nghiên cứu gần đây, việc đọc ảnh chụp quang tuyến vú bằng AI đã giúp phát hiện nhiều hơn 20% trường hợp ung thư vú so với bác sĩ X quang. Mount Sinai đã triển khai một nhóm chuyên gia AI để thử nghiệm các công cụ y tế trong chăm sóc lâm sàng. Ví dụ phần mềm hoàn thành thủ tục giấy tờ thanh toán và chatbot giúp tạo bản tóm tắt bệnh án bệnh nhân. Tuy nhiên, những cuộc thử nhiệm này đang khiến nhiều người lo sợ rằng con người phải trả giá đắt cho sự lạm dụng AI.

Họ cũng sợ công nghệ chẩn đoán sai, tiết lộ dữ liệu nhạy cảm của bệnh nhân và trở thành cái cớ để các công ty bảo hiểm và bệnh viện cắt giảm nhân sự dưới “danh nghĩa” đổi mới và hiệu quả. Trong thực tế, các bệnh viện đã nghiên cứu AI trong nhiều thập niên. Từ 1970, Đại học Stanford đã tạo ra một hệ thống AI thô sơ đặt câu hỏi cho các bác sĩ về những triệu chứng của bệnh nhân và đưa ra chẩn đoán dựa trên cơ sở dữ liệu về các bệnh nhiễm trùng đã biết. Đến thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, các thuật toán AI bắt đầu giải mã những mẫu phức tạp trong ảnh chụp X-quang, chụp CT và chụp cộng hưởng từ để phát hiện những bất thường mà mắt người có thể bỏ sót.

Vài năm sau, robot được trang bị AI bắt đầu hoạt động cùng với bác sĩ phẫu thuật. Với sự ra đời của hồ sơ y tế điện tử, nhiều công ty đã kết hợp các thuật toán quét các kho dữ liệu bệnh nhân để phát hiện điểm tương đồng ở những bệnh nhân mắc một số bệnh nhất định và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp. Khi sức mạnh tính toán cao hơn giúp tăng cường khả năng AI, các thuật toán chuyển từ “phát hiện sang dự đoán”: Liệu một bệnh nhân trở nặng không?

Phòng khám Mayo ở Minnesota đang sử dụng một chatbot của Google gọi là Med-Palm 2 trong kỳ thi cấp giấy phép hành nghề y tế để tạo câu trả lời cho những câu hỏi về chăm sóc sức khỏe; tóm tắt các tài liệu lâm sàng; và sắp xếp dữ liệu. Tuy nhiên, đầu tuần này, trong một bức thư gửi Google, Thượng nghị sĩ Mark R. Warner (Dân chủ-Virginia) đã kêu gọi thận trọng trong việc triển khai Med-Palm 2, viện dẫn nhiều điểm không chính xác.

Theo Thomas J. Fuchs, Trưởng khoa AI tại Trường Y Icahn của Mount Sinai, việc các bệnh viện nghiên cứu, nơi có các bác sĩ và nhà nghiên cứu tiên phong, đóng vai trò phòng thí nghiệm công nghệ AI là điều cần thiết. Nhưng Fuchs cảnh báo: “Hiện có rất nhiều sự cường điệu về AI trong y học và nhiều công ty mới thành lập thích truyền bá quá đáng sức mạnh cách mạng của công nghệ này. Hệ quả là họ có thể tạo ra những sản phẩm đưa ra chẩn đoán sai lệch hoặc khiến an toàn dữ liệu bệnh nhân bị rủi ro. Vì vậy, các quy định chặt chẽ của liên bang, cùng với sự giám sát của bác sĩ, là điều tối quan trọng”.

Hiện thời, một số bác sĩ X quang dùng AI để phát hiện ung thư vú; trong khi chuyên gia dinh dưỡng dùng AI để nhận biết những người có khả năng suy dinh dưỡng. Nhưng một số chuyên gia y tế không cảm thấy thoải mái với công nghệ mới. Nhiều bác sĩ cho biết có rất ít bằng chứng thực nghiệm chứng minh AI thực sự cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân.

Chúng được tiếp thị là vô địch nhưng lắm lúc không mang lại hiệu quả như ý muốn. Dù AI có thể phân tích các kho dữ liệu và dự đoán mức độ bệnh của bệnh nhân, nhưng các thuật toán này có thể hiểu sai. Trong khi đó, y tá nhìn xa hơn các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Họ xem bệnh nhân diện mạo thế nào, phát hiện mùi kỳ lạ từ cơ thể họ và có thể sử dụng các dữ liệu sinh học để dự đoán có thể có điều gì đó không ổn. AI không thể làm được những điều như vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: