SANTA MONICA, California (SGN) – Ăn uống rất quan trọng trong đời sống hằng ngày nhưng không phải ai cũng biết cách ăn lành mạnh, tốt cho cơ thể và duy trì sức khỏe. Trong thời đại hiện nay, khi công nghệ phát triển, đời sống cũng hối hả hơn khiến con người ăn uống cũng vội vã hơn, dẫn đến những hệ lụy không ngờ.
Dưới đây là những tác hại của việc ăn nhanh, nuốt lẹ mà chúng ta cần nên sửa đổi, theo trang mạng Livestrong.
1. Tăng cân
Thói quen ăn quá nhanh sẽ làm gia tăng nguy cơ bị thừa cân. Một cuộc nghiên cứu do International Journal of Obesity thực hiện Tháng Mười Một, 2015, cho thấy, dạ dày của chúng ta thường mất khoảng 20 phút liên lạc với não bộ rằng bạn đã ăn đủ. Việc ăn nhanh và không nhai kỹ sẽ dễ dàng tạo ra thêm calories cho cơ thể. Những ai ăn chậm, nhai kỹ sẽ có hormone ghrelin (là hormone đói) ít hơn so với những người có xu hướng ăn nhanh. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhanh còn làm giảm độ chính xác của não lưu trữ ký ức về những gì mà dạ dày tiêu thụ hằng ngày. Việc phục hồi trí nhớ là một phần trong việc xác định chúng ta ăn bao nhiêu trong bữa ăn tiếp theo. Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhanh vào bữa trưa có thể dẫn đến ăn nhiều hơn vào bữa tối.
2. Đầy bụng, khó tiêu
Theo trang mạng Mediline Plus của Thư Viện Y Khoa Quốc Gia Hoa Kỳ, chứng khó tiêu là triệu chứng thường thấy mỗi khi bạn ăn quá nhanh. Bạn sẽ có cảm giác nặng nề, đôi khi cảm thấy nóng rát phần bụng như thể trong bụng bạn đang có đá và đá đang cháy.
Rất may là triệu chứng này sẽ hết sau khi cơ thể có cơ hội tiêu hóa hết thức ăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn diễn ra, bạn nên đi kiểm tra bao tử để tránh các trường hợp liên quan đến đường tiêu hóa, sỏi mật hoặc bị loét dạ dày.
3. Ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài
Một cuộc nghiên cứu với 8,000 người tham gia đăng trên tạp chí BMC Public Health năm 2018 cho thấy tốc độ ăn nhanh từ ngày này qua tháng nọ gắn liền với nguy cơ bị huyết áp cao, tăng mỡ bụng, cholesterol cao và đường huyết cũng tăng cao.
Việc ăn nhanh cũng khiến bạn chọn các thực phẩm ít lành mạnh hơn. Các tác động tiêu cực không chỉ từ năng lượng dư thừa mà còn từ các lượng phụ gia, đường và tinh bột từ các thức ăn chế biến sẵn không lành mạnh.
Vậy làm cách nào để ăn chậm, nhai kỹ?
Bạn biết rằng dạ dày phải cần ít nhất 20 phút để liên lạc với bộ não thông báo rằng cơ thể của bạn đã nạp đủ năng lượng và bạn đã no. Các nhà khoa học khuyên chúng ta nên kéo dài bữa ăn của mình, nhai thật chậm và kỹ để dạ dày làm việc tốt hơn. Bạn nên dành ra 20 phút để tập trung ăn mà không làm việc khác như vừa ăn, vừa xem phim, lướt phone hay trò chuyện.
Ngoài ra, bạn hãy cắn thức ăn từng miếng nhỏ và nhai thật kỹ. Hãy tập trung vào cách ăn của mình, thưởng thức món ăn của bạn từ tốn. Khi bạn ăn chậm lại, không chỉ bao tử hoạt động tốt hơn mà thậm chí tinh thần của bạn cũng thấy thoải mái và hài lòng hơn.
Bên cạnh đó, một trong những mẹo khác chính là mở một bản nhạc nhẹ khi ăn tối. Một số nghiên cứu gợi ý rằng con người có xu hướng dành nhiều thời gian để thưởng thức bữa ăn hơn khi nghe nhạc thư giãn.