Bệnh tâm thần trong giới trẻ gia tăng, đừng để quá muộn!

Nạn tự tử trong giới trẻ không những không giảm, mà có chiều hướng gia tăng sau hàng loạt vụ xả súng ở trường hợp trong ba tháng qua.

Theo Tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS), có trụ sở tại San Francisco – đơn vị tổ chức buổi hội thảo liên quan đến bệnh tâm thần của thanh thiếu niên cuối tuần qua, một y tá cho biết các vụ nổ súng hàng loạt là nguyên nhân gia tăng sự sợ hãi và lo lắng của giới trẻ, mà chính ông chứng kiến được.

Các diễn giả tham gia hội thảo: Hàng trên, từ trái: Susan Racher, Estephania Plascencia. Hàng dưới, từ trái: Beth Jarosz, Eddy Molin, Joshua Ho. (ảnh chụp qua màn hình zoom)

Ai dễ trầm cảm và muốn tự tử?

Cuộc hội thảo không đề cập đến luật lệ liên quan tới súng ống, nhưng ban tổ chức mời được các chuyên gia y tế, chuyên viên tư vấn, và phụ huynh, để họ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân cũng như thảo luận về giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ảnh hưởng rất xấu đến tương lai thế hệ trẻ – bệnh tâm thần và nạn tự tử gia tăng.

Beth Jarosz, Giám đốc Chương trình của tổ chức KidsData, nơi cung cấp các dữ liệu liên quan đến thanh thiếu niên, dẫn chứng tỷ lệ tự tử từ năm 2000 -2020 ở độ tuổi 15-19 tăng 10.6% và ở độ tuổi 10-14 tăng 2.8%. Ở Florida, tính riêng độ tuổi 15-19, số vụ tự tử tăng gần như gấp đôi trong vòng 10 năm từ 2010-2020. Bà so sánh với ba tiểu bang lớn khác của Hoa Kỳ, trong đó California tăng 33%, Texas tăng 80%, còn tại New York con số thay đổi không nhiều.

Những đứa trẻ tự tìm đến cái chết là ai? Bà Beth Jarosz giải thích luôn: Thanh niên bản địa, thanh niên có tuổi thơ bất hạnh, giới trẻ cộng đồng LGBTQ (*), trẻ từng có lúc là người vô gia cư, sống bờ bụi, hoặc trong rừng, trẻ từng bị bắt nạt… là những “đối tượng” dễ bị trầm cảm và có hành vi tự tử cao.

Trước đó, bà Susan Racher, Chủ tịch hội đồng quản trị Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần Quận hạt Miami-Dade (NAMI Miami-Dale), cho biết chỉ có 50% trẻ có biểu hiện không ổn về sức khỏe tâm thần, có dấu hiện bị xâm hại tình dục, được điều trị hoặc được nói chuyện với bác sĩ tâm lý.

Trong một hội thảo cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần do EMS tổ chức hồi Tháng Tư, 2022, bà Angela Vásquez, Giám đốc về sức khỏe tâm thần của The Children Partnership cho biết có gần 50% thanh niên bị suy giảm về tâm thần nghiêm trọng, trong giai đoạn trầm cảm nặng mà không được điều trị… So với thanh niên da trắng, trẻ em da đen và Latinh ít có khả năng được điều trị chứng trầm cảm hơn khoảng 14%. Bà Vásquez cũng đưa ra vấn nạn đáng lo ngại: Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong thanh niên là người bản địa, cao hơn gần 3.5 lần so với mức trung bình của cả nước.

Apple đang hợp tác với Viện Đại học California và công ty công nghệ sinh học Biogen để phát triển tính năng phát hiện trầm cảm, suy giảm nhận thức. (Minh họa: Unsplash)

“Nạn nhân” và phụ huynh nói gì?

Ban tổ chức lần này đã mời được một “nạn nhân” – cô Estephania Plascencia – tham gia NAMI Miami với tư cách tình nguyện viên từ năm 2017.

Plascencia kể, cô từng rơi vào trạng thái trầm cảm, không thiết sống, chẳng muốn làm gì, cảm thấy cuộc sống bế tắc. Cô “chôn chân” trong căn phòng của mình suốt sáu tháng trời, bỏ luôn điện thoại, ngưng nhắn tin cho bạn bè. Sau đó, may mắn cô gặp được các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, và được điều trị.

“Biết NAMI có nhiều thông tin hữu ích, tôi tham gia làm thiện nguyện, chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn học sinh trung học, sinh viên ngành y,” Plascencia nói. Năm 2019, tôi trở thành Điều phối viên Chương trình Thanh niên NAMI Miami-Dade.”

Plascencia cũng cho rằng, sẽ không đáng lo nếu các bạn trẻ “gặp chuyện” và có thể bộc bạch được với ai đó. Cô nói: “Trong các buổi nói chuyện, tôi nhận được nhiều câu hỏi lắm, và tôi quả quyết rằng, có rất nhiều bạn đang cần được sự giúp đỡ về tinh thần. Khi có bạn nào đó nói ra điều họ suy nghĩ, thì nhiều người à lên, cho biết đó cũng là vấn đề của mình, và nhận ra rằng những chuyện ấy… ‘bình thường thôi’ chứ chẳng có gì là ghê gớm cả.”

“Tôi từng cảm thấy cuộc sống bế tắc,” cô Estephania Plascencia nói. (ảnh chụp qua màn hình zoom)

Các diễn giả đều đưa ra nhận định: Chia sẻ câu chuyện là biện pháp có công hiệu mạnh mẽ, nhưng vấn đề là phải làm thế nào cho các bạn trẻ nuôi dưỡng niềm hy vọng, sự đam mê để không lẩn quẩn với những ý nghĩ thất vọng dễ đi đến trầm cảm.

Eddy Molin là Quản lý Y tá tại Hệ thống Y tế Jackson có trụ sở tại Miami, Florida, nhấn mạnh về vai trò của giới truyền thông. “Các phương tiện truyền thông xã hội (social media) có “quyền lực” ghê gớm lắm,” ông nói.

Nhưng Molin cũng không quên đề cập đến vai trò của các bậc phụ huynh. “Đừng để con mình một mình bao giờ, hãy quan tâm đến chúng nhiều hơn, để mắt đến con cái mình nhiều hơn, nói chuyện với con nhiều hơn. Có như thế, khi thấy con có biểu hiện gì đó khác thường, chúng ta sẽ sớm phát hiện ngay để có biện pháp giải quyết kịp thời.”

Ông nhấn mạnh, ngay khi thấy con có biểu hiện khang khác, cha mẹ phải hỏi ngay, đừng đợi các cháu bộc lộ thái độ hoặc hành vi nào đó, thì muộn rồi.

Joshua Ho, Giám đốc Chương trình của Ban Cố vấn Người Mỹ gốc Á ở Quận Miami-Dade có hai người con trong tuổi teen: Josiah, 19 tuổi, Jeremiah, 13 tuổi, và Juliana mới lên bốn. Ho là người Mỹ gốc Hàn, từng là huấn luyện viên Toán học và Chủ nhiệm Khoa Toán học của Trường Trung học Cơ sở North Dade và Trưởng khoa Huấn luyện Kỷ luật và Hành vi Tích cực tại Trường Trung học Cơ sở North Miami.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái của mình, Ho đúc kết một câu: “Đừng bao giờ để các con một mình, mà luôn nói với chúng ‘Con không cô đơn’”.

Quan tâm, nói chuyện, để mắt đến con trẻ nhiều hơn. Đừng để con một mình. (Minh họa: Unsplash)

Đừng để quá muộn!

Về việc phát hiện và phòng ngừa, bà Susan Racher cho biết California và New York là nơi quan tâm nhiều đến vấn đề này. New York có chương trình tiếp cận với những đối tượng từng có hành vi tự sát; California đưa ra luật lệ yêu cầu các trường công lập phải có quy định nhằm ngăn ngừa nạn tự tử ở nhóm có nguy cơ trong học đường. Nhưng bà cho rằng vẫn rất cần giải pháp làm giảm tối thiểu tình trạng trẻ phải sống trong nghịch cảnh, bằng việc ‘xóa đói giảm nghèo’ cũng như phá vỡ các nguy cơ bạo hành bằng các biện pháp ngăn ngừa qua hành động đối xử.

Beth Jarosz cho rằng “cảm giác an toàn” rất quan trọng. “Trẻ em có người lớn đáng tin cậy chăm sóc, là cách bảo vệ khỏi những thách thức về sức khỏe tâm thần,” bà nói. Nhưng liệu các bạn trẻ của chúng ta hiện nay có cảm thấy an toàn, trước các vụ xả súng hàng loạt ở trường học, luật chống chuyển giới và các vấn đề khác mà chúng cảm thấy như người lớn không ủng hộ chúng? Chắc là không rồi!”

Bà Jarosz giới thiệu NAMI Miami có chương trình được gọi là “Stop the Silence” (Kết thúc sự im lặng) mà Plascencia từng tham gia. Chương trình này giúp định nghĩa về các rối loạn sức khỏe tâm thần; cách nói về sức khỏe tâm thần; là nơi để tìm nguồn và giải thích về mặt y học cho cho thanh thiếu niên và những gia đình đang có dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần.

“Gia đình và các thành viên của NAMI Quận hạt Miami-Dade ở đây để giúp đỡ, nên đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi bất kỳ lúc nào,” bà Jarosz nói.

———-

(*) LGBTQ – viết tắt của các cụm từ: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính/lưỡng tính) và Transgender (người chuyển giới), Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân).

Đọc thêm:

-Trị trầm cảm bằng các loại thảo mộc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: