Cảnh báo virus gây bại liệt ở trẻ em

Trẻ nhiễm enterovirus trung bình dưới ba tuổi. (minh họa: Unsplash)

Lây lan qua đường hô hấp, Enterovirus D68 là virus có thể gây biến chứng viêm tủy cấp, gây bại liệt cho trẻ em.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vừa báo cáo số ca nhiễm enterovirus D68 ở trẻ em tăng cao. Theo đó, từ ngày 1 Tháng Ba đến ngày 20 Tháng Chín, CDC ghi nhận 260 ca nhiễm enterovirus D68, cao hơn so với ba năm cộng lại. Cụ thể có sáu ca nhiễm virus năm 2019 và năm 2020 có 30 ca.

Người nhiễm enterovirus D68 có thể gặp triệu chứng hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng, hoặc thậm chí không có biểu hiện nào. Các triệu chứng nhẹ như chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau nhức cơ thể và cơ bắp. Tình hình nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị khó thở. Enterovirus đôi khi dẫn đến tình trạng viêm tủy cấp, biểu hiện là viêm vùng cổ hoặc tủy sống. Người mắc bệnh này gặp khó khăn khi di chuyển cánh tay, một số khác bị yếu ở cả tứ chi.

Trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở Mỹ năm 2014, khoảng 10% số người được chẩn đoán nhiễm enterovirus tiếp tục phát triển thành viêm tủy cấp. Hầu hết bệnh nhân không thể phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh này. Họ chỉ cải thiện được ở mức độ nào đó, nhưng phải trải qua quá trình phục hồi chức năng khó khăn và lâu dài.

Virus Enterovirus D68. (ảnh: CDC)

Nhóm trẻ em có nguy cơ cao nhiễm bệnh này là trẻ bị hen suyễn nhưng các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân vì sao.

Theo CDC, rất khó để phân biệt các triệu chứng nhiễm enterovirus với triệu chứng đường hô hấp khác. Viêm tủy cấp cũng dễ bị nhầm lẫn với bại liệt nặng. Vì thế, gia đình có con nhỏ, các chuyên gia y tế khuyên các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức nếu thấy trẻ có biểu hiện yếu tay, đau chân, đau cổ, đau lưng, khó nuối hoặc nói lắp, mắt không thể liếc qua lại.

Trẻ nhiễm enterovirus trung bình dưới ba tuổi. Các ca nhiễm được phát hiện tại các trung tâm y tế nhi khoa liên kết với Mạng lưới Giám sát Vaccine của CDC. Enterovirus có thể xuất hiện trong chất thải, như phân, nước tiểu, hoặc dịch hô hấp, như nước bọt, chất nhầy trong mũi, đàm của người bệnh. Virus lây lan từ người sang người khi bệnh nhân ho, hắt hơi và không che mũi, miệng.

Chuyên gia y tế khuyên các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức nếu thấy trẻ có biểu hiện không khỏe. (minh họa: Unsplash)

CDC từng ghi nhận số ca nhiễm enterovirus tăng đột biến một số năm, vào 2014, 2016 và 2018. Tiến sĩ Benjamin Greenberg, nhà thần kinh học tại Viện não O’Donnell, cho biết số lượng bệnh nhân tăng đột biến do phải cách ly để phòng ngừa COVID-19 trong suốt hai năm. Trẻ em không được tiếp xúc với mầm bệnh, giảm khả năng miễn dịch. Từ đó, enterovirus có cơ hội bùng phát trong năm nay. Tiến sĩ Sarah Hopkins, chuyên gia thần kinh học tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, từng phỏng đoán virus sẽ gia tăng trong năm 2020, đúng theo mô hình hai năm một lần trước đó. Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội khiến các loại virus đường hô hấp hoạt động hạn chế.

Các nhà khoa học lần đầu xác định enterovirus D68 năm 1962. Vào thời điểm đó, loại virus này chưa lưu hành nhiều, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Đọc thêm:

-Phát hiện loại ung thư mới ở trẻ em, rất khó điều trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: