Quên mất việc mình đang làm khi bước vào phòng khác. Trường hợp này phổ biến đến nỗi còn có tên riêng: “Hiệu ứng cửa ra vào.”
Đây là một loại mất trí nhớ ngắn hạn xảy ra khi mọi người di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. Theo các nhà nghiên cứu, điều này xảy ra vì não của chúng ta tạo ra một “mô hình sự kiện” tạm thời. Mô hình sự kiện này chứa thông tin về môi trường, các suy nghĩ và hành động khác nhau liên quan đến môi trường đó.
Khi di chuyển từ môi trường này sang môi trường khác, mô hình của chúng ta phải chuyển sang tập trung vào những gì đang diễn ra ở thời điểm mới. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc đi qua một ngưỡng cửa có thể kích hoạt sự thay thế mô hình sự kiện trước đó bằng một mô hình mới, nghĩa là quên đi những suy nghĩ và ý định liên quan đến mô hình trước đó.
Quên tên người khác. Sau khi được giới thiệu với ai đó, chỉ vài phút sau bạn đã quên tên họ rồi. Trong trường hợp này, sự mất tập trung thường là nguyên nhân. Nếu bạn không tập trung hoàn toàn vào việc nhớ tên người khác khi họ nói, tên đó sẽ mờ dần khỏi bộ nhớ ngắn hạn của bạn trước khi có thể chuyển sang bộ nhớ dài hạn. Những sự mất tập trung khác, chẳng hạn như tiếp tục cuộc trò chuyện hoặc chú ý đến các chi tiết khác, có thể khiến bạn khó tập trung vào thông tin này hơn.
Đặt nhầm đồ vật là một kiểu mất trí phổ biến khác thường xảy ra khi bạn thực hiện các nhiệm vụ theo thói quen. Bạn biết mình đã để chìa khóa ở một nơi có ý nghĩa như gần cửa ra vào, kệ phòng khách. Vậy tại sao bạn lại không tìm thấy ở chỗ cũ khi đã trễ giờ làm?
Rất có thể là bạn đã lơ đãng đặt nhầm chùm chìa khóa xuống đâu đó mà không thực sự để tâm trí về điều đó. Vì bạn không mã hóa được thông tin đó trong bộ nhớ nên bạn không thể thực sự nhớ được mình đã để chìa khóa ở đâu khi cần.
Bị lạc hướng trong cuộc trò chuyện. Bạn có bao giờ buộc phải chơi trò “đánh trống lảng” hoặc cười giả lả khi đang nói về một điều gì đó trong một buổi trò chuyện, và tự nhiên bị lạc hướng bởi một câu chuyện không liên quan nào đó, nhận ra rằng bạn đã hoàn toàn quên mất trọng tâm ban đầu của câu chuyện?
Mất mạch suy nghĩ giữa cuộc trò chuyện là một ví dụ khác về tình trạng mất trí mà bạn có thể gặp phải theo thời gian. Bạn có thể quên mất quan điểm mà mình đang cố gắng đưa ra hoặc quên mất hoàn toàn những gì mình đang nói. Đây có thể là một trải nghiệm khó hiểu, nhưng điều quan trọng cần nhớ là điều này xảy ra với tất cả mọi người. Các yếu tố như mệt mỏi, mất tập trung và quá tải thông tin có thể khiến bạn bối rối khi mất phương hướng.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây ra sự mất trí nhớ tạm thời.
Giảm chú ý. Những khoảnh khắc hay quên thường xảy ra khi ta đang làm nhiều việc cùng lúc. Việc xoay xở nhiều nhiệm vụ tinh thần thường có nghĩa là làm một số việc theo chế độ tự động. Vì sự chú ý của bạn không hoàn toàn tập trung vào những gì bạn đang làm, nên bạn có nhiều khả năng gặp phải những sai lầm này.
Tiến sĩ Caroline Fenkel, DSW, LCSW, chuyên gia về sức khỏe tâm thần và vị thành niên, đồng thời là giám đốc lâm sàng tại Charlie Health, giải thích: “Khi chúng ta cố gắng xoay xở quá nhiều thứ cùng một lúc, các nguồn lực nhận thức sẽ bị căng thẳng và chúng ta có nhiều khả năng gặp phải những điểm yếu về tinh thần này.”
Tuổi tác. Thật không may, nghiên cứu cho thấy chứng hay quên này có thể bắt đầu tăng lên khi bạn già đi. Theo tuổi tác, một số khả năng nhận thức nhất định, bao gồm trí nhớ, tốc độ xử lý, sự chú ý và chức năng điều hành, thực sự có xu hướng suy giảm.
Căng thẳng. Những sai lầm về mặt tinh thần có nhiều khả năng xảy ra hơn khi bạn phải đối mặt với nhiều căng thẳng. Khi bị căng thẳng, não của chúng ta ưu tiên những mối quan tâm trước mắt, thường là đánh đổi bằng những nhiệm vụ ít cấp bách hơn, chẳng hạn như nhớ chúng ta để chìa khóa ở đâu. Vì não của bạn bị phân tâm bởi những lo lắng khác, nên bạn ít có khả năng tập trung vào thông tin bạn cần trong thời điểm hiện tại.
Mệt mỏi và thiếu ngủ. Bạn đã bao giờ tìm kính của mình nhưng lại thấy chúng trên đầu, hoặc mất tập trung khi lái xe và suýt đâm vào đuôi xe khác chưa? Bằng chứng cho thấy những kiểu suy nghĩ vẩn vơ này có thể là do thiếu ngủ.
Theo các chuyên gia, tình trạng mất trí nhớ thường không phải là điều đáng lo ngại, nhất là khi bạn đã “có tuổi.” Nếu bạn lo lắng, hãy cân nhắc một số yếu tố có thể đóng vai trò như tuổi tác, mức độ căng thẳng và mức độ chú ý của mình. Hãy thử sử dụng một số chiến lược tăng cường trí nhớ đơn giản như giữ đồ vật ngăn nắp, tránh làm nhiều việc cùng lúc, ghi chú lại những điều cần nhớ và chậm lại khi có thể.
Nếu những mẹo này không hiệu quả hoặc nếu bạn nhận thấy vấn đề về trí nhớ của mình đang trở nên trầm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể đánh giá trí nhớ của bạn để tìm dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn và đề xuất các phương pháp điều trị hoặc giải pháp có thể giúp ích.
(theo Verywell Mind)