Đậu mùa khỉ không nguy hiểm bằng ‘Cô-Vy’, đừng quá lo!

Một bệnh nhân bệnh đậu mùa khỉ. (ảnh: CDC)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa “nâng cấp” bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) lên thành “global health emergency” (tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu).

Đó là động thái mới nhất của WHO, ảnh hưởng đến các nguồn lực y tế toàn cầu và thúc đẩy các chính phủ hành động, Thông báo của WHO kèm theo các khuyến nghị tăng cường giám sát, đẩy nhanh nghiên cứu vaccine, phương pháp điều trị cũng như tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng và bệnh viện.

Lây qua quan hệ đồng giới nam

Lý do công bố tình trạng khẩn cấp vì loại virus hiếm gặp một thời này đang lây lan nhanh ở châu Âu và các khu vực khác trên toàn cầu. Cho đến thời điểm này, có hơn 16,800 ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận chính thức tại 74 quốc gia kể cả những nước chưa bao giờ có ca bệnh nào trong quá khứ.

Virus monkeypox dưới kính hiển vi. (ảnh: Wikipedia.org)

Riêng tại Mỹ có ít nhất 2,890 ca nhiễm được xác định, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Dù WHO cho biết nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là “vừa phải”, nhưng loại virus này đang khiến các quan chức y tế lo ngại vì nó lây truyền theo những cách mới mà chúng ta còn ít hiểu biết.

Khác với các đợt nhiễm trước đó, kể cả đợt bùng phát ở Mỹ năm 2003 (chỉ lây lan qua tiếp xúc của con người với động vật gặm nhấm hoặc linh trưởng), đợt bùng phát hiện nay tập trung ở những người có quan hệ tình dục đồng giới nam (men who have sex with men). Quyết định đặt bệnh đậu mùa khỉ ở mức báo động cao nhất, có nghĩa là thế giới hiện đang phải đối mặt với hai căn bệnh nguy hiểm do virus.

Virus hiện đang vẫn hoành hành nhiều nơi là coronavirus (gây ra đại dịch COVID-19), được nâng cấp vào Tháng Một, 2020. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ ít lây truyền hơn, và WHO hy vọng có thể kiểm soát được đợt bùng phát mới. Trên Washington Post, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên: “Vì đợt bùng phát đang tập trung chủ yếu ở quan hệ đồng giới nam, nên các chuyên viên y tế tin rằng nó có thể được ngăn chặn bằng chiến lược phù hợp ở các nhóm nguy cơ cụ thể. Nhưng bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào cũng phải tôn trọng “nhân quyền và phẩm giá” của người đồng tính. Kỳ thị và phân biệt đối xử còn nguy hiểm như virus”.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh giang mai

Bệnh đậu mùa khỉ được đặt tên theo loài động vật mà nó được phát hiện, nhưng WHO dự định đổi tên, sau khi nhiều nhà khoa học nêu vấn đề “kỳ thị”. Theo CDC, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện vào năm 1958 ở những con khỉ được nuôi để nghiên cứu và hơn một thập niên trước, ca nhiễm đầu tiên trên người được phát hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bệnh này đến Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 2003. Theo CDC, đây cũng là lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ ở người được báo cáo bên ngoài châu Phi. Vào thời điểm đó, hàng chục ca nhiễm được ghi nhận tại vùng Trung Tây, chủ yếu ở những người tiếp xúc với chó đồng cỏ bị lây bệnh từ một loài gặm nhấm gốc Ghana. Lúc ấy chỉ có hai đứa trẻ nhiễm bệnh và hồi phục.

Ngày 18 Tháng Năm, 2022, trường hợp đầu tiên bị bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ trong đợt bùng phát mới được ghi nhận ở tiểu bang Massachusetts. Theo các nhà nghiên cứu qua một bài báo năm 2005, việc chích ngừa đại trà bệnh đậu mùa thông thường “có lẽ” đã hạn chế được lây nhiễm bệnh đậu mùa ở khỉ trong một thời gian. Nhưng rồi chúng đã bùng phát trở lại do khả năng miễn dịch kém ở các thế hệ sau.

CDC cho biết, bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ hai đến bốn tuần sau khi nhiễm, với các triệu chứng ban đầu giống cúm và sưng hạch bạch huyết (lymph nodes). Cuối cùng, những mụn (bumps) chứa đầy chất lỏng hay còn gọi là “fox” (thủy đậu) lan rộng trên da. Các ca bệnh đậu mùa khỉ mới nhất cũng có phát ban ở bộ phận sinh dục nên dễ bị nhầm lẫn với bệnh giang mai (syphilis) hoặc mụn rộp (herpes).

Các khu vực bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. (ảnh: ArcMachaon – Wikipedia)

Cách lây nhiễm và tỷ lệ tử vong

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với động vật, người bị nhiễm và các đồ dùng mà người bị nhiễm sử dụng. Các nguy cơ được CDC liệt kê gồm: Tiếp xúc với chất dịch cơ thể, tiếp xúc với vết loét do đậu mùa khỉ và lây nhiễm qua “các giọt bắn qua đường hô hấp” trong “môi trường gần” như “quan hệ” tình dục.

CDC lưu ý: “Vết thương là nguồn lây lan đáng kể nhất, đặc biệt là tiếp xúc da kề da với người bệnh đã phát ban, dùng chung giường, mặc quần áo dính mầm bệnh hoặc lây qua đường hô hấp khi mặt đối mặt kéo dài với người bệnh đã bị tổn thương ở miệng, cổ họng. Bệnh đậu mùa ở khỉ có thể gây chết người, nhưng hai chủng virus chính có ảnh hưởng khác nhau: Chủng Congo Basin gây tử vong 10% ở bệnh nhân, còn chủng Tây Phi gây tử vong chỉ 1%.

Các chuyên gia nhấn mạnh, bệnh đậu mùa khỉ khác với coronavirus. Bệnh rất dễ phát hiện nên việc theo dõi và cách ly dễ dàng hơn nhiều. Aris Katzourakis, giáo sư về tiến hóa và bộ gen tại Đại học Oxford nói: “Chúng ta đã có loại vaccine đậu mùa có thể giúp bảo vệ nếu cần. Bệnh cũng không có khả năng lây nhanh trên toàn cầu với tốc độ như coronavirus, vì bệnh đậu mùa ở khỉ lây truyền giữa người và người khó hơn nhiều”. Nhưng Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết, có điều gì đó khá bất thường trong đợt lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ này mà các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân. “Vẫn chưa tìm ra sợi dây liên kết những ca nhiễm mới với nhau, kể cả đường du lịch,” Inglesby nói.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Vaccine

Dữ liệu cho thấy vaccine đậu mùa (smallfox) có hiệu quả khoảng 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, theo CDC. Dù vaccine đậu mùa đã ngừng cung cấp cho công chúng Mỹ từ thập niên 1970, nhiều năm sau khi căn bệnh này được loại bỏ ở Bắc Mỹ, một loại vaccine mới – ACAM2000 – thay thế vaccine cũ vào giữa thập niên 2000. Đến năm 2019, vaccine Jynneos được chuẩn thuận để chủng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở những người lớn có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên.

Để kiểm soát virus lây lan, Hoa Kỳ mua Jynneos (đây cũng là loại vaccine duy nhất chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ được CDC chuẩn thuận) để phân bổ cho số người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ và đang bị HIV. Nhưng các quan chức y tế ở New York và Washington D.C. cho biết hiện không còn đủ nguồn cung.

Ruth Karron, giáo sư và Giám đốc của sáng kiến Johns Hopkins Vaccine Initiative tại trường y Bloomberg School of Public Health khuyên những ai nghĩ mình từng tiếp xúc với mầm bệnh đậu mùa khỉ nên đi chích vacicne. Bà nói: “Vì thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ kéo dài đến hai tuần, dữ liệu cho thấy những người chích ngừa sau khi tiếp xúc hoặc nhiễm bệnh có thể không bị nhiễm hoặc bị nhẹ hơn”.

Đối với những người đã được chích ngừa bệnh đậu mùa cách nay nhiều thập niên vẫn có thể áp dụng một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ, nhưng CDC khuyên, nếu chưa chủng ngừa đậu mùa trong ba năm qua thì nên cân nhắc chích ngừa nếu nghi có tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy không khuyến khích chích ngừa hàng loạt vaccine nhưng WHO cũng đang phát triển một kế hoạch để giúp người dân dễ tiếp cận với vaccine và phương pháp điều trị.

Đọc thêm:

-WHO: bệnh đậu mùa khỉ là “tình huống khẩn cấp” quốc tế

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: