Dỗ trẻ bằng điện thoại, hậu quả khó lường!

(minh họa: Unsplash)

Cha mẹ dùng smartphone hay laptop để “dỗ dành” trẻ có thể ảnh hưởng rất xấu đến khả năng nhận biết và điều chỉnh những phản ứng cảm xúc tiêu cực của chúng. Đó là kết quả cuộc nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, theo CNN.

Bạn có từng dùng điện thoại, hay laptop để dỗ con mỗi khi chúng khóc, quậy phá chưa? Nếu có, hãy suy nghĩ lại.

Vừa đi làm về mệt mỏi, lại còn phải chuẩn bị bữa tối cho cả nhà, con cái thì la khóc. Một chút thời gian trên màn hình hầu như luôn có tác dụng để giúp chúng bình tĩnh. Đó là “chiến lược” nhiều bậc cha mẹ thường làm. Nhưng một nghiên cứu mới đã lên tiếng cảnh báo: việc đưa cho trẻ một thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh hoặc bật TV theo kiểu “mặc định” mỗi khi chúng tức giận hay nổi nóng nghe có vẻ hợp lý, nhưng việc xoa dịu bằng cách này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

(minh họa: Unsplash)

Jenny Radesky, bác sĩ nhi khoa về phát triển hành vi, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Ngay cả khi trẻ chỉ hơi giận dữ, phản ứng bằng cách đưa cho trẻ một màn hình để hạ nhiệt, mà cứ lập đi lập như vậy, cha mẹ sẽ làm tăng cường độ tức giận và không hài lòng ở những lần sau”.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 422 câu trả lời của các phụ huynh và người chăm sóc tham gia nghiên cứu để đánh giá cách họ sử dụng các thiết bị công nghệ nhằm đánh lạc hướng và mức độ rối loạn trong việc kiểm soát hành vi của trẻ từ 3 đến 5 tuổi trong vòng sáu tháng. Kết quả cho thấy việc thường xuyên sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để đánh lạc hướng trẻ khỏi hành vi khó chịu và gây rối như nổi cơn thịnh nộ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn, rối loạn cảm xúc nặng hơn, đặc biệt ở bé trai và nhóm trẻ kém kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc.

“Nghiên cứu cho thấy, khi bạn thấy đứa con từ 3 đến 5 tuổi có một khoảnh khắc tiêu cực về cảm xúc. Chúng la hét khóc lóc về điều gì đó; bực bội, thậm chí đánh, đá hoặc nằm vật trên sàn nhà, thì chiến lược đánh lạc hướng hoặc khiến chúng im lặng bằng cách đưa cho chúng chiếc điện thoại sẽ không giúp ích gì về lâu dài,” Radesky, phó giáo sư khoa học hành vi tại Đại học Y Michigan nhấn mạnh. “Có hai vấn đề xuất hiện khi cha mẹ dùng các phương tiện truyền thông để ‘dỗ’ trẻ. Thứ nhất, trẻ bị lấy mất cơ hội tự nhận biết và xử lý những cảm xúc tiêu cực đột ngột (như tức giận, bức bối). Thứ hai là tạo cho trẻ thói quen dùng những hành vi tiêu cực để ‘tống tiền’ cha mẹ và đạt được điều chúng muốn. Thói quen này sẽ theo chúng đến lúc trưởng thành và là lực cản cho trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội sau này”.

Nghiên cứu phù hợp với các khuyến nghị của các tổ chức có liên quan đến sức khỏe, như Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Hoa Kỳ (American Academy of Child and Adolescent Psychiatry) và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization), trong đó nhấn mạnh, trẻ em từ 2 đến 5 tuổi nên giới hạn tối đa thời gian tiếp cận với màn hình.

Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì?

Thay vì làm cho trẻ phân tâm bằng điện thoại, laptop, Radesky khuyên các bậc cha mẹ nên xem những cơn giận dữ và rối loạn cảm xúc của trẻ là cơ hội để chúng tự nhận biết và học cách đối phó. “Hãy để chúng tập điều chỉnh mỗi khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực. Những gì chúng học được sẽ rất hữu ích trong tương lai,” Harrison nói. “Không có công cụ kỹ thuật số nào có thể thay thế cho sự tương tác, làm gương và dạy dỗ của người lớn”.

Theo Radesky, thay vì trấn áp những biểu hiện thất vọng, tức giận hoặc buồn bã của trẻ bằng cách phân tâm chúng bằng công nghệ, sẽ là một ý tưởng hay nếu cha mẹ đưa trẻ đến một nơi thoải mái để trẻ tập nhận biết và làm chủ những cảm xúc vừa xuất hiện, có thể là một trò chơi hay một công việc nào đó mà chúng thích. Thông điệp ở đây là: thái độ của con không phải là tồi tệ đến nỗi phải che giấu mà chỉ cần điều chỉnh lại. Ngay cả cha mẹ cũng có lúc như thế. Tất cả chúng ta đôi khi cần điều chỉnh lại.

(minh họa: Unsplash)

Có thể rất hữu ích để cha mẹ và người chăm sóc giúp trẻ gọi đúng tên cảm xúc là bực bội, tức giận hay không hài lòng, và đề nghị giải pháp khi trẻ phản ứng không phù hợp với những cảm xúc đó. Ví dụ, cho trẻ biết hành vi đập, đánh hay khóc lóc là do nhớ mẹ; rồi cho trẻ một cái ôm chặt và chụp ảnh chung.

Nhưng đôi khi nói về cảm xúc là quá trừu tượng đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Trong những trường hợp đó, Radesky khuyến nghị nên sử dụng màu sắc để nói về cảm xúc. “Chẳng hạn màu xanh lá cây là bình tĩnh và hài lòng; lo lắng hoặc kích động có màu vàng; buồn bã hoặc tức giận có màu đỏ. Sử dụng đồ họa hoặc hình ảnh khuôn mặt để giúp trẻ đối chiếu những gì chúng đang cảm thấy với vùng màu tương hợp. Để trẻ dễ hiểu, người lớn cũng nên thể hiện cảm xúc của chính mình bằng màu sắc cho trẻ thấy,” bà nói. “Bạn và con bạn có thể cùng nhau nghiên cứu các màu sắc và xác định cách xoa dịu cho các khu vực khác nhau. Cần biết là kiểu giảng dạy đó tốn rất nhiều công sức, nhưng đừng bao giờ sợ hãi và cũng không cần hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Tương đối đã là tốt! Điều quan trọng là làm sao cho trẻ nhận biết chính xác cảm xúc chúng đang có và cách xử lý. Có lúc bạn không có đủ thời gian mà chỉ còn đủ năng lượng để ôm hoặc chờ đợi hành vi tiêu cực của trẻ qua đi. Điều thực sự quan trọng là con cái thấy những người lớn trong cuộc sống của chúng đang cố gắng hiểu cảm giác của chúng là gì, đến từ đâu và làm thế nào để giúp đỡ.”

Trẻ em cần được khuyến khích để ra ngoài và trải nghiệm thế giới, đồng thời cha mẹ và người chăm sóc cần trợ giúp để tìm ra cách cung cấp sự trợ giúp mà không khiến chúng cảm thấy bất an hoặc bị phơi bày quá mức.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: