Khi người thân mắc bệnh Alzheimer

(Hình minh họa: Artem Labunsky/Unsplash)

Một ngày, khi biết cha, mẹ, hay chồng, vợ của mình được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Chúng ta thường nghe nói, nhưng không quan tâm nhiều đến căn bệnh này trước đây, có thể vì chuyện đó xảy ra cho những người ở thế hệ trước ta, như ông bà cố, ông bà nội, ngoại. Nhưng đến tuổi trung niên hoặc khi bản thân mình cũng là một người già, cha hoặc mẹ bạn hoàn toàn có thể là bệnh nhân của chứng mất trí nhớ, lúc đó bạn mới giật mình vì những thông tin về chứng bệnh đáng sợ này. Hơn thế nữa, ngày nay bệnh Alzheimer ngày càng trẻ hóa. Đã có những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh mất trí nhớ khi mới ở tuổi đôi mươi.

Hàng loạt những triệu chứng như thường xuyên nhầm lẫn, để sai vị trí của đồ dùng cá nhân, không thể tự chăm sóc bản thân, quên tên mọi người quen và cả người thân yêu trong gia đình như chồng/ vợ, con cái.

Đây là căn bệnh với những biểu hiện kinh khủng, khi ba mẹ không nhớ bạn là con của họ, khi mẹ bạn hỏi bạn là ai, khi mẹ khăng khăng nói bạn ăn cắp tiền của bà, khi một buổi sáng đang ở sở thì nhận tin mẹ đã bỏ ra khỏi nhà mà không biết đi đâu.

Bệnh Alzheimer liên quan đến những hoạt động sau:

-Hoạt động ý thức, tư duy

-Hoạt động tâm thần

-Sinh hoạt hàng ngày

Một vài vấn đề có thể làm phát triển bệnh Alzheimer: Căng thẳng, trầm cảm; Mất ngủ; Mỡ máu cao; Áp huyết cao; Áp huyết tâm trương thấp dưới 70.

Khi bệnh đã phát triển, hiện chưa có thuốc hay phương pháp điều trị hiệu quả.

Vào Tháng Bảy năm 2023, FDA phê duyệt một loại thuốc để chữa bệnh Alzheimer. Nhưng theo các nhà chuyên môn đánh giá, thuốc sẽ không thể điều trị dứt điểm, mà chỉ làm chậm sự phát triển của bệnh. Chính vì vậy, hãy quan tâm chăm sóc đến sức khỏe khi chưa bị phát bệnh.

Mặc dù bệnh Alzheimer thường bắt đầu bằng việc mất dần khả năng ghi nhớ thông tin mới, bệnh này và hầu hết các bệnh gây ra chứng mất trí đều tiến triển thành tình trạng không có khả năng tự chăm sóc bản thân, khó nói và khó nhìn chính xác.

Ở giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, nhiều người mất khả năng đi bộ và duy trì khả năng kiểm soát bàng quang và ruột. Nhiều người sẽ trải qua những thay đổi tâm trạng dữ dội ảnh hưởng đến hành vi và một số người phát triển những ý tưởng sai lầm, ảo giác gây phiền nhiễu cho họ và những người chăm sóc họ.

Không gì cô đơn cho bằng việc chăm sóc người thân bị bệnh Alzheimer, vì họ luôn xem bạn như người lạ.

Những người từng chăm sóc người thân bị bệnh thấy chứng mất trí nhớ không diễn ra như một con dốc thoai thoải, nó là một loạt các bước đi giật cục. Những thay đổi lớn đến đột ngột và không báo trước.

Một nghiên cứu ở Hong Kong cho thấy 35.7 % người chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ phải dành hơn 20 giờ chăm sóc mỗi tuần, tương đương với công việc bán thời gian, ngoài công việc chính thức của họ. Những người chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ có tỷ lệ căng thẳng cao hơn những người chăm sóc những người mắc các bệnh khác.

Ngoài việc bảo đảm cho người bệnh sạch sẽ, thoải mái, được ăn uống đầy đủ, an toàn, hãy để mắt đến họ khi tắm, mua tã để giảm thiểu các tai nạn tiểu không tự chủ, vì điều này khiến họ rất đau khổ.

Những người chăm sóc biết họ cần phải chăm sóc ngày một nhiều hơn, nhưng họ không chắc điều đó sẽ diễn ra như thế nào – hoặc chứng mất trí nhớ của người thân sẽ tệ đến mức nào, hoặc nhanh đến mức nào.

Sau đây là một số điều có thể làm cho việc chăm sóc người thân bị Alzheimer tốt hơn.

Tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về căn bệnh mà người thân của bạn đang mắc phải.

Tập trung vào nhu cầu và khả năng còn lại của người bệnh.

Hãy luôn có một bác sĩ chăm sóc chính hiểu biết về chứng mất trí nhớ và nhu cầu y tế của người đó.

Xem xét nhu cầu về mặt tình cảm, thể chất và tinh thần củachính bạn. Đáp ứng những nhu cầu này sẽ có lợi cho cả bạn và bệnh nhân mất trí nhớ.

Mất trí nhớ là một căn bệnh tiến triển. Hãy yêu cầu trợ giúp khi cần, lập kế hoạch cho những thay đổi có thể xảy ra và biết rằng cuối cùng, một người có thể không thể cung cấp tất cả các dịch vụ chăm sóc cần thiết cho người bệnh.

Cố gắng sắp xếp thời gian, để bản thân bạn được nghỉ ngơi xứng đáng.

Mỉm cười. Điều đó khiến bạn cảm thấy tốt hơn và giúp người bạn chăm sóc tin tưởng bạn.

Thỉnh thoảng, hãy ghi âm lại cuộc trò chuyện của bạn với người được bạn chăm sóc. Lưu ý giọng điệu và ngôn ngữ của bạn. Hãy kiềm chế nếu cần thiết.

Viết nhật ký: việc viết nhật ký giúp chúng ta giải tỏa, vượt qua những ngày khó khăn nhất và còn là kỷ vật cho những ngày tốt đẹp.

Ngay từ bây giờ, hãy lưu tâm giúp cha mẹ và chính bản thân hầu có thể tránh được bệnh Alzheimer nguy hiểm bằng những việc làm này: Đọc sách; Học điều gì mới; Lưu tâm đến chất lượng giấc ngủ; Không để bị căng thẳng lâu ngày; Lưu ý không để bị trầm cảm; Sinh hoạt lành mạnh, duy trì giao lưu dù ở tuổi nào; Duy trì huyết áp ổn định.

Khi thường xuyên gặp các vấn đề gợi ý đến bệnh Alzheimer, hãy gặp bác sỹ để được hỗ trợ sớm.

(Tổng hợp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: