Lần đầu tiên, cấy ghép thành công nội tạng lợn cho người

Ảnh: BSIP/Universal Images Group via Getty Images

Smithsonian Magazine cho biết, lần đầu tiên, y học hiện đại đã ghép thận lợn cho một bệnh nhân còn sống. Các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó, nội tạng từ động vật có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng có sẵn để cấy ghép cho người.

Bệnh nhân, Richard Slayman, 62 tuổi, ở Massachusetts, trong tình trạng bị suy thận giai đoạn cuối, đã được điều trị thử nghiệm. Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ diễn ra vào ngày 16 Tháng Ba 2024 tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Sleyman đang hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện, theo thông báo từ bệnh viện. Wired cho biết thêm:

Ngay sau khi được đặt vào cơ thể bệnh nhân, thận (lợn) cấy ghép bắt đầu sản xuất nước tiểu – dấu hiệu cho thấy nó hoạt động bình thường. Cuộc phẫu thuật cấy ghép đánh dấu bước tiến mới nhất trong phương pháp cấy ghép dị chủng: Sử dụng nội tạng động vật cho cơ thể người, điều mà giới khoa học đã theo đuổi trong nhiều thập niên, khi nội tạng hiến tặng luôn trong tình trạng thiếu nghiêm trọng.

Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 100,000 người đang trong danh sách chờ ghép tạng và 17 người chết mỗi ngày khi chờ ghép. Thận là cơ quan phổ biến nhất trong các ca ghép nội tạng. CNN cho biết thêm, có 46,630 ca ghép tạng được thực hiện vào năm 2023 và hiện hơn 103,000 người vẫn đang trong danh sách chờ.

Việc cấy ghép thận lợn cho người không phải đơn giản, nếu không thì không phải đến bây giờ mới thực hiện được. Joren Madsen, giám đốc Trung tâm Cấy ghép Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết, hệ miễn dịch của con người phản ứng cực kỳ dữ dội với nội tạng lợn, do vậy, các nhà nghiên cứu dùng công nghệ chỉnh sửa gien để giảm khả năng bị đào thải.

Quả thận mới của bệnh nhân Richard Slayman là của một con lợn được nhân giống bởi công ty eGienesis ở Cambridge, Massachusetts; và người ta sử dụng kỹ thuật CRISPR (“clustered regularly interspaced short palindromic repeats”) để thực hiện 69 chỉnh sửa gien (gienetic edits) cho lợn, trong đó có việc loại bỏ các gien lợn có hại và thêm một số gien nhất định của con người. Họ cũng sử dụng CRISPR để vô hiệu hóa các loại virus bẩm sinh (innate viruses) được tìm thấy trong bộ gien của lợn mà theo lý thuyết có thể lây nhiễm sang người.

Hiện giới khoa học đang nghiên cứu và ứng dụng việc sử dụng tim lợn được chỉnh sửa gien để cấy ghép cho người. Cho đến nay, hai ca cấy ghép như vậy đã được thực hiện ở những bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe quá yếu nên không thể đủ điều kiện nhận tim của người hiến tặng. Trong cả hai trường hợp, bệnh nhân chỉ sống chưa đầy hai tháng.

Trong trường hợp Richard Slayman, ông được ghép thận lần đầu vào năm 2018 từ một người hiến tặng. Quả thận của người hiến ban đầu hoạt động tốt nhưng Slayman bắt đầu bị suy thận sau nhiều năm chung sống với bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.

Richard Slayman không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy thận nhân tạo – phương pháp điều trị giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi máu. Tuy nhiên, việc chạy thận gây ra nhiều biến chứng. Mạch máu của Richard Slayman bị đông và ông phải vào bệnh viện như cơm bữa. Bác sĩ Winfred Williams kể, “tôi chứng kiến ​​bệnh nhân của mình ngày càng chán nản”. Cuối cùng, Winfred Williams đề nghị ghép thận lợn. Slayman đồng ý.

Ca ghép thận lợn cho Richard Slayman diễn ra sau một ca hồi Tháng Giêng 2024, khi các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Pennsylvania ghép gan lợn đã chỉnh sửa gien cho một người chết não và nhận thấy rằng gan lợn được ghép vẫn hoạt động bình thường trong 72 giờ.

Gan lợn, cũng từ công ty eGienesis, chứa 69 chỉnh sửa gien, tương tự thận của Richard Slayman. Gan là cơ quan phức tạp hơn, do nó thực hiện nhiều chức năng. Do đó, các nhà nghiên cứu không nghĩ rằng gan lợn có thể được sử dụng thay thế gan của con người. Tuy nhiên, chúng có thể được sử dụng bên ngoài cơ thể và “kết nối” với những bệnh nhân đang chờ ghép tạng hoặc cho những người cần hỗ trợ tạm thời trong khi gan của họ hồi phục.

Năm 2023, công ty eGienesis cho biết, quả thận từ một con lợn được chỉnh sửa gien đã có thể hoạt động trong cơ thể khỉ hơn hai năm.

Forbes cho biết, công ty khởi nghiệp eGienesis có trụ sở tại Massachusetts cho đến nay đã huy động được $291 triệu từ quỹ đầu tư mạo hiểm, với tham vọng đưa công nghệ chỉnh sửa gien để ghép thận, gan và tim vào thử nghiệm lâm sàng trong hai năm tới.

Không chỉ thận và gan, eGienesis còn đang nghiên cứu tim, đặc biệt cho những ca cấy ghép tim ở trẻ em. CEO Mike Curtis của eGienesis cho biết, hiện nay, có đến hơn 50% trẻ em cần tim mới bị tử vong trong khi chờ ghép tim. Trong nghiên cứu, eGienesis nhận thấy những con khỉ đầu chó có tim được chỉnh sửa gien sống được hơn 200 ngày. Về lâu dài, eGienesis có tham vọng tạo ra các cơ quan ở lợn không cần ức chế miễn dịch, có nghĩa bệnh nhân cấy ghép sẽ không phải dùng thuốc để ngăn chặn sự đào thải.

Cần nói thêm, nội tạng lợn có giải phẫu tương tự nội tạng của con người. Trong hơn ba thập niên, van tim lợn đã được sử dụng để chữa tim người. Các sản phẩm từ lợn được dùng làm hàng chục loại thuốc cứu mạng sống, như epinephrine, được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng; và heparin, thuốc làm loãng máu.

Việc sử dụng nội tạng lợn để cấy ghép cho người không chỉ giúp tăng nguồn cung nội tạng mà còn có thể giảm chi phí cấy ghép. Hiện tại, tim và phổi cần được ghép trong vòng sáu giờ sau khi lấy ra. Thận có nhiều thời gian hơn một chút, với thời gian cấy ghép là 36 giờ. Trong khi đó, các bác sĩ không bao giờ biết chính xác khi nào nội tạng đến bệnh nhân kịp lúc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: