Ngủ trưa thường xuyên giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ

Ngủ trưa thường xuyên giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ. (Hình minh họa: Adi Goldstein/Unsplash)

Theo một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và giáo sư Mohamed Elmasry của University of Waterloo, những thói quen đơn giản hàng ngày, như ngủ trưa và duy trì hoạt động, sẽ hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Theo dữ liệu năm 2014 từ CDC, hơn năm triệu người Mỹ trên 65 tuổi sống chung với chứng mất trí nhớ. Chứng sa sút trí tuệ có nhiều dạng khác nhau – dạng phổ biến nhất là bệnh Alzheimer – và được đặc trưng bởi khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và đưa ra quyết định bị suy giảm.

Các nhà khoa học tin rằng bệnh Alzheimer là do sự tích tụ bất thường của protein trong và xung quanh tế bào não, mặc dù chính xác điều gì gây ra sự tích tụ này vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer phụ thuộc vào nhiều yếu tố di truyền và môi trường.

Trong cuốn sách mới sắp ra mắt của mình, “iMind: Artificial and Real Intelligence” (iMind: Trí Tuệ Nhân Tạo và Trí Thông Minh Thật Sự), Elmasry viết, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào AI sẽ làm nâng cao nguy cơ mắc chứng hay quên và các dạng suy giảm nhận thức khác.

Elmasry nói với Newsweek: “AI đã trở thành một chủ đề quen thuộc trong nhiều gia đình. Mọi người nên biết những khả năng và giới hạn của AI, nhưng trí thông minh thật sự lại quan trọng hơn nhiều. Do đó hãy quan tâm đến nó bằng cách chú ý đến thể chất, tinh thần và thể lực của bản thân.”

Cũng giống như cơ bắp, trí nhớ của chúng ta cần được rèn luyện hằng ngày và tuân theo nguyên tắc “không dùng thì sẽ mất.”

Tới giờ nghỉ, bạn cứ nên làm một giấc, cho khỏe. (Hình minh họa: Unsplash)

Sách của Elmasry có ghi: “Con người có thể cố ý phát triển và kiểm tra trí nhớ của mình bằng cách chơi những ‘trò chơi trí tuệ’ hoặc thực hiện các bài tập trí não hàng ngày.” Bằng cách dựa vào Google và các công cụ tìm kiếm khác, Elmasry cho rằng nhiều người đang bỏ bê việc rèn luyện trí não này và cho phép AI thay thế những gì ông mô tả là “Trí Thông Minh Thật Sự.”

Ngoài việc rèn luyện trí não, điều quan trọng khác là phải cho não nghỉ ngơi thường xuyên. Càng ngày các nghiên cứu càng chỉ ra rằng việc ngủ trưa đều đặn, ngắn ngày sẽ cải thiện hiệu suất của mỗi người trong các bài kiểm tra nhận thức, đặc biệt là những bài thử thách liên quan đến trí nhớ.

Elmasry mô tả những giấc ngủ trưa là “thiết lập lại” để làm mới ký ức cũng như các chức năng khác của não và cơ thể. “Nghỉ trưa là để cho bộ não có một giấc ngủ ngon vào giữa trưa để nạp lại năng lượng, viết lại trí nhớ và mơ mộng.

Nếu không làm như vậy thì sao? Một bộ não hoạt động không ngừng nghỉ, như từ 6 giờ sáng đến 11 giờ tối. Tuy nhiên, bạn cũng không thể ép não và cơ thể mình nghỉ ngơi lâu hơn mức cần thiết. Nếu đang làm việc, hãy tận dụng một phần thời gian vào buổi trưa để chợp mắt, gối đầu lên tay, hai chân lên bàn làm việc. Nếu bạn đã nghỉ hưu, bất cứ lúc nào cũng là thời gian tốt để ngủ trưa và nhớ là hãy nằm trên giường.”

Elmasry cũng khuyên mọi người nên kết hợp một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn vào lịch trình hàng tuần của mình, duy trì hoạt động tích cực, áp dụng một khẩu phần ăn uống lành mạnh và giảm thiểu tiêu thụ rượu. Căng thẳng mãn tính cũng có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn.

“Tôi ăn uống tốt, ít căng thẳng, tập thể dục đều đặn, đọc nhiều, thiền nhiều, ngủ trưa thường xuyên, không uống rượu, không hút thuốc, trò chuyện với gia đình, bạn bè và người lạ, và viết sách. Để viết một cuốn sách bạn cần phải đọc hơn 50 quyển khác,” Elmasry chia sẻ.

Động lực đã đến với Elmasry để viết “iMind: Artificial and Real Intelligence” sau khi anh rể của ông qua đời vì bệnh Alzheimer, cũng như mẹ ông, người đã trở thành nạn nhân của các dạng mất trí nhớ khác.

Ông viết: “Trí óc là tài sản có giá trị cao nhất mà bạn có hoặc chỉ có thể có. Hãy tăng tiềm năng và tuổi thọ của nó bằng cách chăm sóc trí não ngay từ khi còn trẻ, giữ cho não và cơ thể bạn khỏe mạnh để tiếp tục phát triển.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: