Thận heo hoạt động tốt trong cơ thể con người

(minh họa: julien Tromeur/Unsplash)

Các bác sĩ phẫu thuật tại New York University (NYU) Langone Health đã cấy ghép một quả thận heo biến đổi gene vào cơ thể người và nó đã hoạt động rất tốt sau hơn một tháng.

Đây là một bước quan trọng đối với y học, và nếu thành công, có thể cứu sống rất nhiều người đang chờ thay nội tạng.

Hơn 100,000 người dân ở Hoa Kỳ đang chờ đợi để được thay thế, nhưng chỉ một phần ba trong số họ sống đủ lâu để nhận được nội tạng mà họ cần.

Các nhà khoa học trên khắp đất nước đang chạy đua để tìm hiểu cách sử dụng nội tạng động vật để cứu sống con người. Thí nghiệm mới nhất được NYU Langone Health công bố, đánh dấu thời gian thận heo hoạt động lâu nhất ở người. Các nhà nghiên cứu vẫn đang theo dõi hoạt động của thận khi bước sang tháng thứ hai.

Các bác sĩ tại NYU Langone Health cho biết công việc của họ là một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra nguồn cung cấp nội tạng thay thế. “Liệu nội tạng của động vật có thực sự hoạt động như cơ quan của con người không?” Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc viện cấy ghép NYU Langone, nói với hãng tin AP. “Nó thậm chí còn đẹp hơn cả một quả thận của con người.”

Montgomery cho biết một bệnh nhân chết não, được thay thận của một con heo biến đổi gene và ngay lập tức họ chứng kiến nước tiểu xuất hiện.

Khả năng một ngày nào đó thận heo có khả năng giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các cơ quan nội tạng có thể cấy ghép đã thuyết phục gia đình Maurice “Mo” Miller ở ngoại ô New York hiến thi thể của ông cho cuộc thí nghiệm. Ông đột ngột qua đời ở tuổi 57 vì căn bệnh ung thư não chưa được chẩn đoán trước đó, khiến ông không thể hiến nội tạng.

“Tôi đã phải vật lộn với điều này,” chị gái ông, Mary Miller-Duffy, nói với AP về quyết định của mình, “nhưng anh ấy luôn thích giúp đỡ người khác và tôi nghĩ đây là điều mà anh trai tôi mong muốn. Vì vậy, tôi đã hiến tặng cơ thể anh trai mình cho họ.”

“Anh ấy sẽ được ghi tên vào sách y học và sẽ sống mãi mãi,” bà nói thêm.

Những nỗ lực cấy ghép từ động vật sang người, hay cấy ghép xeno, đã thất bại trong nhiều thập niên qua, khi hệ thống miễn dịch của con người tấn công các mô lạ. Hiện các nhà nghiên cứu đang sử dụng heo biến đổi gene để nội tạng của chúng phù hợp hơn với cơ thể con người.

Năm ngoái, với sự cho phép đặc biệt của cơ quan quản lý, các bác sĩ phẫu thuật của University of Maryland đã cấy ghép một quả tim heo được chỉnh sửa gene vào một người đàn ông sắp chết vì không còn lựa chọn nào khác. Ông chỉ sống sót được hai tháng trước khi nội tạng bị hỏng vì những lý do chưa được hiểu đầy đủ, nhưng đó là bài học cho những nỗ lực trong tương lai.

Tiếp theo đó, thay vì những nỗ lực cuối cùng, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đang xem xét liệu có cho phép thực hiện một số nghiên cứu nhỏ nhưng nghiêm ngặt về ghép tim hoặc thận heo ở bệnh nhân tình nguyện hay không.

Thí nghiệm của NYU là một trong những chuỗi phát triển nhằm tăng tốc độ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng như vậy. Tuần trước, University of Alabama ở Birmingham báo cáo một thành công quan trọng khác – một cặp thận heo hoạt động bình thường bên trong một cơ thể hiến tặng khác trong bảy ngày.

Thận không chỉ tạo ra nước tiểu, chúng còn cung cấp nhiều công việc khác nhau trong cơ thể. Trên tạp chí JAMA Surgery, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép UAB, Tiến sĩ Jayme Locke báo cáo các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ghi lại hoạt động của nội tạng heo biến đổi gene. Cô cho biết thí nghiệm kéo dài một tuần chứng tỏ chúng có khả năng “cung cấp chức năng thận duy trì sự sống”.

Trước đây, NYU và một nhóm nghiên cứu tại University of Alabama ở Birmingham đã thử nghiệm cấy ghép thận heo ở những người nhận đã chết trong hai hoặc ba ngày. Một nhóm của NYU cũng đã cấy ghép tim heo vào cơ thể người hiến tặng trong ba ngày thử nghiệm.

Nhưng các nội tạng của heo phản ứng thế nào trước một cuộc tấn công miễn dịch phổ biến hơn ở người mà phải mất khoảng một tháng để hình thành? Chỉ thử nghiệm lâu hơn mới có thể biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: