Thần y Tạ Việt Hoàng với “Tẩy tủy công bí truyền”

Thầy Tạ Việt Hoàng (ảnh: tác giả cung cấp)

Đây là câu chuyện một thần y có thể chữa được nhiều chứng nan y mà tình trạng của bệnh nhân gần như không thể cứu chữa bằng y học phương Tây…

Duyên gặp gỡ

Một buổi sáng mùa Hè cách đây chừng hơn 30 năm, tôi đang ngồi chờ tới lượt tại phòng chữa răng của nha sĩ T., San Jose, CA. thì chợt có tiếng tranh cãi ngay trong phòng. Tôi ngạc nhiên nhìn lên. Một bệnh nhân đang ngồi trên chiếc ghế xoay, đầu ngửa ra trong tư thế sẵn sàng nhưng nhất định không để nha sĩ chích thuốc gây tê. Bà có vẻ là một người gốc Hoa, mái tóc bạc trắng. Tôi lắng nghe cuộc đối thoại đang vào hồi gay cấn:

Thuốc tê không thể làm tôi khỏi đau. Ông biết là khi thuốc tan rồi, cái đau sẽ còn khủng khiếp hơn.

Tôi không thể chữa răng cho bệnh nhân mà không chích thuốc tê. Lương tâm nghề nghiệp không để cho tôi làm vậy!

Người đàn bà tóc bạc mỉm cười: “Tôi có giải pháp. Xin ông làm ơn đợi chút.” Rồi bà xin phép gọi điện thoại. Chừng mươi phút sau, một người đàn ông dáng dấp nhỏ con xách chiếc hộp đựng dụng cụ nhẹ nhàng bước vào. Anh ta vận bộ áo quần màu đen có khuy tết theo kiểu xưa. Anh xin phép được thao tác.

Chỉ trong vài giây, những chiếc kim bạc nhỏ xíu đuôi cong xoắn được nhẹ nhàng gắn vào bên hàm bệnh nhân một cách chính xác. Trước sự kinh ngạc của mọi người trong phòng, bệnh nhân thản nhiên há miệng cho vị nha sĩ đục, mài, lấy tủy răng… với những âm thanh ken két, xè xè rợn người. Dường như vị nha sĩ muốn thử thách công năng của những chiếc kim bạc nên ông có phần xuống tay mạnh bạo hơn. Cho tới lúc phần việc của nha sĩ kết thúc, gương mặt người đàn bà tóc bạc vẫn thản nhiên, thậm chí trông như phảng phất một nụ cười.

Người đàn ông vận bộ quần áo đen cất lại những chiếc kim có đuôi cong. Không nén được tò mò, thán phục, tôi bước lại làm quen. Tôi tưởng anh là một thầy châm cứu người Hoa, nhưng không phải. Anh là bác sĩ châm cứu Tạ Việt Hoàng, làm việc cho bệnh viện O’Connor và một số bệnh viện khác trong khu vực, với những ca khó, khi bệnh nhân quá lớn tuổi, hoặc mắc những chứng bệnh cá biệt không đủ khả năng chịu đựng gây mê để phẫu thuật. Lúc đó, bệnh viện sẽ cần đến những cây kim của bác sĩ Tạ.

Thầy Tạ Việt Hoàng (giữa) trong phòng mạch (ảnh: tác giả cung cấp)

Tôi nhẩm lại trong trí mình câu chuyện của anh Nguyễn Văn Lợi, chủ nhà hàng Golden Chopsticks những năm 1980, kỹ sư hóa nghỉ hưu ở San Jose, khi đang ngồi trên máy bay bay từ miền Đông. Tôi không muốn xuôi tay ngồi chờ đợi con số đo nhãn áp của chồng tôi mỗi ngày mỗi tăng, kèm theo nó là nguy cơ anh sẽ mất thị lực hoàn toàn, trở thành người sống trong bóng tối.

Tây y đã gần như bó tay trước chứng bệnh này: Mất dần khả năng nhìn vì dây thần kinh mắt bị hủy hoại theo bệnh tăng nhãn áp. Bệnh glaucoma góc mở, cũng như góc đóng, là tuyệt chứng. Giữa lúc đó, anh chợt nhớ ra một người bạn từ vài mươi năm trước. Một người thầy thuốc với tay nghề châm cứu kỳ lạ. Đây có thể là cơ hội cuối cùng cho đôi mắt anh. Chúng tôi vội vàng thu xếp lên đường từ miền Đông qua miền Tây, thành phố San Jose, California.

Không chỉ châm cứu ngừa đau thành công cho các ca chữa răng hay phẫu thuật, bác sĩ Tạ còn từng giúp cho nhiều phụ nữ quá e sợ chứng đau khi chuyển dạ cất được gánh nặng sinh nở, vốn là thử thách lớn đối với giới nữ, chỉ bằng những cây kim nhỏ châm trên vành tai. Nhưng chữa bệnh glaucoma là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Tôi không tin châm cứu có thể chữa được chứng bệnh mà Tây y đã bó tay.

Chàng kỹ sư trở thành “ông lang”

Người lái xe Uber thả chúng tôi trước điểm đến, một dãy nhà hai lầu xây đơn giản với những cửa sổ mở rộng, ẩn sau giàn cây lá hình tim căng nhựa trổ mạnh như bão. Sau này tôi biết đó là cây điền thất, một loài thuốc quý lấy từ cao nguyên Vân Nam, tác dụng bổ gân cốt. Mùi thuốc bắc nồng khiến tôi nhớ tới những trái táo tàu ngọt thơm trong thang thuốc bắc của Nội hồi tôi còn nhỏ. Ông xã làm thủ tục ghi danh để được coi mạch và châm cứu buổi đầu tiên ở lầu hai.

Thầy Tạ đón chúng tôi bằng tình cảm của một người thân trong gia đình sau vài mươi năm mới gặp lại. Trên 30 năm trước, ông là người em thân thiết cùng tập khí công với ông xã tôi, say mê trong thế giới với những quy luật riêng của sức mạnh và năng lượng. Ông đủ tỉnh táo và sâu sắc để đánh giá bệnh trạng cũng như năng lực cứu chữa của bản thân: “Anh đến với em trễ quá. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức.”

Với một ẩn ý mà sau này tôi mới biết, bác sĩ Tạ cho phép tôi có mặt trong thời gian ông châm cứu cho bệnh nhân đặc biệt – ông xã tôi. Ngoài châm cứu hai cườm tay, mu bàn tay, hai cổ chân, lòng bàn chân, phần dày công nhất là châm vùng đầu, mặt, tai, và lưng, vùng huyệt thận du. Tôi suýt bật kêu lên khi thầy Tạ châm hai cây kim khá dài vào vùng huyệt ở hai đầu lông mày anh. Mắt trái bị bệnh nặng hơn, nhãn áp cao khiến cho chỉ mười tới hai chục phút sau, cây kim bị đẩy nhô dần lên như muốn nảy ra ngoài.

Tạ Việt Hoàng đi tị nạn và định cư tại San Jose vào Tháng Tư 1975 cùng cha mẹ và sáu anh chị em. Chọn một con đường để phụ giúp song thân trong những ngày tháng khó khăn đầu tiên ở xứ người, anh học lấy bằng kỹ sư cơ điện rồi đi làm kiếm sống. Chỉ cần với tấm bằng kỹ sư, nhiều người đã có thể lo cho mình và người thân một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu sống của Tạ Việt Hoàng.

Thầy Tạ Việt Hoàng lúc mới sang Mỹ (ảnh: tác giả cung cấp)

Ít ai biết, trong người thanh niên mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn ấy nuôi dưỡng một ước mơ lớn, khám phá những năng lực tàng ẩn của y học truyền thống phương Đông và khả năng tự phục hồi của cơ thể khi mắc bệnh nan y. Thế giới đó phần nào hé cửa với anh từ những ngày còn nhỏ, vốn là một đứa trẻ yếu đuối về thể chất nhưng không cam chịu từng trốn mẹ đi học hết lò võ này tới lò võ khác.

Khi cô em gái út tốt nghiệp đại học và có thể chung vai gánh vác gia đình, kỹ sư Tạ Việt Hoàng mới ít cảm thấy “tội lỗi” khi quay trở lại với đam mê từ những ngày niên thiếu. Số tiền anh để dành dụm được sau hai năm làm kỹ sư, ngoài phần giúp gia đình, được dùng đóng học phí để theo đuổi học nghề bác sĩ châm cứu tại một trường ở San Francisco, vốn là ngành học tốn kém bởi phải hoàn thành chương trình Medical Doctor trước khi học chuyên ngành chính.

Sau sáu năm học kiến thức và nghề nghiệp, kỹ sư Tạ tiếp tục lao vào học hỏi kinh nghiệm từ những bậc thầy diệu nghệ được truyền tụng. Anh học coi mạch với thầy Bắc Thần, một vị danh y chẩn bệnh như thần cũng “may mắn” tị nạn ở Hoa Kỳ; học xuống kim với một y sư Trung Hoa nổi tiếng vì tài xuống kim mau lẹ, chuẩn xác (bà cũng là người truyền dạy “Tí Ngọ châm” cho Tạ Hoàng, phép châm cho những huyệt chỉ mở vào giờ Tí và Ngọ); luyện tập các môn khí công bí truyền và không bí truyền để mở rộng hiểu biết về năng lực tự nhiên khắc chế bệnh tật của cơ thể nhờ điều hòa “khí” và “công”.

Nhờ tầm sư học đạo và tự học, chỉ mươi năm sau khi ra trường, “ông lang” Tạ Hoàng đã trở thành một tên tuổi được các bệnh viện Tây y biết đến và quý trọng, ngoài danh tiếng trong giới làm nghề châm cứu nói riêng. Điều đặc biệt trong cách chữa bệnh của Tạ Hoàng là ông không coi mình đang làm “một nghề” với những kỹ thuật hay “nghệ thuật” cao siêu.

Coi mạch, châm cứu cho bệnh nhân cũng tự nhiên, bình thản như hít thở, pha một ấm trà, đọc một trang sách, cắm một nhành hoa. Những nguyên lý của ngành y, những hiện trình khó khăn trong nghề nghiệp, tất cả ngấm vào ông, trở thành căn cốt của ông, không phân biệt ranh giới đâu là đời, là nghề, hay đạo. Để có thể làm nghề ở mức độ ấy, Tạ Việt Hoàng hầu như quên bẵng chuyện đời tư. Ngoài vài mối tình cuồng nhiệt thời tuổi trẻ, ông đã không hi sinh lòng đam mê nghề nghiệp để có một gia đình riêng.

Sau hai tuần châm cứu cho ông xã, chúng tôi trở về nhà ở miền Đông. Tôi ngỡ ngàng không tin vào kết quả khám mắt của anh sau hai tuần chữa bệnh: Mắt phải nhãn áp giảm từ 19 xuống 15, gần mức bình thường. Mắt trái bệnh rất nặng, nhưng nhãn áp giảm từ 34 xuống còn 26.

“Tẩy tủy công bí truyền” trị ung thư

Khoảng cuối thập niên 1980, người cháu ruột của Tạ Việt Hoàng, khoảng lên 10 tuổi được phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Vốn là một bác sĩ từng học Tây y về giải phẫu và bệnh học, ông tiếp tục để cháu thực hiện các liệu pháp chạy chữa Tây y nhưng kết hợp với một phác đồ vô cùng nghiêm khắc giúp cháu khổ luyện để đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng, loại trừ bệnh tật.

Cậu bé 10 tuổi phải tập với hai tay không trèo lên đỉnh một cột sắt cao 10 mét, đường kính chỉ chừng 15 centimet, cùng với nhiều chương trình rèn luyện thể lực khó khăn khác. Chắc chắn phương pháp khổ luyện của “ông lang” cậu ruột đã đóng một vai trò tích cực trong thành quả chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư máu cho cháu trai, sau này trở thành một vận động viên boxing.         

Một bệnh nhân đang được (thầy Tạ Việt Hoàng) châm cứu vành tai (ảnh: tác giả cung cấp)

Trong các bệnh nhân mà chúng tôi gặp tại trung tâm chữa bệnh và phục hồi chức năng của bác sĩ Tạ Việt Hoàng, qua hai lần trị liệu, mỗi lần kéo dài hai tuần cho bệnh glaucoma của ông xã tôi, có chị Tamara. Chị bị ung thư buồng trứng giai đoạn ba. Sau khi đã làm các thủ pháp hóa trị và xạ trị nhưng tế bào ung thư vẫn còn tồn tại trong người chị. Tamara chủ động xin về điều trị bằng y học cổ truyền theo phương pháp của bác sĩ Tạ.

Nhiều lần tôi chứng kiến chị đứng tập cùng các bệnh nhân khác bài tập rút gọn bao gồm năm thế Bát Đoạn Cẩm (môn khí công nguồn gốc phái Thiếu Lâm Trung Hoa, có tác dụng tiết dục và nâng cao khả năng chịu đựng của cơ thể); và năm thế Tẩy Tủy Công (môn khí công bí truyền nguồn gốc đạo Lão, giúp tăng mức độ mềm dẻo của cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch) mà bác sĩ Tạ sau này đúc kết lại, giúp phục hồi chức năng cho các bệnh nhân nặng.

Sự ra đi đầy tiếc nuối

Trong khi phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu và luyện tập phục hồi chức năng nhờ khí công của bác sĩ Tạ Việt Hoàng đang cho những kết quả bước đầu đáng hy vọng thì người thầy thuốc đam mê những năng lực tàng ẩn của con người đột ngột ra đi ở tuổi 63, vì lao lực, khi tập trung hết sức để cứu chữa bệnh viêm phổi cấp COVID-19 cho thân nhân, bạn hữu, bệnh nhân. Ông ra đi vào ngày 15 Tháng Ba 2020 tại San Jose, CA, Hoa Kỳ.

Tôi tự hỏi, sau Tạ Việt Hoàng, liệu có còn người nào tự nguyện rời bỏ cuộc sống an ổn, đầy đủ về vật chất và tinh thần để đi theo con đường dẫu hứa hẹn thành công kỳ diệu trong việc nghiên cứu và thi triển những năng lực tiềm ẩn của con người, nhưng cần nhiều lao tâm, hy sinh, và khả năng sống trong sự vô danh hay không?

Ông từng khuyên tôi đi học nghề châm cứu để sau này ông có thể truyền hết những tinh hoa của nghề nghiệp cho tôi, một người mà ông tin tưởng về ý chí và lòng kiên nhẫn, cũng như đức hy sinh. Tiếc là tôi chưa đủ đức để làm người học trò chân truyền của ông.

Một điều với tôi cho đến bây giờ vẫn còn là bí ẩn mà tôi tiếc là chưa lần nào trực tiếp hỏi ông trong những lần trò chuyện. Đó là niềm tin nào đã giúp ông bỏ lại tất cả những tính toán bình thường cho bản thân để chọn con đường vốn rất nhỏ hẹp và đơn độc giữa xã hội văn minh hậu công nghiệp Hoa Kỳ, tìm về nguồn lực cổ sơ của tiền nhân từng bị giấu kín qua nhiều thời gian và không gian. Bằng trực giác, tôi tin đó là con đường đúng đắn.

Ngày 7 Tháng Mười Hai, 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: