Tế nhị khi nói về tuổi già

Tụi mình còn trẻ chán, chị nhể! (minh họa: Dario Valenzuela/Unsplash)

“Nhận thức về sự lão hóa và cách mọi người nói về nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân họ và những người khác.”

Đó là nhận định của Scott Kaiser, bác sĩ lão khoa và là giám đốc sức khỏe nhận thức lão khoa của Pacific Neuroscience Institute ở Santa Monica, California.

Ông giải thích, những người có nhận thức tích cực về tuổi già có nhiều khả năng sống lâu hơn và phát triển về mặt tinh thần, đó là về tâm lý, còn về hành vi, người ta chọn cách chăm sóc tốt hơn cho cơ thể và tâm trí mà họ yêu thích và có kế hoạch duy trì lâu dài. Đối với thể chất, nhận thức lạc quan về sự lão hóa sẽ dẫn đến ít căng thẳng hơn và ít viêm nhiễm hơn trong cơ thể, từ đó dẫn đến sức khỏe tim mạch tốt hơn và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Từ những nhận thức trên, bác sĩ Kaiser, cùng với chuyên gia Ritu Bhasin đưa ra lời khuyên những người trên 50 tuổi và những người đang chăm sóc hay sống cùng bố mẹ, ông bà lớn tuổi.

-Hãy nói với người thân rằng họ ngày càng lôi cuốn
Bhasin cho biết, đánh đồng tuổi trẻ với vẻ đẹp và tuổi già với sự xấu xí là một trong những định kiến phổ biến và gây tổn hại nhất về tinh thần trong xã hội. Nói với ai đó rằng họ trông “rất trẻ” thường được xem là một lời khen, nhưng chẳng lẽ cứ trẻ là đẹp, còn người gì thì xấu ư? “Mọi người đều đẹp ở mọi lứa tuổi mà!”. Bhasin nói.

Genevieve Chevalier, 58 tuổi, kể rằng từ khi còn trẻ, chị vẫn được khen là “trông trẻ hơn tuổi” vì không thấy nếp nhăn, khi ấy, chị rất trân trọng những lời khen này, nhưng càng ngày những lời tán dương ấy giảm dần, có lẽ nếp nhăn trên gương mặt chị xuất hiện nhiều, và điều đó khiến chị cảm thấy buồn.

“Tôi đã đổ rất nhiều tiền vào các loại kem chống nhăn và Botox, cố gắng duy trì ý tưởng rằng mình chưa tới 60 tuổi (dù đã ngấp nghé),” Chevalier nói. “Nhưng mọi thứ đều làm tôi  thất vọng. Trong vài năm qua, tôi bỏ hết kem chống nhăn, Botox này nọ, và nỗ lực có ý thức bằng cách yêu bản thân mình, yêu cả những nếp nhăn.”

“Đừng nói với người thân của mình rằng “sao chị nhìn già thế”, mà hãy nói “chị lúc nào cũng tươi tắn, xinh xắn, chị thật tỏa sáng,” Bhasin nói. “Điều quan trọng là tránh bình luận về ngoại hình của người thân. Có nhiều cách để khen ngợi mọi người mà không cần chú ý đến tuổi tác, làn da, cân nặng hoặc các đặc điểm trên cơ thể họ. Nhận được lời khen ngợi cơ thể của ai đó, là điều mà các nhân viên nhà hàng và tiếp viên hàng không, không hề ưa thích.”

(minh họa: Unsplash)

Hãy sống theo độ tuổi của bạn

Bhasin cho rằng cách nhiều người nói về bản thân liên quan đến tuổi già cũng quan trọng như cách họ nói về người khác. Vì vậy, việc nói với ai đó rằng bạn không thể làm một điều gì vì bạn ở một độ tuổi nhất định sẽ củng cố niềm tin rằng mọi người phải từ bỏ những thứ họ yêu thích chỉ vì họ già đi. Tệ hơn nữa, câu nói này cũng mang lại cho họ cảm giác bất an mà họ chưa hề có, khiến họ lo lắng rằng người khác nghĩ rằng họ đã quá già để mặc một chiếc váy ngắn dễ thương.

Chevalier nói: “Một người bạn tốt của tôi nói rằng cô ấy sẽ bỏ tất cả những chiếc áo ngắn lưng vì cô ấy cảm thấy rằng bây giờ mình đã qua tuổi 30, đã đến lúc phải ngừng việc ‘ăn mặc như một thiếu niên’. Tôi nghĩ cô ấy trông rất tuyệt vời và điều đó khiến tôi tự hỏi liệu cô ấy có đang đánh giá một số lựa chọn về thời trang của tôi hay không.”

Thay vì đưa chuyện của mình ra nói, Bhasin khuyên hãy nói thế này: “Ai để ý đến mình cơ chứ, cứ mặc đồ gì khiến mình cảm thấy thoải mái đi! Hãy quên đi mọi giới hạn về tuổi tác được áp đặt và chọn quần áo cũng như hoạt động dựa trên những gì bạn thích.”

Bác sĩ Kaiser cho biết, hầu hết mọi người đều coi cụm từ người già là lỗi thời và thiếu tôn trọng. Đầu tiên, những người ở một độ tuổi nhất định không phải là một quần thể như nhau – họ là những cá nhân thường không chia sẻ gì ngoài năm sinh. Và từ “người già” thường có liên quan tiêu cực đến sự yếu đuối và bệnh tật.

Chevalier kể, người bác sĩ gia đình của chị chỉ nhỏ hơn chị chừng 10 tuổi, lúc thì gọi chị bằng “cô”, lúc gọi bằng “chị”, kể: “Nhiều người khoảng hơn 60 tuổi thôi, em gọi bằng “chị” thì cự, nói ‘Tôi lớn tuổi thế này, sao bác sĩ gọi bằng chị’, thế là từ đó em không dám gọi người ấy bằng ‘chị’ nữa. Thế chị thích em gọi chị là cô hay là chị?”

Nghe bác sĩ hỏi vậy, Chevalier đáp: “Tôi thích được gọi tên. Cứ gọi tôi: Chevalier, là được rồi. Còn nếu bạn muốn đưa tôi vào nhóm chung ngày sinh thì có thể nói tôi Nhân Mã.”

Theo Bhasin, các thuật ngữ ‘người lớn tuổi’ và ‘người cao niên’ được ưu tiên sử dụng khi nói về những người trên 60 tuổi. Những thuật ngữ này mang tính bao quát và tôn trọng hơn, đồng thời chúng không có ý nghĩa tiêu cực giống như thuật ngữ ‘người già’.

Nhiều người cao niên vẫn sống vui, sống khỏe. (minh họa: Dan Senior/Unsplash)

Thông thường, thấy ai gặp vấn đề, bạn hay ra tay giúp đỡ, đó là hành động tử tế, nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp, nhất là khi bạn lại đưa ra lời đề nghị giúp đỡ một người lớn tuổi. Bác sĩ Kaiser nói: “Vấn đề không phải là lời đề nghị giúp đỡ, mà điều ấy chẳng khác nào bảo ‘ông bà già rồi, không làm được đâu, để cháu giúp cho!’ mà đâu có ai thích người khác nói mình già.”

Ông nói thêm là việc bạn tin rằng người lớn tuổi không thể làm điều gì đó sẽ khiến họ nghĩ là mình không có khả năng – ngay cả khi họ tự làm được. Theo bác sĩ Kaiser, cách tốt nhất trong những tình huống như thế, thì nên hỏi xem họ có cần giúp đỡ không và nếu họ tự làm được, hãy để họ làm, còn họ có cần giúp gì đó, thì hẵng giúp.

Mọi người thường giỡn về sự già đi của chính họ và điều đó nghe rất buồn cười, và là một cách hay để đối phó với những thăng trầm của tuổi già. Tuy nhiên, nói đùa về tuổi của người khác hoặc về người lớn tuổi nói chung, thì coi chừng bị coi là vô duyên.

Bác sĩ Kaiser cho biết: “Việc chế nhạo tuổi tác của ai đó vẫn được xã hội chấp nhận, nhưng mọi người thường không nhận ra rằng khi họ pha trò tiêu cực với những người ‘già’, họ cũng đang xúc phạm chính bản thân mình trong tương lai. Và tôi phải nói điều này: Những câu chuyện cười về việc già đi càng lúc càng lố bịch.”

Thay vì nói về tuổi tác của một vị cao niên nào đó, bạn nên dùng những câu như “Chẳng biết bằng tuổi bác, tụi con có được như bác bây giờ không.”, hay “Ông bà 80 tuổi mà nhìn cứ như 60 ấy! Thích thật!”

(theo Readers’ Digest)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: