1.001 chuyện đặt tên

Chắc chắn bất kỳ bố mẹ nào cũng suy nghĩ nhiều khi chọn tên cho con. Cái tên đi theo đứa bé suốt cuộc đời hẳn nhiên là quan trọng đặc biệt. Nhiều vị thậm chí đi coi thầy để đặt tên cho bé. Tại nhiều nền văn hóa, cái tên luôn có một ý nghĩa nhất định và sự phổ biến tên cũng thay đổi theo thời gian…

Nếu vào website ssa.gov/OACT/babynames, bạn sẽ thấy 10 tên nam và 10 tên nữ phổ biến nhất Mỹ năm 2019 (thống kê mới nhất), gồm Liam, Noah, Oliver, William, Elijah, James, Benjamin, Lucas, Mason, Ethan – đối với nam; và Olivia, Emma, Ava, Sophia, Isabella, Charlotte, Amelia, Mia, Harper, Evelyn – đối với nữ. Với tên nam, Michael từng thống trị tại Mỹ trong suốt 35 năm kể từ 1964, sau khi bị lép vế bởi David và Robert.

Như nhiều nền văn hóa, Mỹ cũng quan tâm nhiều đến việc đặt tên. Pamela Redmond Satran và Linda Rosenkrantz từng viết 8 quyển sách về chuyện đặt tên trong đó quyển Beyond Jennifer & Jason, Madison & Montana bán đắt như tôm tươi. Cách đây không lâu, hai tác giả trên tung tiếp quyển Cool Names trong đó liệt kê một số khuynh hướng thời thượng trong việc đặt tên.

Và cũng như nhiều nền văn hóa, Mỹ thời xưa từng khá đơn giản khi chọn tên. Đến giữa thế kỷ 20, những tên nam như John, William, James và Robert từng đứng đầu danh sách trong hơn 50 năm; và tên nữ Mary từng nằm vị trí đầu bảng trong suốt 46 năm. Tại Anh, có thời người ta cũng đơn giản trong cách đặt tên, chẳng hạn Norton có nghĩa (người) đến từ ngôi làng phía Bắc.

Theo nhà xã hội học Stanley Lieberson (Đại học Harvard) trong quyển A Matter of Taste: How Names, Fashions and Culture Change, tên người nói chung thể hiện sự thăng trầm của các sự kiện văn hóa-lịch sử, chẳng hạn sự bùng nổ các tên rút từ Kinh Thánh vào cuối thế kỷ 20, khi phương Tây có khuynh hướng tái nghiên cứu những giá trị đạo đức từ Kinh Cựu ước; cũng như khuynh hướng thời đại, chẳng hạn cơn sốt đặt tên từ các nhân vật trong phim The Matrix vào thập niên 1990.

Như văn hóa Việt Nam, phương Tây cũng có khuynh hướng đặt những tên gợi lên ý nghĩa cụ thể, chẳng hạn Joy hàm ý vui vẻ yêu đời hoặc Kevin để gợi lên từ kind có nghĩa tốt bụng tử tế. Tất nhiên những tên trùng âm tiết với từ mang nghĩa xấu cũng được tránh, trừ trường hợp người ta gặp đứa bé khó nuôi nên vạn bất đắc dĩ mới đặt tên xấu (điều này cũng giống văn hóa Việt Nam).

Các sự kiện thời sự đương đại thậm chí cũng ảnh hưởng đến việc đặt tên. Ngày 12-10-2006, Jordan chính thức cấm đặt tên Osama cũng như những tên tương tự các đời thủ tướng Israel Golda Meir, Yitzhak Rabin và Benyamin Netanyahu (theo luật mới, tên Saddam không được cấm). Cần nói thêm, một người Đức từng bị phạt gần 900 euro khi đặt tên con mình là Osama Bin Laden vào năm 2002; trong khi tại Brazil, một cặp vợ chồng đã kiện việc cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối khai sinh đứa bé gia đình này với cái tên Osama Bin Laden Oliveira Soares

Luật bất thành văn của văn hóa luôn là yếu tố quan trọng liên quan đặt tên. Tuy nhiên, một số nơi lỏng lẻo đến mức gần như muốn đặt sao cũng được. New Jersey, chẳng hạn, tiểu bang này chỉ cấm những cái tên có nội dung tục tĩu, chữ số hoặc biểu tượng, vì vậy một gia đình nào đó hoàn toàn có thể đặt tên cho con của họ là Adolf Hitler. Và không ai có thể ngăn gia đình Penn Jillette đặt tên cho con gái mình là Moxie Crimefighter.

Tại Nhật, trường hợp của em bé được đặt Akuma, có nghĩa là ma quỷ trong tiếng Nhật, từng gây xôn xao dư luận đầu những năm 1990, thậm chí còn thu hút sự chú ý của nội các chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thời điểm đó lên tiếng phản đối sự can thiệp và nói rằng, Việc hướng dẫn các bậc cha mẹ thay đổi tên của con cái mà không có cơ sở pháp lý là không phù hợp. Tuy nhiên, cuối cùng, việc đặt tên cho con là ác quỷ trở thành bất hợp pháp ở Nhật.

Thụy Điển nổi tiếng có luật đặt tên nghiêm ngặt. Năm 1982, một đạo luật đã được thông qua nhằm ngăn cản các gia đình không phải quý tộc đặt cho con cái những cái tên cao quý. Ngày nay luật Thụy Điển quy định một cách mơ hồ rằng tên sẽ không được chấp thuận nếu chúng có thể gây xúc phạm hoặc có thể gây khó chịu cho người sử dụng hoặc những tên vì lý do rõ ràng nào đó không phù hợp làm tên.

Tương tự nhiều quốc gia, Trung Quốc không cho phép đưa các ký hiệu hoặc chữ số vào tên trẻ em, chẳng hạn ký hiệu @. Tại Iceland, nếu cha mẹ muốn đặt tên không được liệt kê trong Sổ đăng ký quốc gia, họ có thể trả một khoản phí và nộp đơn xin chính phủ phê duyệt. Ngoài việc cái tên không gợi lên… sự sỉ nhục, nó cũng phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể hơn: nằm trong bảng chữ cái Iceland và phải phù hợp với ngôn ngữ về mặt ngữ pháp.

Đan Mạch là một quốc gia khác yêu cầu cha mẹ chọn tên con từ danh sách được phê duyệt trước. Phụ huynh cần chính phủ cho phép để chọn ngoài danh sách 7.000 cái tên, và mỗi năm có khoảng 250 cái tên bị từ chối. Tại Ý, chính quyền có thẩm quyền từ chối những cái tên có khả năng hạn chế tương tác xã hội và tạo ra sự bất an. Bồ Đào Nha có 80 trang liệt kê tên nào là hợp pháp và tên nào không.

Niết Bàn nằm trong số hơn 2.000 tên được đưa vào mục cấm ở nước này. Khi đặt tên cho con, cha mẹ Morocco phải chọn từ danh sách những cái tên được chấp nhận, phù hợp với bản sắc của người Maroc – chẳng hạn Sarah với chữ H bị cấm vì nó được coi là cách viết của tiếng Do Thái, nhưng chữ Sara trong tiếng Ả Rập thì hoàn toàn ổn. Tại Pháp, Ý và Argentina, người ta thích đặt tên con theo những cầu thủ nổi tiếng. Tuy nhiên, ở Rosario, Argentina, quê hương của cầu thủ Barcelona, ​​Lionel Messi, tên em bé Messi trở nên phổ biến đến mức chính quyền thị trấn đã thông qua luật đặc biệt cấm cái tên này vào năm 2014!

Một số tên bị cho là không phù hợp không phải vì cách chúng phát âm mà vì chúng được đặt cho giới tính nào. Chính quyền một địa phương ở Pháp đã ngăn một cặp vợ chồng đặt tên cho con trai họ là Ambre (phiên bản tiếng Pháp của Amber), cho rằng việc đặt một cái tên truyền thống nữ tính có nguy cơ gây nhầm lẫn cho đứa trẻ theo cách có thể gây hại”.

Một cặp cha mẹ người Pháp khác cũng gặp rắc rối vì lý do tương tự khi họ đặt tên cho con gái mình là Liam. Tương tự, trong khi con gái của ca sĩ Beyoncé là Blue Ivy, một cặp vợ chồng ở Milan đã bị chính quyền bác bỏ cái tên Blue mà họ đặt cho con gái mình. Luật đặt tên ở Ý quy định rằng tên được đặt cho một đứa trẻ phải tương ứng với giới tính của chúng. Vì Blu không tương ứng với bất kỳ giới tính nào và do đó nó là… bất hợp pháp.

Phải nói là việc đặt tên có 1.001 chuyện liên quan. Ở Việt Nam, một thời người ta thích thú đặt những cái tên nghe đặc sệt Hong Kong – không chỉ đặt cho con cái mà còn đặt cho nghệ danh, kiểu như Ưng Hoàng Phúc (ca sĩ này tên thật là Nguyễn Quốc Thanh). Dù thế nào, đặt tên nói chung ở hầu như bất kỳ nền văn hóa nào cũng tránh dùng những cái tên có thể dẫn đến chuyện đứa bé bị trêu chọc khi đi học hoặc gặp khó khăn đi xin việc khi trưởng thành sau này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: