100 tuổi, người cao niên nhất nước Ý vẫn chưa nghỉ hưu

Bà Possi ghi một tấm biển ở trước quán cà phê với dòng chữ: “La barista più longeva d’Italia,” nghĩa là “Có thể tìm thấy barista lớn tuổi nhất nước Ý ở đây. (Hình của Anna Possi)

Bà Anna Possi hiện nay là một barista – người pha chế cà phê, vẫn phục vụ cà phê, vui vẻ và thoải mái, không nghỉ bất kỳ một ngày nào trong năm, nói mình cảm thấy khỏe và vui khi ở cùng mọi người xung quanh. Đó là lý do bà vẫn không muốn nghỉ.

Ở tuổi 100, bà Anna, hay Nonna Anna, hay Anna Possi, đang ở ngôi làng đẹp như tranh vẽ Nebbiuno bên trên Hồ Maggiore, được coi là nhân viên pha chế lớn tuổi nhất của Ý.

Hàng ngày, bà Anna thức dậy và bắt đầu làm việc như mọi buổi sáng, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác trong suốt 65 năm qua.

Rất ấn tượng, trong hơn sáu thập niên, chính xác là từ năm 1958, Nonna Anna luôn mở quán Centrale của mình từ lúc bảy giờ sáng, đóng cửa lúc bảy giờ tối vào mùa đông và chín giờ tối vào mùa hè. Bà giữ giờ giấc chuẩn mực như thế từ ngày này qua tháng nọ, 365 ngày/năm.

Vào Tháng Mười Một năm ngoái, Nonna Anna kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình. Bà hãnh diện ghi một tấm biển ở trước quán cà phê với dòng chữ: “La barista più longeva d’Italia,” nghĩa là “Có thể tìm thấy barista lớn tuổi nhất nước Ý ở đây.” Quả thật đáng để nhắc nhở những người yêu cà phê về thành tích của Nonna Anna.

Quán cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày ở Ý. Thói quen hàng ngày của nhiều người Ý, là làm một tách cà phê được biết đến ở nhiều nơi khác trên thế giới là espresso, hoặc cappuccino) vào buổi sáng, thường kèm với bánh cornetto, thêm một hoặc hai tách nữa vào bữa trưa, và sau đó là rượu khai vị vào buổi tối.

Nhưng đáng buồn là gần đây, số lượng quán cà phê cũng như nhân sự của các quán đang cạn kiệt dần.

Theo số liệu mới nhất từ The National Hotel and Catering Association, chỉ còn 132,000 quán cà phê giữa khu vực Nam Tyrol ở miền bắc nước Ý và Sicily ở phía nam, giảm 20,000 so với 10 năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này hầu như giống nhau ở khắp mọi nơi: ngày làm việc kéo dài từ 12 đến 14 giờ, tiền lương thấp, tiền thuê nhà cao và giờ đây giá hạt cà phê thậm chí còn cao hơn. Nhóm nghề này cho biết nghề pha chế cà phê không phải là lựa chọn hấp dẫn đối với những người trẻ tuổi.

Nhưng với bà Anna, bà không cần (tiền) nhiều lắm. Điều quan trọng là bà được ở bên mọi người, và như thế là bà đã cảm thấy tốt vô cùng.

Thật vậy, dù ở thành phố lớn hay làng nhỏ, bạn đều nhìn thấy nhau và nói chuyện về chuyện này chuyện kia, về bóng đá nhiều hơn là chính trị. Những con người, những hình ảnh, những câu chuyện mà khi đi xa bạn sẽ nhớ về.

Chính vì thế dù đã chính thức nghỉ hưu ở tuổi 60 vào năm 1984, bà Possi vẫn không từ bỏ công việc của mình. “Tại sao tôi phải dừng lại? Quán cà phê còn hơn cả công việc đối với tôi. Đó là cuộc sống của tôi,” bà nói.

Quán cà phê của bà Anna đón lượng khách đông hơn vào dịp Giáng Sinh. Nhiều người thích uống cà phê hơn vào dịp nghỉ lễ vui vẻ này, và đây cũng là lý do mà bà Anna muốn giữ quán.

Đôi khi, con gái bà là Cristina, 61 tuổi, làm việc tại tòa thị chính đối diện, cũng giúp đỡ bà. Cô cũng sống ngay trong căn hộ bên cạnh. Con trai của Possi sống cách đó 75km (45 dặm) tại Milan và hai đứa cháu gái của bà đã chuyển ra ngoài. Vì vậy, ngay cả ở tuổi 100, bà vẫn tự mình làm hầu hết mọi việc từ sáng đến tối. Bà còn tự mình chặt củi để nhóm bếp.

Bà Anna Possi tới tuổi về hưu năm 1884, nhưng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. (Hình của Anna Possi)

Nonna Anna không kiếm được nhiều tiền. Một tách cà phê có giá 1.20 euro ($1.30), một tách cappuccino có giá 1.50 euro. Nếu không có khách du lịch, có một số buổi tối bà ấy không có quá 40 euro trong ví. Bà cũng có khoản lương hưu là 590 euro, nhưng bà không quan tâm về việc đó. Điều quan trọng là bà được làm việc và gặp gỡ mọi người. Những người sẽ chơi bài, chuyện trò khi nhâm nhi tách cà phê. Khi vắng khách, bà ngồi đan.

Còn sức khỏe của bà thì sao? Bà Possi cho biết trí óc mình vẫn khỏe mạnh và xương khớp cũng vậy. Bà cho biết lần cuối cùng bà đi khám bác sĩ là cách đây hai năm rưỡi. Nhưng con gái bà quả quyết phải là cách đây năm năm.

Bà không cần kính, nhưng cần máy trợ thính, mặc dù bà nói rằng nó chả có tác dụng gì. Về thuốc men, bà được bác sỹ cho toa uống một viên thuốc mỗi ngày để điều trị huyết áp cao. “Nhưng tôi chỉ uống nửa viên. Bạn không cần phải tin mọi thứ bác sĩ nói,” bà nói.

Người pha chế cà phê lớn tuổi nhất nước Ý không còn có bất kỳ kế hoạch lớn nào nữa. Bà Possi từng muốn đến Paris lần nữa. Nhưnggiờ thì rất khó thực hiện. “Điều đó cũng không quan trọng: dù sao thì người Pháp cũng đâu biết uống cà phê cơ chứ!” bà nói một cách tinh nghịch.

Bà Possi không hề ảo tưởng về những gì sẽ xảy ra với Bar Centrale. Bà từng hy vọng Cristina có thể tiếp quản, nhưng con gái bà không chịu. Nghe thế, bà Possi nhún vai,  lấy đồ đan lát của mình ra, nói cho một mình bà nghe: “Khi tôi chết, quán cà phê này đi theo tôi vậy.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo