Không phải thần dân nào cũng tán thành đám cưới của Công chúa Nhật Bản Mako, nhưng cô vẫn không chùn bước. Kể từ khi Mako, 30 tuổi và Kei Komuro, sinh trước vài tháng thông báo đính hôn vào năm 2017, mối tình của họ đã trở thành “tin thời sự nóng”, chịu sự phản đối gay gắt của công chúng và “cơn điên” bươi móc đời tư của các báo lá cải.
Cách tự giới thiệu gây sốc của chú rể
Câu chuyện tình hoàng gia này hội đủ các yếu tố của một chuyện cổ tích công chúa trong thời hiện đại: Một luật sư đầy tham vọng cưới một công chúa ngoài đời thực, người đã chuẩn bị tư thế rời cung điện ở thủ đô Tokyo để bắt đầu cuộc sống mới rất khác ở thành phố New York của nước Mỹ.
Bi kịch là ở chỗ nhiều người Nhật không xem con trai thường dân của một ông bố hay bà mẹ đơn thân là xứng đáng với công chúa. Sự coi thường chàng rể tương lai Komuro được thể hiện công khai khi anh đến Nhật chuẩn bị đám cưới vào ngày 26 Tháng Mười với mái tóc dài buộc đuôi ngựa. Các báo lá cải đăng ảnh kiểu tóc của Komuro từ mọi góc độ. Một số người so sánh với kiểu tóc búi tó của các samurai.
Trên mạng xã hội có hai xu hướng khác nhau, phe ủng hộ cách “tự giới thiệu” độc đáo của Komuro và phe tố cáo nó không phù hợp với thành viên hoàng gia tương lai. “Tóc đuôi ngựa là chuyện bình thường ở phương Tây, nhưng đối với người dân Nhật, địa vị và vai trò phải được phản ảnh thông qua hành động và lời nói.
Rõ ràng, chú rể tương lai không đáp ứng được kỳ vọng của họ – Nữ giáo sư Hitomi Tonomura chuyên nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học Michigan nhận định – Họ xem kiểu tóc đuôi ngựa là bằng chứng Komuro không phù hợp với mong đợi của xã hội Nhật. Nếu anh ta là ca sĩ hoặc nghệ sĩ thì không sao, nhưng đằng này là một luật sư mà phong cách lại không phải luật sư mà cũng không giống người sẽ kết hôn với một công chúa!”.
Komuro chỉ mới để tóc đuôi ngựa không lâu trước đám cưới và có người xem đây là một “thách thức rõ ràng”, nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Trong khi hầu hết các đám cưới hoàng gia được đánh dấu bởi sự hào nhoáng và lễ nghi truyền thống, thì đám cưới của Công chúa Mako sẽ kết thúc tại một văn phòng đăng ký hôn nhân, theo sau là cuộc họp báo rồi cô sẽ chia tay Hoàng gia theo chồng đến sống ở Mỹ.
Một nhà nghiên cứu sự thăng trầm của các hoàng gia trên thế giới nhận xét: “Đám cưới khác thường của Mako chỉ là một dấu hiệu nữa về sự biến động nội bộ của các hoàng gia thời hiện đại, khi các công chúa và hoàng tử không còn hài lòng với những quy tắc cũ mà công khai làm theo ý họ, tức là những gì họ có xem là đúng, kể cả chọn hôn phu hay hôn thê!”.
Công chúa được ái mộ vì phong cách dân dã biến thành “kẻ rối đạo”
Công chúa Mako, vừa tròn 30 tuổi vào hôm Thứ Bảy 23 Tháng Mười, là cháu gái của Hoàng đế Naruhito. Cô trưởng thành vào những năm 1990 trong vòng cương tỏa nghiêm cẩn của hoàng tộc. Từ lúc còn nhỏ, cháu nội của cựu hoàng và cựu hoàng hậu (phụ thân và phụ mẫu của Hoàng đế Naruhito) đã sớm chiếm được cảm tình của công chúng do phong cách thân thiện dân dã của cô.
Mikiko Taga, một nhà báo chuyên viết về hoàng gia Nhật nói: “Cách cư xử của Công chúa đã chạm vào trái tim dân chúng. Nhiều người gọi cô là một thành viên hoàng gia hoàn hảo”. Thay vì vào học tại Đại học tư Gakushuin nổi tiếng như các thành viên khác thuộc tầng lớp giàu có, Công chúa đã chọn học bằng cử nhân nghệ thuật và di sản văn hóa tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (International Christian University) ở Tokyo.
Chính tại đây cô gặp Komuro, một thanh niên chỉ sinh trước cô có ba tuần (Tháng Mười, 1991), trong một gia đình thứ dân đúng nghĩa. Theo báo chí địa phương, mất cha và cả ông bà khi còn nhỏ, Komuro được nuôi dưỡng bởi người mẹ đơn thân. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, anh làm việc tại một công ty luật ở Tokyo rồi kiếm được học bổng ngành luật tại Trường Luật Fordham ở New York.
Quay lại công chúa Mako, năm 2014, cô là sinh viên trao đổi tại Đại học Leicester ở Vương quốc Anh và tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng nghệ thuật và phòng trưng bày ở đó. Không lâu sau khi cặp đôi gặp lại nhau, năm 2017 họ tuyên bố đính hôn trước công chúng Nhật. Tại một cuộc họp báo đông đúc báo giới, công chúa nói cô “bị thu hút bởi nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời” của Komuro và quen nhau một thời gian cô biết anh là người “chân thành, mạnh mẽ, làm việc chăm chỉ và có trái tim nhân hậu”.
Truyền thông Nhật Bản gọi Komuro là “Hoàng tử của biển”, lấy theo tên nhân vật anh đóng trong một chương trình quảng bá du lịch bãi biển cho thành phố Fujisawa, phía Nam Tokyo. Chuyện tình của họ có vẻ đang diễn ra tốt đẹp, thì bất ngờ xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của sự trắc trở khi cặp đôi lên kế hoạch kết hôn vào năm 2018 nhưng phải dời lại vì “thiếu sự chuẩn bị”, theo thông báo của hoàng gia.
Người mẹ chú rể trở thành tội đồ
Nhiều người nghi ngờ nguyên nhân là do xuất hiện tin mẹ của Komuro không trả lại được $36,000 bà đã vay từ vị hôn phu cũ của mình. Komuro phản đối thông tin này, thậm chí còn đưa ra một tuyên bố dài 28 trang vào đầu năm nay, khẳng định “mẹ tôi cứ tưởng số tiền này là quà tặng” và hứa “chính tôi sẽ trả tiền để giải quyết tranh chấp”.
Tuy nhiên, các báo lá cải tiếp tục khai thác mọi loại tin đồn, xoáy vào đời tư và bươi móc tất cả những thứ có thể bươi được trong gia đình và cuộc sống của chàng rể hoàng gia tương lai, thậm chí tố cáo anh là “một gã đào mỏ vàng chớ có dây vào!”. Giải thích về phản ứng quá đà này, Tonomura, chuyên gia nghiên cứu giới tính nói: “Mặc dù ở Mỹ, người ta phân biệt rạch ròi giữa công việc kinh doanh của người mẹ và con cái đã trưởng thành, nhưng ở Nhật nhiều người lại xem họ có liên quan và… đã có đủ cơ sở để biến Komuro từ một thanh niên nhân hậu, trung thực thành một kẻ cơ hội, tính toán!”.
Kaori Hayashi, chuyên gia nghiên cứu truyền thông và Phó chủ tịch điều hành của Đại học Tokyo bổ sung: “Đối với Hoàng gia Nhật, một cuộc gặp gỡ tình cờ ở trường đại học không phải là con đường dẫn đến hôn nhân bình thường. Dâu hay rể của hoàng gia phải được lựa chọn cẩn thận từ những ‘trâm anh thế phiệt’ mà hoàng gia có giao du thân mật”.
Tonomura nhấn mạnh: “Thái độ kỳ thị đối với các bà mẹ đơn thân vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay ở Nhật Bản, cả về đạo đức lẫn kinh tế. Người Nhật thường đánh giá các bà mẹ đơn thân không có khả năng nuôi con nên người. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng nhiệt thành xem rắc rối tài chính của mẹ Komuro đã làm ô uế hình ảnh hoàng gia, nơi chỉ dành cho thuần khiết và tượng trưng cho hạnh phúc tinh thần của người dân Nhật Bản.”.
Một số người xem thái độ kỳ thị các bà mẹ đơn thân là biểu tượng về bất bình đẳng giới ở Nhật, quốc gia có khoảng cách giới tính lớn nhất trong nhóm G7. Nancy Snow, giáo sư về ngoại giao công chúng tại Đại học Ngoại giao Kyoto, nhận xét: “Phân biệt giới tính giữa nam và nữ không chỉ diễn ra trong Hoàng gia mà còn ở nhiều nơi khác nữa”.
Nhận xét này nhận được sự đồng tình của Kei Kobuta, một YouTuber về các vấn đề hoàng gia, người đã tổ chức một cuộc tuần hành ở Tokyo có khoảng 100 người tham dự vào ngày 23 Tháng Mười. Ông cho biết những người theo dõi hoàng gia như ông xem Công chúa Mako như “em gái hoặc con gái bị bắt nạt”. Kobuta nói: “Có nhiều kẻ nghi ngờ đạo đức của Komuro và mẹ anh ta. Họ sợ hình ảnh của gia đình hoàng gia sẽ bị bôi nhọ”.
Áp lực dư luận và cuộc sống vương giả
Những suy đoán và bôi nhọ cá nhân người chồng tương lai đã ảnh hưởng đến công chúa Mako. Đầu tháng này, Hoàng gia tiết lộ rằng cô mắc chứng rối loạn căng thẳng phức tạp sau chấn thương (PTSD).
Bác sĩ tâm lý của Mako, ông Tsuyoshi Akiyama, Giám đốc trung tâm y khoa NTT Medical Center Tokyo, nói với báo chí tại cuộc họp báo của cơ quan hoàng gia Imperial Household Agency: “Công chúa Mako cảm thấy rất khó sống hạnh phúc tại quê nhà do nỗi sợ hãi dai dẳng về cuộc sống của sẽ bị hủy hoại”.
Nhưng Mako không phải là người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên trong Hoàng gia Nhật bị áp lực bởi cuộc sống vương giả. Khi Hoàng hậu Masako kết hôn với Nhật hoàng Naruhito vào năm 1993, bà phải từ bỏ sự nghiệp ngoại giao đỉnh cao để sống trong hoàng tộc. Quá trình chuyển đổi quá khó khăn khiến bà phải chiến đấu với căn bệnh “rối loạn điều chỉnh” (adjustment disorder) trong một thời gian dài.
Ken Ruoff, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học tiểu bang Portland và là tác giả của cuốn sách “Japan’s Imperial House in the Postwar Era, 1945-2019” (Ngôi nhà Hoàng gia Nhật Bản trong Kỷ nguyên Hậu chiến, 1945-2019) nhận định: “Hoàng hậu Masako lúc còn là Vương phi, mọi tin xấu gần như đều xoay quanh chuyện bà bị đổ lỗi không sinh được người thừa kế nam để nối dõi ngai vàng. Còn trong trường hợp Mako, nó hoàn toàn xoay quanh chuyện hôn nhân và gia đình của chàng rể tương lai, nhất là khi công chúa tuyên bố sẽ rời khỏi Hoàng gia ngay sau ngày cưới”.
Sẽ không giống Harry và Meghan của Vương quốc Anh
Theo luật pháp Nhật Bản, các thành viên trong Hoàng tộc phải từ bỏ tước vị và rời cung điện nếu kết hôn với thường dân. Trong 18 thành viên hoàng gia, Mako không phải là người đầu tiên từ bỏ địa vị. Người mới nhất trước cô là Sayako, con gái duy nhất của Nhật hoàng Akihito, khi bà kết hôn với nhà quy hoạch đô thị Yoshiki Kuroda vào năm 2005.
Là phụ nữ, Công chúa Mako không được nối ngôi – luật kế vị chỉ dành cho nam giới. Vai trò của phụ nữ chỉ là hỗ trợ các thành viên nam. Nếu từ bỏ hoàng gia, công chúa Mako sẽ được hưởng hàng triệu đô la một lần duy nhất. Nhưng trong nỗ lực xoa dịu sự phản đối của công chúng cô đã quyết định từ bỏ nó. “Rõ ràng cô ấy đã chán ngấy cuộc sống Hoàng gia đến nỗi… không cần tiền. Một lối thoát đầy kịch tính!” – Ken nói.
Sau đám cưới, Mako sẽ chuyển đến sống tại thành phố New York, nơi Komuro làm việc tại một công ty luật. Nhưng theo Ruoff, khác với Harry và Meghan của Vương quốc Anh, khi đến định cư ở Mỹ (họ đã cố gắng kiếm hàng triệu triệu đô la và khoác lên mình chiếc áo thiên tả để kể đủ thứ chuyện khác nhau về gia đình Hoàng gia Anh), Mako và chồng sẽ không cư xử như thế mà đơn giản là… biến mất vào cuộc sống bình thường tại quê hương mới. Taga, nhà báo về các vấn đề hoàng gia nhận xét: “Đó là sự khác nhau giữa hai Hoàng gia Đông và Tây khi họ khởi đầu kỷ nguyên mới”.