Họ có chung tên Kovid đọc lên giống Covid-19 nên cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, cho dù tên của họ có trước, tên của đại dịch có sau!
Trường hợp Kovid Kapoor
Kovid Kapoor cho biết cuộc đời anh bị thay đổi nhiều bởi quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho căn bệnh thế kỷ do coronavirus gây ra là Covid-19. “Tên tôi là Kovid và tôi không phải là virus!” – Kapoor, sống tại thành phố Bangalore của Ấn Độ, đã viết lên Twitter vào Tháng Hai, 2020 (gần như ngay sau khi WHO công bố tên chính thức cho đại dịch) để tránh hiểu lầm.
Điều mà Kapoor không biết là bước sang năm thứ ba của đại dịch anh vẫn phải đính chính như thế trong cả những hoạt động đơn giản hàng ngày, chẳng hạn như gọi một ly cà phê tại cửa hàng Starbucks, đăng ký khách sạn hoặc xuất trình hộ chiếu cho an ninh sân bay. “Cuộc sống của tôi có lẽ sẽ không bao giờ trở lại như trước nữa!” – anh nói.
Đại dịch đã thay đổi cơ bản cuộc sống của những người có chung tên tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) là Kovid. Đa số họ cảm thấy mệt mỏi với tên của mình. Một số liên kết với nhau qua mạng xã hội để chia sẻ, thảo luận và phàn nàn về những trải nghiệm tiêu cực vì một cái tên vốn có nghĩa là “học giả”, “người uyên bác”, được đề cập trong văn học Vệ Đà (Vedic) và có trong lời cầu nguyện của người Hindu dành cho Thần Hanuman nhưng lại nhận được một ý nghĩa mới “không thoải mái chút nào” trong đại dịch Covid-19.
Khi Kapoor giãi bày với phóng viên tờ The Washington Post về cuộc sống của một người có tên phát âm giống một loại virus đường hô hấp chết người, anh lưu ý rằng sau chữ “d” ở cuối tên Kovid của anh không phải là một dấu chấm khô khan mà có âm “dah” để tên được đọc trọn vẹn là “Kovid-dah”. “Trong vài năm gần đây tôi gặp rất nhiều hiểu lầm chỉ vì cái tên của mình. Ví dụ, nghe Kovid có người lu loa lên ngay là có người mắc Covid khi tôi đến trung tâm tiêm chủng coronavirus” – anh nói.
Nhắc lại trải nghiệm này với những người theo dõi Twitter bằng giọng hài hước, Kapoor “đính chính”: “Thật ra tôi đã bị dương tính từ năm 1990 lúc… vừa sinh ra với giấy chứng sinh ghi rõ Kovid!”. Gần đây, khi có việc đến đảo quốc Sri Lanka anh rất muốn cười to khi các nhân viên sân bay xăm soi hộ chiếu của anh với sự cảnh giác cao độ! Còn Google thì đưa ra gợi ý Covid mỗi khi anh viết tên Kovid trên ô tìm kiếm vì nó nghĩ anh viết sai chính tả!
Có lần bạn bè đặt mừng chiếc bánh sinh nhật 30 tuổi ghi dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật, # Kovid-30” nhưng người thợ làm bánh “quá thông thái đã sửa thành “Chúc mừng sinh nhật, # covid-30”! (sau đó, tiệm bánh đã xin lỗi và tặng miễn phí chiếc bánh khác ghi đúng). “Cuộc sống đã ném vào tôi (và tất cả những người có tên giống tôi) một… quả chanh chua lè – Kapoor viết trên Twitter – Và sẽ có nhiều điều buồn cười và đáng buồn nữa trong suốt phần đời còn lại của tôi”.
Nhưng không chỉ có Kovid Kapoor
Khi tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO khi đặt tên cho đại dịch mới vào Tháng Hai, 2020, ông cho biết các chuyên gia đã xem xét kỹ nhiều vấn đề. Ông giải thích: “Chúng tôi phải tìm một cái tên không liên quan đến vị trí địa lý, một loài động vật, một cá nhân, một nhóm người, và dân tộc nào cũng có thể phát âm được khi nói về nó”.
Tuy nhiên, WHO vẫn còn bỏ sót. “Năm đầu tiên thật vui nhộn – Kovid Jain, 28 tuổi, đến từ thành phố Indore, Ấn Độ, tâm sự với The Post – Một người bạn nói với tôi là tôi có chung tên với loại virus mới đang được nói đến nhiều”. Jain, người đã lấy chồng vào Tháng Mười Hai, 2020, nói thêm: “Bạn bè của tôi thường nói đùa ‘Kovid đã lấy chồng trong thời đại Covid’ kèm theo là tràng cười vui”.
Nhưng cảm giác hiện nay đã khác. Jain ít dám sử dụng tên mình ở nơi công cộng, thay vào đó lấy tên của chồng hoặc các biệt hiệu khác để tránh sự bỡn cợt ngoài ý muốn. “Tôi thường dùng tên viết tắt KJ hoặc tên con thú cưng Koko khi đến các cửa hàng cà phê và cửa hàng ăn uống để tránh gây chú ý – cô nói – Nhưng tôi yêu cái tên Kovid có ý nghĩa sâu sắc và rất buồn khi không dùng được nó. Chính cha cô (một giáo sư) đã đặt nó cho tôi”. Có một lần, sau khi chúc đồng nghiệp một năm mới vui vẻ, Jain nhận được câu trả lời nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi không muốn nhận lời chúc mừng năm mới từ… Covid!”.
Kovid Sonawane, 34 tuổi, đến từ Nagpur ở bang Maharashtra, cho biết dù không dị ứng với sự hài hước trong cái tên của mình nhưng có lúc vẫn không chịu được nó, đặc biệt là khi những câu chuyện cười đến từ những người bên ngoài nhóm bạn.
Không chỉ những người có tên Kovid bị ảnh hưởng bởi từ Covid-19 mới được thêm vào từ điển toàn cầu. Nghệ sĩ Omarion, tên thật là Omari Ishmael Grandberry, gần đây đã lên Twitter để làm sáng tỏ sự nhầm lẫn giữa tên của mình và biến thể omicron của coronavirus. “Tôi là một nhạc sĩ và nghệ sĩ giải trí, không phải một biến thể virus” – anh nói đùa khi chúc người hâm mộ một năm mới vui vẻ.
Một số công ty cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ hãng hàng không Delta Air Lines và biến thể Delta của virus. Giám đốc điều hành công ty, Ed Bastian, cho biết trên “CBS This Morning” là ông tránh gọi “biến thể Delta” mà gọi là “the darn variant”.
Bia Corona là một trong những loại bia bị “mệt” đầu tiên vì virus mới. “Loại coronavirus được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, không liên quan đến bia Corona” – một bài báo đăng trên tạp chí Forbes vào Tháng Một, 2020 đã nhắc như thế khi nhiều người trên khắp thế giới vào Google tìm các thuật ngữ “virus bia”, “virus bia Corona” hay “Liệu coronavirus có liên quan đến bia Corona của Mexico không?”. Bạn bè của Kapoor từng chụp ảnh anh đang cầm một chai bia Corona, đăng lên mạng xã hội với chú thích: “Nhìn này, Kovid đang có một vầng hào quang (corona)!”